Nữ du học sinh Lào xinh đẹp, nổi tiếng nhờ yêu thích văn hóa Việt Nam
Giáo dục - Đời sống trẻ - Ngày đăng : 08:11, 23/10/2023
Maysa (tên thật Maysa Bouavone Phanthaboouasy, SN 2001, Lào) hiện là sinh viên năm cuối khoa Kinh tế, Đại học Công nghiệp Hạ Long, Quảng Ninh. Với ngoại hình xinh đẹp, cô nhanh chóng thu hút hơn 540.000 lượt theo dõi trên mạng xã hội.
Sau khi tốt nghiệp cấp 3 tại Lào, Maysa tìm kiếm cơ hội đi du học nước ngoài. Cô gái SN 2001 tự làm hồ sơ, đăng ký xét tuyển vào nhiều trường đại học nổi tiếng tại Mỹ, Singapore, Hungary… và may mắn giành được học bổng 30-40%.
Đứng trước nhiều cơ hội mới, Maysa lại có tình cảm đặc biệt với Việt Nam. Nữ sinh may mắn đoạt giải nhì trong kỳ thi ASEAN Quiz cấp tỉnh và nhận được học bổng toàn phần sang Việt Nam đúng như ý muốn.
Từ bỏ học bổng Mỹ, Trung Quốc, Singapore vì tình yêu văn hóa Việt Nam
Chia sẻ với phóng viên Dân trí về lý do lựa chọn du học, Maysa cho biết: "Lúc còn nhỏ, tôi được nghe bố mẹ kể rất nhiều về Việt Nam. Họ hàng của tôi cũng có người từng sang đây học tập nên khi có thông báo trúng học bổng, tôi đã đồng ý ngay lập tức.
Nhận được học bổng từ Mỹ, Trung Quốc, Hungary nhưng tôi không mất nhiều thời gian suy nghĩ và đưa ra lựa chọn cuối cùng. Đơn giản là vì Việt Nam luôn có một vị trí đặc biệt trong trái tim tôi.
Việt Nam và Lào có mối quan hệ gắn kết mật thiết với nhau nên tôi qua đây học giống như ở nhà người thân. Bố mẹ tôi cũng cảm thấy an tâm, tin tưởng tuyệt đối".?
Maysa tiết lộ, cô đã gặp không ít khó khăn khi học tiếng Việt. Sang đây, cô mới thấm thía được câu "Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam". Tiếng Việt rất phong phú và đa dạng trong cách dùng. Nhưng may mắn có sự giúp đỡ của bạn bè và thầy cô, nữ sinh nhanh chóng tiến bộ hơn về kỹ năng giao tiếp.
"Bản thân tôi rất yêu thích văn hóa truyền thống Việt Nam nên khi học tiếng Việt, tôi luôn cố gắng trau dồi mỗi ngày. Theo tôi, nếu không có tình yêu và đam mê thì rất khó để hiểu, tiếp thu ngôn ngữ mới", cô gái SN 2001 nói.
Với Maysa, hành trình du học tại Việt Nam chưa bao giờ dễ dàng. Sự khác biệt về văn hóa, ẩm thực và lối sống giữa hai quốc gia khiến nữ sinh mất nhiều thời gian để thích nghi dần với mọi thứ.
"Vì chưa bao giờ sống xa nhà nên khi sang Việt Nam, tôi cảm thấy rất bỡ ngỡ và lạc lõng. Thời điểm chưa hiểu được tiếng Việt, tôi chỉ biết trốn tránh mọi thứ, ở một mình trong phòng và ngại giao tiếp với tất cả bạn bè xung quanh. Muốn truyền đạt điều gì đó cũng rất khó diễn tả.
Ở trên lớp, khi thầy cô giảng bài, tôi cảm thấy khó tiếp thu. Đặc biệt là năm nhất học các môn đại cương, tôi không thể nào hiểu được hết ý nghĩa", Maysa kể về những khó khăn đã trải qua khi mới sang Việt Nam học tập.
Giới thiệu văn hóa truyền thống Việt Nam bằng chính trải nghiệm thực tế
Sau 3 năm học tập, Maysa quyết định phát triển bản thân trở thành nhà sáng tạo nội dung trên mạng xã hội. Mục đích chính của cô là chia sẻ những điều thú vị, khác biệt chỉ có ở Việt Nam đến với giới trẻ Lào, nhất là các bạn có ý định sang du học, làm việc.
"Tôi thấy rất nhiều bạn trẻ ở Lào chưa có cơ hội hiểu về cuộc sống và con người Việt Nam. Là du học sinh, tôi muốn dùng chính trải nghiệm thực tế của mình để giúp họ có cái nhìn bao quát hơn về văn hóa truyền thống tại đây.
Thông qua các video của mình, tôi mong rằng, người trẻ ở Việt Nam và Lào sẽ nhận ra được điểm giống, khác nhau về bản sắc văn hóa giữa hai đất nước, khám phá những điều mới lạ và trở nên gắn kết tình cảm hơn", Maysa cho hay.
Nữ sinh Lào nhận thấy bản thân chưa thực sự thông thạo tiếng Việt 100% nên đôi khi cách truyền đạt vấn đề không được phù hợp, từ ngữ dùng còn sai.
Được sự đón nhận, ủng hộ từ phía cộng đồng mạng, Maysa rất vui, phấn khích nhưng cũng có chút lo lắng, áp lực. Tuy nhiên, điều đó chính là động lực để cô cố gắng hoàn thiện bản thân tốt hơn mỗi ngày.
"Khó khăn là vậy nhưng thấy được mọi người hứng thú, tò mò về cuộc sống tại hai quốc gia Việt Nam - Lào, tôi như được tiếp thêm động lực để cố gắng", nữ sinh nói.
Sau khi hoàn thành chương trình học, Maysa dự định ở lại Việt Nam để phát triển các kỹ năng mềm và tích lũy thêm nhiều trải nghiệm thực tế, phục vụ cho công việc tương lai.