Thiên nhiên tàn khốc: Hồ nước lớn nhất Trung Đông biến thành bãi muối cạn
Thiên nhiên - Môi trường - Ngày đăng : 12:46, 18/10/2023
Ngày 7/9, vệ tinh Landsat 9 của NASA đã chụp được một hình ảnh đáng kinh ngạc về Hồ Urmia nằm ở phía tây bắc Iran. Trước đây, Hồ Urmia từng là một trong những hồ lớn nhất khu vực Trung Đông, với diện tích khoảng 5.200 km vuông.
Tuy nhiên giờ đây, hình ảnh trái ngược của nó hiện lên một cách đầy xót xa với lòng hồ khô cằn, và chỉ còn lại những mỏ muối trắng xóa.
Năm 1995, hồ Urmia từng đạt mực nước cao. Tuy nhiên trong 2 thập kỷ tiếp theo, mực nước hồ đã giảm hơn 7 mét, và mất khoảng 90% diện tích do tình trạng hạn hán kéo dài, còn lượng mưa thì không đủ bù đắp.
Theo Sci-tech Daily, Hồ Urmia bị thu hẹp đã gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng tới hệ sinh thái và con người sinh sống xung quanh.
Trước đây, hệ thống hồ bao gồm vùng ngập nước và các đảo nhỏ cung cấp nơi sinh sản cho các loài chim như hồng hạc, bồ nông trắng, vịt đầu trắng... cũng như là điểm dừng chân của các loài di trú.
Không chỉ suy giảm lượng nước, mà tình trạng nhiễm mặn của hồ cũng đã khiến giới chức địa phương đau đầu trong suốt nhiều năm. Nó ảnh hưởng trực tiếp tới quần thể cá nước ngọt và tôm sinh sống bên trong. Đây là nguồn thức ăn chính của các loài động vật sống dựa vào hệ sinh thái hồ, bao gồm cả con người.
Hồ bị thu hẹp cũng làm tăng khả năng phát tán cát, bụi từ lòng hồ lộ thiên, khiến chất lượng không khí bị suy giảm. Các nghiên cứu gần đây đã liên kết mực nước thấp ở Hồ Urmia với tác động đến sức khỏe hô hấp của người dân địa phương.
Điều đáng buồn là bên cạnh yếu tố tự nhiên, thì con người cũng là một trong những nguyên nhân khiến Hồ Urmia biến mất. Theo đó, việc sử dụng nước cho nông nghiệp và xây đập trên các sông cấp nước trong suốt hàng chục năm đã góp phần dẫn đến sự suy giảm này.