Ngăn chặn thảm án

Pháp luật - Ngày đăng : 00:06, 21/10/2023

Án mạng giết người ở nước ta từ chỗ rất hiếm khi xảy ra, thi thoảng cộng đồng lại rúng động khi báo chí đưa tin, thì giai đoạn gần đây các thảm án lại xảy ra với tần suất đáng báo động.

Khi đọc vụ án diễn ra chiều 17-10 vừa qua ở Bắc Ninh, chúng tôi lại nhớ ra một án mạng thảm khốc khác cũng diễn ra tại thành phố này. Do mâu thuẫn tình cảm, một thanh niên chỉ mới 19 tuổi đã từ Tuyên Quang tìm về nơi bạn gái làm việc ở thành phố Bắc Ninh, hạ sát bạn gái cũ và bạn trai mới của cô ấy, trước khi gây án kẻ thủ ác còn viết “thư tuyệt mệnh” trên trang Facebook của mình để thông báo!

Chỉ cần vào Google gõ 2 từ “án mạng”, sẽ có chi tiết của rất nhiều thảm án đã diễn ra thời gian qua. Điều đáng lo là không chỉ diễn ra ở nhiều địa phương, vùng miền mà những kẻ thủ ác cũng có nhân thân không như logic thông thường.

nld.mediacdn.vn-thumb_w-684-291774122806476800-2023-10-18-_photo-1-16975887255871641572219.jpeg
Những án mạng gần đây khiến dư luận sợ hãi. Ảnh minh hoạ

Rất nhiều người đã phân tích, lý giải vấn đề này, cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội là những kẻ gây án có giáo dục hạn chế, nhất là hạn chế về kiến thức về pháp luật, dẫn đến khó điều chỉnh được hành vi, dễ gây ra tội ác. Thế nhưng, nhiều vụ thảm án sau này đều cho thấy thực tế khác: kẻ thủ ác là người có trình độ, thậm chí có học vấn rất cao, sinh trưởng trong những gia đình nền nếp, tử tế.

Vậy điều gì đã khiến những con người đầu óc hoàn toàn bình thường, được ăn học tử tế chỉ trong phút chốc biến thành kẻ sát nhân man rợ?

Ngoài ra, nguyên nhân gây ra thảm án cũng đáng được cân nhắc. Lâu nay, thông thường nguyên nhân tập trung ở mâu thuẫn tình cảm, tranh chấp đất đai, tài sản, nhưng gần đây chúng ta có thể thấy có khi chỉ vì những nguyên nhân rất nhỏ, bộc phát như: vì tiếng nẹt pô xe máy, vì nhìn đểu, vì hát “loa kẹo kéo” gây ồn ào. Chỉ trong tích tắc, một người bình thường bỗng trở thành tội phạm giết người.

Những mâu thuẫn bộc phát dẫn đến thảm án là điều rất đáng để đi tìm “đáp án”, bởi điều này cần được giải thích một cách căn cơ, từ tâm lý xã hội, từ các mối quan hệ cộng đồng chứ không thể dựa trên logic của chuyên ngành “tội phạm học”.

Cũng không thể cứ đề ra các biện pháp một cách chung chung, như “cần tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục để nâng cao nhận thức và ý thức tôn trọng pháp luật, tôn trọng tính mạng con người, hay kêu gọi sự vào cuộc của chính quyền địa phương, các tổ chức xã hội, đoàn thể để hóa giải mâu thuẫn”.

Bởi, không ai có thể lường trước được một người dân bình thường, sống giữa một đất nước bình yên lại có thể mất đi tính mạng bởi một lý do không đâu, thậm chí là bởi một kẻ nghiện ngập lên cơn ngáo đá bất thình lình nào đó!

Đã đến lúc cần có một chương trình hành động lớn hơn để hạn chế các thảm án, với những nghiên cứu khoa học ở tầm vóc quốc gia nhằm tìm ra nguyên nhân và có giải pháp cụ thể ngăn chặn hiệu quả các thảm án này, không để chúng gia tăng tần suất và mức độ, gây bất an trong đời sống, sinh hoạt của người dân.

An Du