Sửa Luật Đất đai: Hàng loạt rào cản vướng chân ngành du lịch?
Nhịp sống - Ngày đăng : 11:31, 19/10/2023
Nguy cơ du lịch "đứng ngoài cuộc chơi"
Là địa phương đang chuyển mình mạnh mẽ theo hướng phát triển du lịch sinh thái - nông nghiệp, những năm gần đây, Đồng Nai đã tận dụng thế mạnh về rừng, hồ, nhà vườn và các lợi thế khác trong xây dựng nông thôn mới để thu hút ngày càng nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm và lưu trú. Theo đó, người dân cần đầu tư một số hạng mục thiết yếu để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho du khách như: nhà vệ sinh, khu ăn uống, trải nghiệm và lưu trú.
Tuy nhiên, do vướng các quy định về đất đai, quy hoạch… nên hầu hết những điểm du lịch nông nghiệp tại đây đều chưa thể đầu tư các hạng mục hạ tầng phục vụ du lịch. Tâm lý e dè của người dân khiến các điểm khai thác du lịch tại Đồng Nai manh mún, chưa phát triển xứng tầm, đặc biệt là những vùng trồng cây nông nghiệp có năng suất kém nhưng lại có lợi thế cảnh quan thiên nhiên đẹp có thể khai thác du lịch.
"Nhiều người dân đã phản ánh, kiến nghị về những khó khăn do vướng các quy định khi thực hiện các công trình tạm trên đất nông nghiệp. Mặc dù hiệu quả kinh tế từ khai thác du lịch cao hơn nhiều lần so với khai thác nông nghiệp thuần túy, đặc biệt là những khu đất xấu, hiệu quả kinh tế từ nông nghiệp không cao", đại diện Hiệp hội Du lịch Đồng Nai cho biết.
Để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, Đồng Nai đang xây dựng dự thảo Quy chế tạm thời về đầu tư và quản lý hoạt động du lịch nông nghiệp nhằm thí điểm đầu tư và quản lý hoạt động này tại các vùng sản xuất nông nghiệp, đất bãi bồi ven hồ, khu vực nuôi thủy sản. Tuy nhiên, để quy chế này được ban hành và đi vào thực tiễn là rất khó do vướng nhiều quy định về đất đai, quy hoạch… Trong khi đó, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang lấy ý kiến vẫn "bỏ quên" việc điều chỉnh, bổ sung những quy định liên quan đến phát triển du lịch nói chung và du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn nói riêng.
Câu chuyện tại Đồng Nai phần nào cho thấy những vướng mắc hiện nay về cơ chế, chính sách đất đai, tạo rào cản phát triển du lịch. Dù Luật Du lịch đã được Quốc hội thông qua vào tháng 6/2017 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 nhưng phạm vi điều chỉnh của Luật lại không bao gồm việc xây dựng và hình thành, phát triển hạ tầng du lịch.
Thực tế, nhiều lĩnh vực khác như: kho chứa dầu thô, trạm bơm xăng, dầu khí hoặc xây dựng chợ dân sinh… được hỗ trợ, tiếp cận đất đai để thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh thông qua việc nhà nước thực hiện thu hồi đất, trong khi đó lĩnh vực du lịch dường như vẫn "đứng ngoài cuộc chơi".
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang lấy ý kiến và điều chỉnh nhiều nội dung quan trọng. Trong đó, Điều 79 quy định 30 trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội song lại chưa có các dự án hạ tầng du lịch, vui chơi, giải trí hoặc kết hợp nhà ở thương mại với phát triển du lịch, công trình dịch vụ, vui chơi, giải trí.
Nhiều ý kiến cho rằng, khi đã xác định kinh tế du lịch là mũi nhọn thì các dự án du lịch, tổ hợp du lịch phải thuộc diện Nhà nước thu hồi đất. Theo đó, Luật Đất đai cần phải có quy định cụ thể về đất du lịch, đồng thời có những chính sách, cơ chế thực sự cởi mở về đất đai, thuế, đầu tư… để du lịch phát triển hoặc cho phép doanh nghiệp được tiếp cận nguồn lực đất đai để thực hiện hoạt động kinh doanh.
"Dự án du lịch như khu vui chơi, giải trí, tổ hợp đa năng… phải được bổ sung vào diện thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội", luật sư Nguyễn Hồng Chung, chuyên gia chính sách đầu tư - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty DVL Venture đề xuất.
Nhà nước cần thu hồi đất, tổ chức đấu thầu chọn nhà đầu tư đủ tầm
Như đã nói, phạm vi điều chỉnh của Luật Du lịch hiện nay không bao gồm việc xây dựng và hình thành, phát triển hạ tầng du lịch, tài nguyên du lịch; còn dự thảo Luật Đất đai sửa đổi cũng không có quy định tiếp cận đất đai đối với tổ chức, cá nhân để phát triển du lịch, dịch vụ. Điều này đang xóa bỏ nhiều cơ hội khai thác nguồn lực đất đai hiệu quả, mất cơ hội phát triển "mũi nhọn" du lịch tại các địa phương có thế mạnh.
Nếu không cho phép thu hồi đất thì không thể triển khai được các dự án quy mô lớn như các tổ hợp du lịch, nghỉ dưỡng quy mô lớn hàng nghìn héc-ta, vốn đầu tư vài tỷ USD để thu hút các nhà đầu tư tiềm năng, giàu năng lực. Thực tế, xu hướng phát triển du lịch trên thế giới hiện nay là những đô thị hiện đại, khu phức hợp bao gồm cả nhà ở, du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, công viên cây xanh, tổ hợp đa năng… Đây cũng là mô hình được áp dụng rộng rãi tại một số quốc gia trên thế giới như Singapore, UAE, Ả Rập Xê Út...
Để du lịch Việt Nam phát triển như các nước, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch. Đây là một trong những nhiệm vụ và giải pháp được đề ra tại Nghị quyết 08/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Do vậy, việc quy định thu hồi, phát triển quỹ đất cho hoạt động du lịch trong Luật Đất đai là cần thiết để đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật khác trong việc phát triển hạ tầng du lịch tại Việt Nam.
Bên cạnh việc bổ sung các trường hợp thu hồi đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại hoặc khu đô thị mới kết hợp với kinh doanh thương mại, dịch vụ, khu vui chơi, giải trí, tổ hợp đa năng hay dự án khu chức năng trong khu kinh tế tại Điều 79 Dự thảo Luật Đất đai, nhiều ý kiến còn cho rằng cần quy định cơ chế đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư cho các dự án này, nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai cũng như chọn được nhà đầu tư có đủ cả năng lực tài chính và kinh nghiệm.
Theo bà Ma Thị Thúy, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang, việc quy định cách lựa chọn nhà đầu tư thông qua hình thức đấu giá đối với các dự án hỗn hợp dẫn đến không lựa chọn được nhà đầu tư có cả năng lực về tài chính và kinh nghiệm. Đấu giá quyền sử dụng đất đối với các dự án du lịch có thể lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực về tài chính nhưng hiệu quả sử dụng đất mang lại không cao và thậm chí sẽ làm giá đất khu vực xung quanh tăng, hạn chế tiếp cận nguồn lực đất đai của các doanh nghiệp kinh doanh du lịch thông qua hình thức đấu giá.
Thay vào đó, "hình thức lựa chọn nhà đầu tư thông qua đấu thầu sẽ bảo đảm lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực kinh nghiệm thực hiện dự án tương tự và có năng lực về tài chính; góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương", bà Thúy nói. Cũng theo nữ đại biểu này, việc cho phép thực hiện giao đất, cho thuê đất thông qua đấu thầu đối với các dự án kết hợp giữa nhà ở thương mại/khu đô thị với du lịch nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí là một trong những chính sách quan trọng nhằm thúc đẩy hình thành các khu đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng có quy mô lớn tương tự như mô hình tại Singapore, Malaysia, Thái Lan…
Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Đính, PCT Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng, các dự án quy mô vài trăm ha là rất lớn, mang lại nhiều lợi ích cho địa phương nên không thể bỏ mặc doanh nghiệp xoay sở triển khai hay tự thỏa thuận với người dân. "Nhà nước cần đấu thầu chọn nhà đầu tư đủ năng lực và đồng hành, hỗ trợ DN trong thu hồi đất, giải phóng mặt bằng", ông Đính kiến nghị.
Hiện người dân và doanh nghiệp đang rất trông chờ vào việc sửa đổi Luật Đất đai lần này sẽ giúp xóa bỏ các rào cản với ngành du lịch tồn tại bấy lâu nay, cũng như tạo cơ chế tiếp cận đất đai, chính sách phù hợp, đủ linh hoạt để thu hút nguồn lực đầu tư.
"Du lịch là một phạm trù kinh tế rộng, liên quan đa ngành, đa lĩnh vực và phức hợp, có tính chất bao trùm toàn xã hội. Do đó, cần có chính sách riêng biệt, chiến lược phát triển đột phá và một kế hoạch thực hiện cụ thể, phân công bố trí nguồn lực hợp lý, huy động sự hưởng ứng tham gia của các nhà đầu tư, tổ chức, cá nhân quan tâm đến lĩnh vực này nhằm thực hiện Nghị quyết TƯ đã đặt ra", TS Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội chia sẻ.
Minh Quang