Cấp dưới núp bóng làm càn, thủ trưởng không vô can
Hồ sơ - nhân vật - Ngày đăng : 09:00, 19/10/2023
Thư ký, trợ lý là cánh tay phải của thủ trưởng nên khi xảy ra chuyện, trong bất cứ trường hợp nào thủ trưởng cũng không thể nói "không phải chuyện của tôi".
Các chuyên gia nhìn nhận, với các đại án vừa qua, kể cả thư ký, trợ lý tự tung tự tác, nhưng việc doanh nghiệp đưa tiền kéo dài mãi, người giúp việc nhận tiền đến vài trăm lần thì trách nhiệm của thủ trưởng không hề nhỏ.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng, không dễ để các thư ký có thể độc lập thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật như trong các vụ Việt Á, chuyến bay giải cứu vừa qua. Riêng trong vụ Việt Á, cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đã có 4 lần nhận tiền từ Việt Á (trên 51 tỷ đồng), trong đó có 3 lần thông qua thư ký của mình…
Theo các chuyên gia, trường hợp nào trên đây cũng đều có trách nhiệm chính trị, hành chính hoặc trách nhiệm pháp lý của người thủ trưởng trực tiếp…
Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh, thủ trưởng phải nêu cao tinh thần trách nhiệm và phải thực hiện đúng quy định và quy trình. Nếu các cơ quan chuyên môn chưa có ý kiến, dù các thư ký trình phê duyệt văn bản, thậm chí thúc giục hoặc lợi dụng mối quan hệ thân quen, thân tín, thủ trưởng cũng phải kiên quyết.
Khi thủ trưởng quyết định rồi sẽ phải chịu trách nhiệm.
"Anh là thủ trưởng, anh giải quyết công việc, anh ký, anh phải chịu trách nhiệm đến cùng, dù cơ quan chuyên môn tham mưu, thư ký của anh xem xét văn bản, chứ không thể vô can, nhưng trách nhiệm cụ thể đến mức nào cần phải làm rõ", ông Dĩnh nêu quan điểm.
Theo đó, nếu thủ trưởng bỏ qua tất cả, không có cơ quan tham mưu, tự soạn thảo rồi tự đi đóng dấu thì phải chịu trách nhiệm hoàn toàn. Thứ hai, đội ngũ trợ lý, thư ký, giúp việc dưới sự chỉ đạo, quản lý của vị thủ trưởng làm sai, thủ trưởng phải chịu trách nhiệm người đứng đầu.
Một khía cạnh khác từ vụ chuyến bay giải cứu cũng được chuyên gia đề cập, vị thứ trưởng Bộ Y tế không phát hiện ra điều gì từ các văn bản trình lên, nhưng việc doanh nghiệp chi tiền để vào danh sách cứ kéo dài mãi thì trách nhiệm của thủ trưởng không nhỏ, dù chưa làm rõ được có hay không vụ lợi.
Ở đây, vị lãnh đạo đã làm hết trách nhiệm của mình để phát hiện vấn đề chưa? "Không phải cứ trình cái gì cũng ký, trừ khi mình bị lừa tinh vi quá, không thể phát hiện được thì đó là câu chuyện khác mà như vậy cũng là cá biệt", chuyên gia lập luận.
Đề cập trách nhiệm của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, ông Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng, họ là những nhà chính trị nên phải nhạy cảm, khách quan và không bị chi phối bởi những tác động bên ngoài.
"Thư ký, trợ lý là đội ngũ thân tín, anh phải kiểm soát được. Anh phải kiểm soát về mặt quy trình, đã có trao đổi chưa, xin ý kiến chưa, cơ quan chuyên môn đã có ý kiến gì chưa. Không thể là thư ký, trợ lý tự điền không thông qua cơ quan chuyên môn, tự cho đơn vị kia ra, cho đơn vị này vào", ông Dĩnh lập luận.
Theo các chuyên gia, muốn được cấp phép chuyến bay giải cứu phải qua nhiều cơ quan như Bộ Ngoại giao, Công an, Y tế, Giao thông vận tải... rồi mới đến Phó Thủ tướng. Việc doanh nghiệp mang tiền chạy chọt lọt lưới hết các cửa mà các thủ trưởng không chịu trách nhiệm gì là không bình thường.
"Việc cấp dưới của mình sai phạm, tham ô, tham nhũng… thì cấp trên cũng phải chịu trách nhiệm, bởi mình phụ trách lĩnh vực ấy, mình ký tá các việc đó", chuyên gia lập luận.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa nêu quan điểm, người thủ trưởng phải chịu liên đới trách nhiệm về những việc do trợ lý, thư ký của mình gây ra, không thể nói "đó là việc của anh ấy, không phải chuyện của tôi".
Trợ lý, thư ký được ông Hòa nhìn nhận như là "cánh tay phải" của thủ trưởng, do đó việc trợ lý, thư ký vi phạm pháp luật là một việc rất hệ trọng với thủ trưởng, bởi những người này được chính thủ trưởng chọn.
"Không dễ để những trợ lý, thư ký thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật như trong các vụ Việt Á, chuyến bay giải cứu vừa qua. Tôi nghĩ, chỉ cần lãnh đạo nhận mình biết những chuyện đó là đã liên đới, không thể nằm ngoài vòng pháp luật rồi", đại biểu Hòa phân tích và băn khoăn, thư ký, trợ lý có bạo gan tới mức một mình nhận tiền?
"Để cho các trợ lý, thư ký lộng hành như vậy không thể phủ nhận sự thiếu trách nhiệm, kiểm tra giám sát của người lãnh đạo. Trong một số trường hợp, nếu không có sự im lặng hoặc có thể là đồng lõa, dung túng của người lãnh đạo thì cấp dưới không dễ để lạm quyền, núp bóng tư lợi thường xuyên như vậy", luật sư Quách Thành Lực chia sẻ quan điểm với đại biểu Phạm Văn Hòa.
Cũng có chuyên gia cho rằng, không loại trừ khả năng có sự đồng thuận, tương tác lẫn nhau giữa thủ trưởng và cấp dưới, hoặc thủ trưởng "ngơ" đi cho làm, bật đèn xanh cho làm.
Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhìn nhận, có thể nhiều thủ trưởng không bao che khi thư ký, trợ lý làm những việc tày đình như các đại án vừa qua, nhưng "có thể có những thủ trưởng đã im lặng hoặc thậm chí bao che, dung túng cho thư ký, trợ lý của mình".
Riêng với trường hợp ông Nguyễn Thanh Long, cựu Bộ trưởng Y tế, kết luận điều tra vụ Việt Á cho thấy, ông này bị cáo buộc nhận 2,25 triệu USD từ Việt Á (tương đương hơn 51 tỷ đồng). Trong 4 lần doanh nghiệp đưa tiền cho ông Long có 3 lần thông qua thư ký của ông bộ trưởng này. Đáng nói hơn, trong đó có 2 lần ông Long thông qua thư ký của mình chủ động vòi tiền doanh nghiệp.
Các chuyên gia nhìn nhận, việc xem xét trách nhiệm của cá nhân nhà lãnh đạo sẽ giảm bớt được hiện tượng "cáo mượn oai hùm" hay vay mượn quyền lực. Theo đó, có ba hình thức xử lý đối với các thủ trưởng trong trường hợp trợ lý, thư ký vi phạm pháp luật.
Về trách nhiệm chính trị, chưa cần rõ sai đúng, để cấp dưới sai phạm đã có thể bị xem xét về trách nhiệm về buông lỏng quản lý. Thứ hai, về mặt hành chính, thực hiện theo quy định về xử lý kỷ luật cán bộ công chức. Còn nặng nhất, nếu có bằng chứng về làm ngơ, đồng lõa, bật đèn xanh, chỉ đạo phê duyệt, dẫn tới vi phạm pháp luật, sẽ bị xem xét về mặt pháp lý…