Có nên dùng baking soda để vệ sinh máy giặt? 4 bước chuyên gia hướng dẫn thực hiện công việc đơn giản tại nhà
Gia đình - Ngày đăng : 14:31, 19/10/2023
Bên cạnh các chất tẩy rửa hóa học chuyên dụng, các chất tẩy rửa nhẹ nhàng, lành tính hơn, có thể tận dụng từ nguồn nguyên liệu có sẵn trong nhà, cũng được người dùng ưa chuộng. Có thể kể tới như các nguyên liệu chứa axit, đem lại hiệu quả tẩy rửa, khử mùi tốt như giấm ăn, chanh hay baking soda. Trong đó, baking soda được đánh giá là chất tẩy rửa toàn diện nhất.
Baking soda có thể áp dụng để vệ sinh hầu hết mọi vật dụng trong nhà, tuy nhiên có một thứ được các chuyên gia khuyến cáo không nên sử dụng. Đó chính là chiếc máy giặt, hay cụ thể là khu vực lồng máy giặt.
Baking soda không thực sự phù hợp để vệ sinh máy giặt (Ảnh minh họa)
Vì sao không nên dùng baking soda vệ sinh máy giặt?
Về cơ bản, baking soda có kết cấu là những hạt bột li ti, tương tự như bột giặt tuy nhiên tính hòa tan kém hơn. Khi sử dụng baking soda để vệ sinh máy giặt nói chung cũng như lồng máy giặt nói riêng, những hạt bột này có thể không thể hòa tan hết, nguy cơ mắc kẹt lại trong các ngóc ngách của máy giặt. Lâu ngày, chúng thậm chí có thể ăn mòn các bộ phận kim loại của máy giặt và gây giảm hiệu quả hoạt động hay hư hỏng thiết bị.
Chính vì vậy khi tiến hành lựa chọn các chất tẩy rửa để vệ sinh máy giặt, người dùng nên cân nhắc không sử dụng baking soda, thay vào đó giấm, chanh vẫn có thể sử dụng, hoặc sử dụng các chất tẩy rửa chuyên dụng, được thiết kế riêng để vệ sinh máy giặt, lồng máy giặt.
Baking soda có thể không hòa tan hết, đọng lại bên trong lồng máy giặt gây hư hỏng thiết bị (Ảnh minh họa)
Các bước vệ sinh máy giặt hiệu quả, đơn giản tại nhà
Các chuyên gia cũng đưa ra lời khuyên rằng, nhiều gia đình thường bỏ quên việc vệ sinh máy giặt nhà mình, tuy nhiên thực tế điều này nên được thực hiện định kỳ khoảng 2-3 tháng 1 lần. Có như vậy, thiết bị mới đảm bảo được hiệu quả hoạt động, tuổi thọ được lâu bền, hạn chế các vấn đề hỏng hóc xảy ra trong quá trình người dùng sử dụng.
Dưới đây là hướng dẫn về các bước cụ thể được đưa ra để người dùng có thể chủ động vệ sinh máy giặt tại nhà bằng các thao tác đơn giản, phù hợp với hầu hết các loại máy giặt.
- Bước 1: Bật chế độ tự vệ sinh (với máy giặt thế hệ mới) hoặc chế độ giặt thường (với máy giặt thế hệ cũ) để thiết bị bắt đầu được đổ đầy nước.
- Bước 2: Thêm chất tẩy rửa vào bên trong lồng máy giặt. Tốt nhất là sử dụng các chẩt tẩy rửa lồng máy giặt chuyên dụng, nếu không người dùng cũng có thể sử dụng chính bột giặt quần áo mà gia đình mình vẫn dùng hàng ngày. Định lượng sử dụng cũng nên hợp lý, dựa trên dung tích của máy giặt. Con số được các chuyên gia khuyến khích đó là khoảng 5gr/lít nước. Và chỉ cho bột, chất tẩy rửa vào khi trong lồng máy giặt có lượng nước nhất định.
Đổ chất tẩy rửa vào khi lồng giặt đã có nước (Ảnh minh họa)
- Bước 3: Để máy giặt bắt đầu chạy chu trình của mình. Với những chiếc máy giặt đã quá lâu không được vệ sinh, tích tụ quá nhiều chất bẩn, người dùng có thể tạm dừng chu trình giữa chừng để lấy bớt chất bẩn ra khi chúng bắt đầu xuất hiện dày đặc trên mặt nước. Có thể sử dụng các loại lưới vợt hoặc tấm vải lưới để đảm bảo chỉ lấy chất bẩn chứ không lấy bớt nước ra khỏi máy giặt. Việc lấy bớt chất bẩn ra giữa chừng sẽ không ảnh hưởng tới chu trình vệ sinh của máy giặt, thậm chí còn giúp nó đạt hiệu quả tốt hơn.
Nếu thấy có quá nhiều chất bẩn nổi lên trong quá trình vệ sinh, người dùng có thể tạm dừng chu trình giữa chừng để vớt bớt ra (Ảnh minh họa)
- Bước 4: Khi chu trình vệ sinh đã kết thúc, người dùng nên kiểm tra lại phía sâu bên trong lồng giặt. Nếu vẫn còn một số loại cặn bẩn tồn đọng, có thể dùng chổi nhỏ hoặc khăn mềm lau để loại bỏ chúng.
Bên cạnh việc vệ sinh lồng giặt, các bộ phận khác của máy giặt cũng quan trọng không kém đó là đường ống thoát nước, gioăng cao su cửa máy giặt hay khay đựng bột, nước giặt. Người dùng cũng cần vệ sinh các bộ phận này thường xuyên để thiết bị đạt hiệu quả hoạt động tốt nhất.
Các bộ phận khác của máy giặt như gioăng cao su cửa máy, khay đựng nước, bột giặt hay đường ống... cũng cần được vệ sinh (Ảnh minh họa)
Như đã nói ở trên, máy giặt là thiết bị có thể tiềm ẩn nhiều chất bẩn và vi khuẩn nhiều hơn những gì con người nghĩ. Nó không chỉ đến từ quần áo mà đôi khi đến từ cả con người hay môi trường sống. Bên cạnh việc tiến hành tự vệ sinh 2-3 tháng/lần tại nhà, người dùng cũng nên gọi thợ bảo dưỡng định kỳ cho thiết bị ít nhất 1 năm/lần.
Theo Phụ nữ mới