Bật xi nhan đúng cách để tránh bị phạt

Xe - Ngày đăng : 11:11, 18/10/2023

Nhiều người từng gặp phải trường hợp bị cơ quan chức năng xử phạt do lỗi bật xi nhan không đúng cách, vậy phải bật xi nhan như thế nào để tránh bị phạt?

Cụ thể, Điều 15 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 nêu rõ 4 quy định:

1. Khi muốn chuyển hướng, người điều khiển phương tiện phải giảm tốc độ và có tín hiệu báo hướng rẽ.

2. Trong khi chuyển hướng, người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải nhường quyền đi trước cho người đi bộ, người đi xe đạp đang đi trên phần đường dành riêng cho họ, nhường đường cho các xe đi ngược chiều và chỉ cho xe chuyển hướng khi quan sát thấy không gây trở ngại hoặc nguy hiểm cho người và phương tiện khác.

3. Trong khu dân cư, người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng chỉ được quay đầu xe ở nơi đường giao nhau và nơi có biển báo cho phép quay đầu xe.

4. Không được quay đầu xe ở phần đường dành cho người đi bộ qua đường, trên cầu, đầu cầu, gầm cầu vượt, ngầm, trong hầm đường bộ, đường cao tốc, tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt, đường hẹp, đường dốc, đoạn đường cong tầm nhìn bị che khuất.

Nhiều người đã từng gặp phải trường hợp bị cơ quan chức năng xử phạt do lỗi bật xi nhan không đúng cách. (Ảnh minh họa: Vietnamnet)

Nhiều người đã từng gặp phải trường hợp bị cơ quan chức năng xử phạt do lỗi bật xi nhan không đúng cách. (Ảnh minh họa: Vietnamnet)

Phân tích về vấn đề này với báo chí, Luật sư Vũ Tiến Vinh (Công ty luật Bảo An, Hà Nội) cho biết, điều luật không quy định khoảng cách tối thiểu phải bật đèn báo rẽ trước khi rẽ mà chỉ quy định bắt buộc phải bật đèn báo rẽ trước khi rẽ. "Mọi trường hợp bật đèn báo rẽ sau khi phương tiện đã chuyển hướng đều là vi phạm và có thể bị xử phạt theo quy định", luật sư cho biết.

Theo luật sư Vinh, mục đích của việc bật đèn báo rẽ là để các phương tiện khác nhận biết, giảm tốc độ, phòng tránh va chạm. Do vậy, khi tham gia giao thông, việc bật đèn báo rẽ trước khoảng cánh bao xa trước khi rẽ phụ thuộc rất nhiều yếu tố mà người điều khiển phương tiện cần phải cân nhắc và quyết định như: mật độ giao thông, tốc độ di chuyển của phương tiện xin rẽ, trên đường cao tốc hay khu dân cư, điều kiện mặt đường khô hay ướt, trời sáng hay tối...

Vì vậy, theo luật sư, ở điều kiện giao thông nguy hiểm hơn thì thời gian bật đèn báo rẽ cần phải thực hiện sớm hơn để các phương tiện khác có nhiều thời gian hơn để xử lý. Việc bật đèn báo rẽ quá sớm không bị coi là vi phạm, do vậy hành vi này không bị xử phạt.

Dù luật không quy định, người điều khiển phương tiện có thể tham khảo Giáo trình đào tạo lái xe ôtô của Cục Đường bộ. Theo đó, tín hiệu báo trước hướng rẽ nên bật trước với khoảng cách 30 m sẽ đảm bảo an toàn nhất. Với xe máy, khoảng cách 10-15 m.

Nếu người tham gia giao thông không sử dụng đèn xi nhan đúng cách nêu trên sẽ bị phạt tiền từ 600.000 đồng - 800.000 đồng khi lái ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô; 300.000 đồng - 400.000 đồng khi lái mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy.

Quy định xử phạt nêu trên được căn cứ tại Điểm c Khoản 3 Điều 5; Điểm a Khoản 4 Điều 6 Nghị định 46/2016/NĐ-CP.

Đức Thiện(tổng hợp)