Những món ngon không thể bỏ qua khi đến Lào Cai
Ẩm thực - Ngày đăng : 06:56, 23/10/2023
Gà đen nướng mật ong: Đây là món ăn thơm ngon không thể chối từ. Đến với Si Ma Cai, du khách không nên bỏ qua các món ăn được chế biến từ thịt gà đen, theo cách gọi của dân bản thì gọi là “gà okê”.
Món đỉnh nhất, hấp dẫn du khách nhất là gà đen nướng mật ong.
Loại gà này rất đặc biệt, nó không chỉ có bộ lông đen tuyền mà toàn bộ da, thịt và xương đều đen. Điều thú vị, đặc biệt của gà Si Ma Cai là gà được nuôi thả tự nhiên trên các triền đồi nên thịt rất săn chắc.
Thịt gà đen có thể chế biến được nhiều món ngon như xào, hấp, luộc, nướng, hầm… nhưng món đỉnh nhất, hấp dẫn du khách nhất là gà đen nướng mật ong và canh gà đen.
Để món gà đen nướng mật ong được thơm ngon, hương vị đậm đà thì công đoạn chọn mật ong rất quan trọng. Mật ong không phải mật ong nuôi ở nhà ăn đường mà là mật ong rừng, mật ong rừng ngọt dịu và thơm mùi của núi rừng.
Tiếp đến là công đoạn ướp gà với mật ong, công đoạn đòi hỏi sự khéo léo, tinh tế của người nấu. Nếu tẩm quá ít mật ong thì gà không được thơm ngon hoặc quá tay hơi nhiều mật ong thì khi nướng gà sẽ bị cháy, ăn sẽ có vị đắng. Gà đen nướng mật ong được thưởng thức, ăn kèm với lá bạc hà cay tê tê, thơm mát, chấm với muối tiêu chanh thì ngon không cưỡng nổi.
Cá tầm: Cá tầm là loài cá ưa lạnh sống trong môi trường nước sạch tự nhiên, có lượng ô xy hoà tan cao, nhiệt độ phù hợp nhất để cá sống là khoảng 18-25 độ C. Cá tầm được nuôi ở Sa Pa có chất lượng rất tốt, thịt màu vàng, chắc và dai mùi vị rất thơm ngon.
Cá tầm nuôi ở Sa Pa có thịt rất thơm ngon.
Những con cá tầm Sa Pa tươi sống khỏe mạnh khi được chế biến thành những món ăn thì đảm bảo không một vị khách nào có thể chối từ. Các món ăn phổ biến làm từ cá tầm như: Lẩu cá tầm, cá tầm nướng, gỏi cá tầm, cá tầm trộn,… Cá tầm là một loài cá đặc biệt vì phần xương hầu như là sụn mềm nên đặc biệt được du khách ưa chuộng vì ngon miệng, dễ ăn, không gây hóc và giá thành hợp lý.
Chè shan: Nằm trên những dãy núi cao trên 1.500m so với mực nước biển ở tỉnh Lào Cai, chè shan được hái từ cây chè cổ thụ có tuổi đời lên đến trăm năm tuổi. Nhờ khí hậu lạnh quanh năm của các vùng Bắc Hà, Mường Khương nên rất thích hợp để cây phát triển.
Những cây chè cổ thụ cho sản phẩm rất đặc biệt.
Chè shan tuyết đặc biệt là giống tía tím được chuyên gia quốc tế khảo sát, đánh giá là một loại chè đặc biệt cao cấp, không chỉ sử dụng làm nước uống mà còn có tác dụng trong y học phòng chữa một số bệnh: Đường ruột, béo phì, sâu răng, hôi miệng, phòng chống huyết áp cao, chống lão hoá…
Nhờ tuân thủ nghiêm ngặt quy trình: Không thuốc trừ sâu, không phân bón hữu cơ và vô cơ nên chè shan tuyết rất được lòng du khách. Cây chè Shan là cây đa tác dụng, ngoài việc phòng hộ, phủ xanh đất trống đồi núi trọc, cây chè shan còn là cây có giá trị kinh tế, để người dân bảo vệ và phát triển vốn rừng. Sản phẩm chè shan là sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao của tỉnh Lào Cai.
Cốm Bắc Hà: Nhắc đến văn hóa ẩm thực Bắc Hà, cốm là một nét gì đó rất riêng, rất đặc trưng mà chỉ nơi này mới có được hạt cốm to, xanh, vị ngọt dẻo ít nơi nào sánh được. Chẳng thế mà biết bao người chỉ ăn một lần mà nhớ mãi hương vị ấy không quên.
Khi tiết trời mát dịu của mùa thu về cũng là thời điểm mùa cốm bắt đầu.
Cốm có hai mùa, khởi đầu là tháng tư âm lịch với mùa cốm chiêm, và từ tháng bảy đến cuối tháng chín âm lịch (có khi tới đầu tháng mười âm lịch) là mùa cốm chính. Nhưng Bắc Hà thì chỉ có một mùa cốm bởi vùng đất nơi đây chỉ cấy một mùa khi bắt đầu có những cơn mưa mùa hạ về. Bởi thế khi tiết trời mát dịu của mùa thu về cũng là thời điểm mùa cốm bắt đầu.
Cốm Bắc Hà khác hẳn cốm vùng khác bởi những hạt cốm được làm từ giống lúa nếp địa phương. Bởi thế hạt cốm cũng mềm, dịu dàng và có vị ngọt tinh khiết của núi rừng.
Cốm ở Bắc Hà thường được làm theo phương pháp truyền thống nên hạt cốm dẻo, màu xanh tự nhiên và đặc biệt là có hương thơm độc đáo.Theo bà con người Tày ở Bắc Hà, để làm được một mẻ cốm phải trải qua rất nhiều công đoạn, song việc đầu tiên là chọn lúa làm cốm có vai trò quan trọng. Thông thường, lúa làm cốm thường là nếp nương, bởi loại lúa này hạt tròn, mẩy, lại giữ lâu được chất ngọt của hạt nếp, mùi thơm và độ dẻo của hạt lúa.
Dù lúa nếp được cấy dưới ruộng nước hay gieo trên nương rẫy thì khi ngắt lúa về làm cốm, hạt lúa nếp phải còn chút sữa ở đầu hạt, vỏ hơi lam vàng một chút và hạt chưa chín hết, như vậy mới làm được hạt cốm vừa dẻo vừa thơm.