Điểm tin kinh doanh 24/10: Dầu tiếp tục tăng giá, vàng áp sát mức 2.000 USD/ounce
Kinh doanh - Ngày đăng : 06:00, 24/10/2023
- Thị trường hàng hóa thế giới tuần từ 14-21/10: Dầu tiếp tục tăng giá, vàng áp sát mức 2.000 USD/ounce
Kết thúc tuần giao dịch từ 14-21/10, thị trường hàng hóa thế giới ghi nhận giá vàng và dầu tiếp tục tăng, riêng vàng áp sát mức 2.000 USD/ounce, trong khi giá nhiều mặt hàng khác như ngô, đậu tương, bông, đồng, quặng sắt, thép… đi xuống.
Trên thị trường dầu mỏ, dù giảm trong phiên cuối tuần qua 20/10, nhưng giá dầu ghi vẫn nhận tuần tăng thứ hai do khủng hoảng Israel - Palestine leo thang.
Cụ thể, chốt phiên 20/10, dầu thô Brent giảm 22 US cent (-0,2%) về 92,16 USD/thùng; dầu thô Tây Texas (WTI) kỳ hạn tháng 11/2023 đáo hạn trong phiên giảm 0,62 USD (-0,7%) về 88,75 USD/thùng; dầu WTI kỳ hạn tháng 12/2023 giảm 0,29 USD về 88,08 USD/thùng. Tính chung cả tuần, giá dầu tăng hơn 1% và là tuần tăng thứ hai liên tiếp.
Trung Đông vẫn là một trọng tâm lớn của thị trường vì những lo sợ về xung đột trên toàn khu vực có thể dẫn tới gián đoạn nguồn cung dầu mỏ.
Cũng hỗ trợ giá là các dự báo thị trường thắt chặt trong quý cuối năm sau khi các nhà sản xuất hàng đầu như Ả Rập Xê-út và Nga tiếp tục cắt giảm nguồn cung tới hết năm nay.
UBS dự kiến giá dầu Brent giao dịch trong khoảng 90 USD-100 USD/thùng trong những phiên tới.
Trên thị trường khí đốt, giá khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) tại Mỹ xuống mức thấp nhất 2 tuần do kho dự trữ lớn hơn dự kiến, sản lượng kỷ lục và dự báo thời tiết ôn hòa và nhu cầu sưởi ấm ít hơn dự kiến cho đến đầu tháng 12/2023.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết, các công ty điện lực đã bổ sung 97 tỷ feet khối (bcf) khí đốt vào kho dự trữ trong tuần kết thúc vào ngày 13/10.
Giá khí đốt kỳ hạn giao tháng 11/2023 trên Sàn giao dịch hàng hóa New York giảm 9,9 xu (-3,2%) về 2,957 USD/mmBtu, mức đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 3/10.
Với thời tiết ôn hòa hơn sắp tới, LSEG dự báo nhu cầu khí đốt của Mỹ, bao gồm cả xuất khẩu, sẽ giảm từ mức 97,6 bcfd trong tuần này xuống mức 96,9 bcfd vào tuần tới.
Dòng khí tới 7 nhà máy xuất khẩu LNG lớn của Mỹ đã tăng lên mức 13,5 bcfd từ đầu tháng 10 đến nay với sự trở lại của nhà máy xuất khẩu Cove Point của Berkshire Hathaway Energy ở Maryland, tăng từ mức 12,6 bcfd trong tháng 9.
Ở nhóm kim loại quý, giá vàng tiếp tục tăng và ghi nhận tuần thứ 2 tăng giá liên tiếp do lo sợ xung đột leo thang ở Trung Đông.
Cụ thể, vàng giao ngay tăng 0,3% lên 1.979,39 USD/ounce sau khi lên mức cao nhất kể từ tháng 5/2023 trong phiên 20/10. Vàng Mỹ kỳ hạn tháng 12/2023 tăng 0,7% lên 1.994,4 USD/ounce.
Giá vàng đã tăng 2,5% trong tuần qua và tăng gần 160 USD kể từ khi bắt đầu xung đột.
Tại thị trường giao ngay, các đại lý vàng ở Ấn Độ buộc phải đưa ra mức thiết khấu cao hơn do giá trong nước tăng vọt làm nhu cầu chậm lại trước một lễ hội quan trọng.
Ở nhóm kim loại cơ bản, giá đồng giảm bởi lo lắng về lãi suất tăng, tăng trưởng toàn cầu chậm chạp và thiếu kích thích kinh tế bổ sung tại Trung Quốc, nước tiêu thụ kim loại hàng đầu thế giới.
Cụ thể, giá đồng giao sau 3 tháng trên Sàn giao dịch kim loại London (LME) giảm 0,6% xuống 7.945 USD/tấn. Tính chung cả tuần, giá ổn định sau 2 tuần giảm liên tiếp.
Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng vọt 5% lần đầu tiên kể từ năm 2007 đã tác động lên các thị trường tài chính rộng lớn do các nhà đầu tư lo sợ lãi suất sẽ phải duy trì ở mức cao để hạn chế lạm phát.
Triển vọng ngắn hạn của đồng là giảm giá do thiếu kích thích bổ sung từ Trung Quốc và tình trạng không chắc chắn về suy thoái toàn cầu.
Giá đồng vẫn được hỗ trợ kỹ thuật ở mức 7.800-7.600 USD/tấn với một số đơn vị đầu cơ bán ra trong vài ngày qua.
- Thu nhỏ quy mô - chiến lược mới của các ngân hàng Mỹ
Việc thu hẹp quy mô bắt đầu vào đầu năm, khi các ngân hàng Silicon Valley Bank, Signature Bank, và First Republic phá sản vào tháng 3 và tháng 5.
Citigroup sẽ bỏ 5 cấp quản lý. US Bancorp (USB) cam kết giảm bảng cân đối kế toán để tránh các quy định nghiêm ngặt hơn. Truist đang nỗ lực tiết kiệm hàng trăm triệu USD thông qua việc thu hẹp quy mô bắt buộc.
Các thiết chế tài chính đang cắt giảm nhân sự, giảm các khoản vay, đầu tư và các lĩnh vực kinh doanh để ổn định lợi nhuận trong một trong những môi trường hoạt động khó khăn nhất kể từ sau khủng hoảng tài chính năm 2008.
Việc thu hẹp quy mô bắt đầu vào đầu năm, khi các ngân hàng Silicon Valley Bank, Signature Bank, và First Republic phá sản vào tháng 3 và tháng 5 gây lo ngại về tình hình của các ngân hàng trên khắp nước Mỹ.
Khi tình hình ổn định, các ngân hàng đã xem xét bán các khoản đầu tư và các khoản vay để bảo tồn vốn. Các quy định mới theo đề xuất của các nhà chức trách Mỹ để buộc các ngân hàng tăng đệm vốn, phòng ngừa các khoản lỗ do các tài sản rủi ro được xem là động lực để giảm bảng cân đối kế toán.
- Năm 2024, phấn đấu GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.700 USD
Đây là một trong những mục tiêu Chính phủ đề ra trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 được Thủ tướng báo cáo trước Quốc hội sáng 23/10.
Về các chỉ tiêu chủ yếu cụ thể trong năm 2024, tăng trưởng GDP khoảng 6-6,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.700-4.730 USD; tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 24,1-24,2%;
Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4-4,5%; Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 4,8-5,3%; Tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 69%, trong đó có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 28-28,5%; Tỉ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; Tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm trên 1%... Dự toán thu NSNN tăng khoảng 5%; bội chi NSNN dưới 4% GDP.
- Thủ tướng: Việt Nam ưu tiên sản xuất chip bán dẫn, đào tạo 100.000 kỹ sư vào năm 2030
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh Việt Nam ưu tiên phát triển mạnh các ngành công nghiệp, trong đó có sản xuất chip bán dẫn, mục tiêu 2025-2030 đào tạo từ 50.000 đến 100.000 nhân lực chất lượng cao cho ngành này.
Báo cáo về các nhiệm vụ trong tâm năm 2023 và kế hoạch năm 2024 tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ VI, Quốc hội khoá XV, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh các mục tiêu, chỉ tiêu của kinh tế Việt Nam năm 2023, năm 2024 và những năm tiếp theo.
Thủ tướng nhấn mạnh cần tập trung phục hồi, phát triển mạnh các ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất chíp bán dẫn. Chú trọng phát triển các ngành, lĩnh vực dịch vụ có tiềm năng, lợi thế, giá trị gia tăng cao.
Đặc biệt "chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao cho những ngành, lĩnh vực mới nổi, trong đó tập trung đào tạo 50-100 nghìn nhân lực chất lượng cao cho ngành sản xuất chip bán dẫn trong giai đoạn từ năm 2025 đến năm 2030", người đứng đầu Chính phủ nói.
- Kiều hối về TP HCM tăng trưởng tích cực
Chiều 23/10, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP HCM cho hay, đến cuối tháng 9/2023 lượng kiều hối chuyển về TP HCM đạt 6,687 tỷ USD, bằng và vượt cả năm 2022.
Theo đó, lượng kiều hối chuyển về thành phố tăng 40% so với cùng kỳ năm 2022 và bằng 101,3% so với cả năm 2022. Riêng quý 3/2023 lượng kiều hối chuyển về đạt 2,353 tỷ USD, tăng 6,2% so với quý 2/2023. Trong khi đó, cùng tỷ lệ này, quý 2/2023 tăng 4,5% so với quý 1/2023.
Ông Nguyễn Đức Lệnh nhận định: “Lượng kiều hối chuyển về thành phố tiếp tục xu hướng tăng trưởng tích cực, quý sau tăng trưởng cao hơn quý trước và duy trì ở mức tăng trưởng khá”.