Lương Thế Thành không cho con học thêm trước khi vào lớp 1, Thúy Diễm phải cực nhọc tự dạy con
Cùng con trưởng thành - Ngày đăng : 20:40, 19/10/2023
Thời điểm con trẻ chuẩn bị bước vào lớp 1 cũng là lúc các bậc cha mẹ có rất nhiều lo lắng. Trong số đó phải kể đến nỗi lo trẻ khó làm quen với môi trường mới, lo con không theo kịp chương trình học với các bạn. Vì vậy, nhiều phụ huynh lựa chọn cho trẻ học trước chương trình lớp 1. Tuy nhiên, cho trẻ học trước chương trình lớp 1 có nên không, liệu có mang lại tác hại gì hay không thì vẫn cần phải xem xét trên nhiều khía cạnh.
Con trai Lương Thế Thành - Thúy Diễm sinh năm 2018, tên ở nhà là Bảo Bảo, có vẻ ngoài khôi ngô, đáng yêu, thừa hưởng nhiều nét đẹp từ bố. Hiện tại, Bảo Bảo được 5 tuổi, sang năm 2024 sẽ bước vào lớp 1, cậu bé bắt đầu được làm quen với chữ cái và số.
Con trai của Thúy Diễm - Lương Thế Thành sắp vào lớp 1.
Mới đây, diễn viên Thúy Diễm đăng tải khoảnh khắc hướng dẫn con học bài cùng lời tâm sự của một bà mẹ sắp có con vào lớp 1. "Em bé của mẹ sắp lớn rồi, ráng lên con trai, năm sau vào lớp 1 rồi phải cứng cáp thôi nào. Mình đòi tìm cô giáo cho anh học thêm mà ba anh la quá la, kêu hãy cho con trai tui tận hưởng tuổi thơ cho đáng được không, thế là bà mẹ già phải "gò" cho anh. Mà sao nhìn ảnh tập viết mẹ yêu thế không biết nữa. Nhớ mới ngày nào bế trên tay cho ti chụt chụt mà giờ đã sắp trưởng thành rồi. Bé ơi chậm lớn thôi nào" - Thúy Diễm chia sẻ.
Bảo Bảo bắt đầu làm quen với chữ cái và số.
Được biết, con trai chuẩn bị bước vào giai đoạn học tập quan trọng nên vợ chồng Thúy Diễm rất để tâm đến việc kèm cặp, theo sát con. Giống như nhiều bà mẹ khác, Thúy Diễm mong con có được sự chuẩn bị kiến thức tốt nhất để khi vào lớp 1 không bị bỡ ngỡ và theo kịp bạn cùng lớp, tuy nhiên, Lương Thế Thành lại có quan điểm trái ngược bà xã, nam diễn viên muốn con được tận hưởng trọn vẹn quãng thời gian tuổi thơ quý giá.
Thúy Diễm đích thân dạy con học, không cho đi học thêm.
Vì hai vợ chồng không thống nhất được quan điểm nên cuối cùng Thúy Diễm là người dạy con học mỗi ngày, không cho con đi học thêm, vừa đảm bảo chuẩn bị kiến thức cho con vừa đủ mà vẫn có thời gian để con vui chơi đúng lứa tuổi.
Trước đây, chia sẻ về quan điểm dạy con, vợ chồng Thúy Diễm từng gặp khó khăn khi con trai bước vào giai đoạn khủng hoảng tuổi lên ba, Bảo Bảo rất bướng bỉnh, hay phản kháng hoặc gào lên rồi nằm khóc, ăn vạ. Vợ chồng cô thống nhất không quát con, uốn nắn bé bằng phương pháp mềm mỏng, chờ bé dịu xuống rồi mới nói lý lẽ, phải trái. Hiện tại, Bảo Bảo trưởng thành hơn, điềm tĩnh và rất nghe lời bố mẹ, cậu bé được khen có ý thức học tập tốt.
Từ câu chuyện dạy con của nhà Thúy Diễm - Lương Thế Thành, các bậc phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp 1 nên hết sức lưu ý câu chuyện liệu có nên cho con đi học thêm quá sớm hay không.
Theo các nghiên cứu khoa học, trước khi vào lớp 1, trẻ cần phát triển toàn diện ở 5 mặt gồm nhận thức, thể chất, tình cảm và kỹ năng xã hội, ngôn ngữ và thẩm mỹ. Những nội dung này đều đã có trong chương trình giáo dục mầm non ở lớp 5 tuổi.
Ở bậc mầm non, các con được làm quen, nhận biết, tô màu chữ cái. Trẻ cũng học đến số 10, ví dụ học đếm hay tạo nhóm. Các chuyên gia giáo dục đã nghiên cứu sự phát triển của trẻ, đặc biệt là đôi bàn tay. Những cơ nhỏ phải đạt đến một mức độ nhất định thì bé mới có thể cầm bút để đưa nét cho chuẩn. Trước 6 tuổi, xương bàn tay của trẻ chưa phát triển hoàn toàn, chưa đủ cứng cáp để cầm bút, luyện viết. Việc ép trẻ luyện chữ ở thời điểm này không khác gì việc ép trái cây chín non.
Tuy nhiên, khi trẻ tiếp thu quá chậm, thì nên để trẻ học trước theo hình thức làm quen với mặt chữ. Chỉ cần trẻ nhìn và đọc được là được, không nhất thiết bắt buộc trẻ phải biết viết ở thời điểm trước 6 tuổi. Trẻ nên được học đúng với lứa tuổi và giai đoạn để có sự phát triển toàn diện.
Theo các chuyên gia, các lớp tiền tiểu học, nếu có chỉ nên chuẩn bị tâm thế vào lớp 1, ôn lại những nội dung được dạy ở mầm non, học tư thế ngồi, cách cầm bút,... chứ không học trước chương trình lớp 1.
Ảnh minh họa
1. Trẻ bị đánh mất tuổi thơ, vốn cần vô tư, vô lo, thoải mái vui chơi và sống trong tình yêu thương của ba mẹ.
2. Trẻ mất cơ hội vui chơi, rèn luyện cơ thể cũng như các kỹ năng cần thiết khác, suốt ngày bị ép học trong khi trẻ chưa đủ khả năng ngồi im một chỗ quá lâu, tay chưa đủ khéo để uốn nắn chữ viết…
3. Trẻ dễ gặp vấn đề trong tư thế ngồi, ngồi sai, trở thành thói quen và sẽ ảnh hưởng đến cột sống. Thái độ học của trẻ cũng có thể không tốt, vì trẻ thường nghịch ngợm, quậy phá, không chịu ngồi im, lâu ngày sẽ thành thói quen.
4. Trẻ dễ gặp phải tâm lý sợ học, ám ảnh việc học, tâm lý đó có thể kéo dài và ảnh hưởng đến cả những năm sau này khi trẻ đi học chính thức.
5. Nếu được học trước, trẻ có thể sẽ chủ quan khi vào lớp 1, tỏ ra chán học vì đã được học trước rồi, không cùng học với bạn bè.
6. Ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ vì trẻ bị gò ép vào khuôn khổ quá sớm, có khi còn bị ba mẹ la mắng, phạt vì viết chữ sai, xấu,…
Bố mẹ cần chuẩn bị gì khi con sắp vào lớp 1?
Phụ huynh nên cho con nghỉ ngơi, có thể cho các con đi tham quan trường tiểu học, giới thiệu một số hoạt động ở nhà trường để chuẩn bị cho các con tâm lý thoải mái, khơi dậy sự háo hức, vui vẻ và mong muốn được đến trường của các con.
Theo các chuyên gia tâm lý, khi được trò chuyện cùng người thân về những điều mới mẻ sắp tới sẽ trải qua, các con sẽ có tâm lý thoải mái, tự tin, không bỡ ngỡ khi đến trường và hòa nhập rất nhanh. Bên cạnh việc chuẩn bị cho trẻ tâm lý sẵn sàng, háo hức vào lớp 1, phụ huynh cũng cần quan tâm rèn luyện cho trẻ một số kỹ năng cơ bản như tự giới thiệu về bản thân, xếp hàng khi vào lớp, biết lắng nghe, giữ trật tự trong lớp, giơ tay xin phép thầy cô khi phát biểu hoặc ra ngoài, lễ phép chào hỏi thầy cô, tôn trọng bạn bè...
Ngoài ra còn có những kỹ năng tự phục vụ, như: chuẩn bị quần áo, sách vở, sắp xếp đồ dùng học tập, tự đi vệ sinh khi cần...
Ảnh minh họa
Bên cạnh việc tạo cho trẻ tâm lý thoải mái, các bậc cha mẹ có thể giúp con làm quen với chữ cái và các con số, dạy trẻ cách cầm bút viết, ngồi đúng tư thế qua các hoạt động đơn giản như tô màu, vẽ tranh,... Những hoạt động này sẽ giúp trẻ gia tăng sự tập trung chú ý khi bước vào những giờ học chính thức.
Theo đó, trước 6 tuổi, trẻ chỉ cần được hướng dẫn để nhận biết những vật dụng quen thuộc ở xung quanh, hiểu thêm về các mối quan hệ ngoài gia đình, biết tự chăm sóc, lo cho mình một cách cơ bản nhất, biết tự bảo vệ, tránh xa những mối nguy không an toàn, biết sơ lược về các con số, chữ cái, các hình khối,…
Theo Người đưa tin