Thủ tướng Phạm Minh Chính lên đường sang Ả-rập Xê-út
Nhịp sống - Ngày đăng : 14:00, 18/10/2023
Trưa 18/10, chuyên cơ chở Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời sân bay Nội Bài (Hà Nội) để tới Vương quốc Ả-rập Xê-út.
Chuyến công tác của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam diễn ra từ ngày 18 đến 20/10, theo lời mời của Quốc vương Ả-rập Xê-út Salman bin Abdulaziz Al Saud.
Theo lịch trình, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN - Hội đồng hợp tác Vùng Vịnh (GCC) và thăm Vương quốc Ả-rập Xê-út.
Tháp tùng người đứng đầu Chính phủ trong chuyến công tác này có Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt, Phó Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Thành, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng và Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam.
Việt Nam và Ả-rập Xê-út thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1999. Trao đổi thương mại giữa hai nước năm 2022 đạt trên 2,7 tỷ USD - tăng 32,4% so với năm 2021.
Hiện nay Việt Nam có khoảng 4.000-5.000 lao động làm việc tại Ả-rập Xê-út, chủ yếu là lao động phổ thông.
Trong hợp tác đầu tư và hỗ trợ phát triển, nhiều tập đoàn, công ty lớn của Ả-rập Xê-út đang thực hiện các dự án đầu tư tại Việt Nam. Ngoài ra, Quỹ Phát triển Ả-rập Xê-út đã và đang cấp vốn vay ưu đãi cho 13 dự án với tổng trị giá hơn 181 triệu USD.
Về Hội nghị cấp cao ASEAN - Hội đồng hợp tác Vùng Vịnh (GCC), dự kiến các lãnh đạo cấp cao ASEAN và GCC sẽ cùng thảo luận, đánh giá tổng thể hợp tác hai bên thời gian qua và đề ra những định hướng quan trọng, tạo thêm động lực mới nhằm phát triển hơn nữa quan hệ ASEAN - GCC thời gian tới.
Hai bên cũng sẽ dành thời gian trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, đồng thời dự kiến thông qua Tuyên bố chung sau khi kết thúc hội nghị cấp cao.
Hội đồng hợp tác các nước vùng Vịnh (GCC) là tổ chức khu vực quan trọng hàng đầu ở Trung Đông gồm 6 quốc gia thành viên ở khu vực vùng Vịnh là Ả-rập Xê-út, các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE), Qatar, Bahrain, Kuwait và Oman.
Về kinh tế, với lợi thế về trữ lượng dầu lửa và khí đốt, các nước GCC có nền kinh tế rất phát triển với GDP đạt khoảng 2.000 tỷ USD năm 2022, thu nhập bình quân đầu người ở mức cao - khoảng 38.447 USD/năm.
Tổng GDP của GCC được dự báo đạt 6.000 tỷ USD vào năm 2050.
Với nguồn thu lớn từ dầu khí, các nước GCC sở hữu những Quỹ đầu tư lớn hàng đầu thế giới, như Cơ quan đầu tư UAE (tài sản ước tính 850 tỷ USD), PIF (Ả-rập Xê-út, tài sản ước tính khoảng 603 triệu USD), QIA (Qatar, tài sản ước tính 170 tỷ USD) và là đối tượng tranh thủ của nhiều nước trong việc thu hút nguồn vốn đầu tư.
Thời gian gần đây, các nước GCC đang đẩy mạnh thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh, chuyển đổi năng lượng thích ứng với biến đổi khí hậu, đẩy nhanh quá trình đa dạng hóa nền kinh tế, giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ và đang dành nhiều nguồn lực tài chính để hiện thực hóa các mục tiêu này.
Ả-rập Xê-út dự kiến chi 186 tỷ USD cho phát triển kinh tế xanh; UAE có kế hoạch đầu tư 163 tỷ USD cho sản xuất năng lượng tái tạo theo lộ trình đến năm 2050. Các quốc gia khác như Bahrain, Oman, Kuwait và Qatar có kế hoạch chi hơn 150 tỷ USD cho phát triển kinh tế xanh, chuyển đổi năng lượng.
Quan hệ giữa Việt Nam và các nước thành viên GCC cũng phát triển rất tích cực trong thời gian qua. Hiện có khoảng 11.000 lao động Việt Nam làm việc tại các nước GCC.
Kim ngạch thương mại giữa Việt Nam với các nước khu vực đạt 12,5 tỷ USD; tổng vốn đầu tư trực tiếp (FDI) của các nước GCC vào Việt Nam đạt hiện đạt khoảng 1 tỷ USD.
GCC được thành lập tháng 5/1981, có trụ sở chính tại thủ đô Riyadh của Ả-rập Xê-út.
GCC gồm 3 cơ quan chính:
- Hội đồng tối cao: Là cơ quan cao nhất của tổ chức, gồm nguyên thủ của các quốc gia thành viên. Đây là cơ quan ra quyết định cao nhất của GCC.
- Hội đồng Bộ trưởng: Gồm Bộ trưởng Ngoại giao của toàn bộ các quốc gia thành viên, họp ba tháng một lần.
- Ban Thư ký: Là cơ quan hành chính của GCC, đưa ra các quyết định theo thẩm quyền và thi thành quyết định do Hội đồng Tối cao hoặc Hội đồng Bộ trưởng phê duyệt.
Các nước GCC cơ bản thực thi đường lối đối ngoại ôn hòa, đẩy mạnh chính sách hướng Đông, quan tâm đến hợp tác với Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam và triển khai các chính sách tạo thuận lợi cho việc phát triển quan hệ hai bên.