Trung tướng Trần Văn Độ: 'Hiện nay không phải ai cũng chính trực được đâu'
Nhịp sống - Ngày đăng : 15:36, 19/10/2023
Sáng 19/10, Trường Đại học Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội, phối hợp với Báo Pháp luật TPHCM tổ chức tọa đàm "Giáo dục phòng, chống tham nhũng với yêu cầu xây dựng văn hóa liêm chính trong giai đoạn mới".
Hoạt động công vụ "nhũng nhiễu dân nhiều quá"
Theo ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 chưa đề cập tới giải pháp giáo dục về phòng, chống tham nhũng đối với người trẻ, học sinh, sinh viên và cán bộ, công chức, viên chức.
Sau đó, nghị quyết của Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác phòng, chống tham nhũng đã định hướng đưa nội dung Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vào chương trình giáo dục và mở chuyên mục tuyên truyền, giáo dục về vấn đề này trên các báo, đài.
Đến Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 đã quy định rõ, cơ sở giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng có trách nhiệm đưa nội dung giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống nhằm phòng, chống tham nhũng vào chương trình đối với học sinh THPT, sinh viên, học viên và người có chức vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật.
Ông Trần Văn Long, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ) thừa nhận việc đánh giá cụ thể về hiệu quả thực hiện quy định trên rất khó. "Qua tiếp xúc với các bộ ngành, học sinh, sinh viên, chúng tôi thấy sự hứng thú với môn học này rất tốt", ông Long thông tin.
Tuy nhiên, tài liệu về phòng, chống tham nhũng ít được cập nhật, trong chương trình giáo dục phổ thông hiện nay chỉ có 2 tiết/năm.
"Bản thân người học đòi hỏi thông tin rất nhiều, các vụ việc xử lý tham nhũng kích thích các em ghê gớm lắm nhưng không có nguồn tài liệu để giải đáp", ông Long nói và cho biết sắp tới Thanh tra Chính phủ sẽ có báo cáo cấp thẩm quyền đánh giá về việc đưa nội dung phòng chống tham nhũng vào trường học, cơ sở giáo dục.
PGS Vũ Công Giao (người trực tiếp triển khai đề án đào tạo thạc sĩ về phòng chống tham nhũng tại Trường Đại học Luật) cũng đánh giá, hiện nay chưa có nhận thức thống nhất, chưa có giáo trình và chương trình chuyên biệt, phù hợp với từng nhóm đối tượng.
Bình luận thêm tại tọa đàm, ông Nguyễn Văn Thanh nhấn mạnh, hoạt động công vụ "nhũng nhiễu dân nhiều quá"; rất nhiều thói hư tật xấu được phơi bày rõ rệt khiến người dân rất bức xúc.
Do đó, theo ông Thanh, nhu cầu, đòi hỏi của thực tiễn phải có giáo dục, bồi dưỡng, nhắc nhở thường xuyên đối với học sinh, sinh viên đại học, người thực thi công vụ về phòng chống tham nhũng. "Đó là đòi hỏi gắt gao của xã hội đối với nền công vụ", ông Thanh nêu quan điểm.
Những cán bộ tham nhũng vừa qua "không ông nào nghèo hết"
Trung tướng Trần Văn Độ, nguyên Phó chánh án TAND Tối cao, Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương, nhớ lại khi xây dựng bộ quy tắc ứng xử của thẩm phán, ngành tòa án luôn nhấn mạnh "liêm chính" là đức tính quý báu của con người, gồm thanh liêm và chính trực.
"Dứt khoát không được lợi dụng vị trí của mình để thu lời. Không để gia đình, người thân lợi dụng vị trí công việc của thẩm phán để thu lời. Có thanh liêm mới chính trực được. Anh nào tham nhũng làm bậy, làm bạ thì người dân không nghe đâu. "Dính vào rồi" thì thẩm phán không độc lập được đâu. Đây là 2 cái đi liền với nhau", Trung tướng Trần Văn Độ phân tích.
Chung quan điểm liêm chính phải được giáo dục, xây dựng nhưng Trung tướng Trần Văn Độ thừa nhận, "muốn liêm chính không đơn giản đâu".
Nhớ lại phát biểu của mình tại cuộc họp của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng khi còn đương chức, Tướng Độ khẳng định liêm chính phải được xây dựng, bởi đó là nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước.
"Thẩm phán lương 8 triệu, mà nghề giúp việc lương cũng hơn 8 triệu rồi, thì liêm chính không nổi", ông Độ ví von và nhận định vấn đề nằm ở tiền lương - thể hiện việc chăm lo cho con người, nhiệm vụ trung tâm của mọi chính sách.
"Người làm nghề công chức phải đủ sống với nghề, đủ sống với lương. Ở Việt Nam, ngoài lương còn thu nhập, mà thu nhập là chính và mỗi người có một kiểu thu nhập, nên từ đó dẫn tới tham nhũng", Trung tướng Trần Văn Độ thẳng thắn.
Ông bình luận: "Trong xã hội hiện nay không phải ai cũng chính trực được đâu, bởi không liêm khiết được".
Trong khi đó, TS. Đinh Văn Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ) phản ánh thực tế những cán bộ tham nhũng vừa qua "không ông nào nghèo hết".
Trẻ con chưa biết gì về tham nhũng nhưng ông Minh cho rằng những câu chuyện đạo đức như "tiền bà trong túi rơi ra, tép tôm nhặt được trả bà mua rau" được lồng ghép trong chương trình giáo dục mang lại rất nhiều bổ ích, ý nghĩa.
"Chúng tôi đã đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phải lồng ghép vào chương trình, tùy từng cấp học. Ở Đan Mạch, chuyện đó được giáo dục từ mẫu giáo. Đạo đức là cái gốc, tiêu cực là cái sinh ra tham nhũng. Vì thế, chúng ta phải quan niệm từng cấp học khác nhau, không nói chữ nào về tham nhũng cả, bởi gốc của nó là chuyện đạo đức", ông Minh nêu vấn đề.