Thuốc điều trị tay chân miệng không thiếu mà do cơ sở không chủ động
Tin Y tế - Ngày đăng : 10:39, 21/10/2023
Từ đầu năm đến nay, số ca tay chân miệng tại khu vực phía Nam tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu tại các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Tuy nhiên, các trường hợp nặng và tử vong của miền Tây Nam Bộ lại chiếm phần lớn, với tỉ lệ 81%. Bệnh nặng tập trung ở trẻ em dưới 3 tuổi, chiếm 77%. Phía nam đã ghi nhận 23 trường hợp tử vong (TPHCM chưa có trường hợp tử vong).
Việc thiếu các thuốc thiết yếu, đồng thời một số nơi chưa triển khai được kỹ thuật lọc máu khiến nhiều bệnh nhi nặng phải chuyển viện. Từ đó dẫn đến hậu quả, một số trẻ không được điều trị kịp thời, biến chứng nặng, thậm chí tử vong.
Liên quan đến tình trạng thiếu thuốc điều trị bệnh tay chân miệng, ông Lê Việt Dũng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) - cho biết, hiện nay, có 13 thuốc immunoglobulin được cấp giấy đăng ký lưu hành còn hiệu lực tại Việt Nam. Cục Quản lý Dược đã cấp phép nhập khẩu 15.000 lọ thuốc immunoglobulin theo quy định để đáp ứng nhu cầu điều trị đặc biệt của cơ sở khám chữa bệnh.
Việt Nam đã nhập khẩu về với số lượng 8.258 lọ thuốc và cung ứng cho các cơ sở điều trị. Dự kiến cuối tháng 11 sẽ tiếp tục nhập khẩu 2.000 lọ thuốc về Việt Nam. Ngoài ra, trong những tháng cuối năm 2023, các thuốc immunoglobulin đã được cấp giấy đăng ký lưu hành có thể sẽ được tiếp tục nhập khẩu về Việt Nam.
Đối với thuốc chứa hoạt chất phenobarbital, có một thuốc do cơ sở trong nước sản xuất đã được cấp giấy đăng ký lưu hành còn hiệu lực tại Việt Nam. Cơ sở đã nhập khẩu nguyên liệu về Việt Nam và sẵn sàng sản xuất thuốc trong thời gian tới để cung ứng cho các cơ sở khám chữa bệnh.
Cục Quản lý Dược đã cấp phép nhập khẩu 21.000 lọ thuốc tiêm chứa hoạt chất phenobarbital chưa có giấy đăng ký lưu hành để đáp ứng nhu cầu điều trị của các cơ sở khám chữa bệnh.
Cục Quản lý Dược vẫn tiếp tục nhận được đề nghị của một số cơ sở khám chữa bệnh về việc nhập khẩu thuốc barbit injection 1ml (dung dịch tiêm chứa phenobarbital) đáp ứng nhu cầu điều trị đặc biệt của bệnh viện.
Theo ông Lê Việt Dũng, nguồn cung đầu vào hiện không thiếu, nhưng vẫn còn những đơn vị điều trị và địa phương chưa chủ động trong việc xây dựng, triển khai kế hoạch dự trữ, mua sắm, tiếp nhận thuốc phù hợp với thực tế để đảm bảo đủ thuốc phục vụ công tác chuyên môn, khám chữa bệnh, điều trị cho người bệnh.