Quan chức WHO: Gaza bên bờ vực sụp đổ, chỉ còn '24 giờ trước thảm họa'
Tin thế giới - Ngày đăng : 11:30, 17/10/2023
"Về vấn đề nước, điện và nhiên liệu, sau 24 giờ sẽ là một thảm họa thực sự ở Dải Gaza", Ahmed al-Mandhari, giám đốc khu vực Địa Trung Hải của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cảnh báo hôm 16/10.
Ông Mandhari cho biết nếu viện trợ không được đưa đến Dải Gaza kịp thời, các bác sĩ sẽ phải "chuẩn bị giấy chứng tử cho bệnh nhân của họ".
Ngày 16/10 đánh dấu 10 ngày liên tiếp Israel không kích vào các mục tiêu ở Dải Gaza để trả đũa vụ tấn công của lực lượng Hamas. Theo thống kê của cả hai bên, ít nhất 2.750 người Palestine và hơn 1.300 người Israel đã thiệt mạng kể từ ngày 7/10.
"Gaza đang bên bờ vực một thảm họa thực sự", ông Mandhari cảnh báo.
Ông Mandhari cho biết, với tình trạng lực lượng ứng phó khẩn cấp bị quá tải, các bác sĩ làm việc suốt ngày đêm và thiếu không gian nghiêm trọng, "các thi thể không thể được xử lý đúng cách".
Quan chức WHO cảnh báo, tình trạng quá tải đã làm tê liệt các bệnh viện, nơi "các đơn vị chăm sóc đặc biệt, phòng phẫu thuật, cấp cứu và các khu vực khác" đều đang trên bờ vực sụp đổ.
Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo (OCHA) của Liên hợp quốc cho biết nguồn dự trữ nhiên liệu tại tất cả bệnh viện trên Dải Gaza dự kiến chỉ còn kéo dài khoảng 24 giờ nữa.
"Việc tắt máy phát điện dự phòng sẽ khiến tính mạng của hàng nghìn bệnh nhân gặp nguy hiểm", OCHA tuyên bố.
Theo ông Mandhari, trong cuộc oanh tạc bằng không quân và pháo binh, WHO đã ghi nhận 111 cơ sở y tế bị nhắm mục tiêu, 12 nhân viên y tế thiệt mạng và 60 xe cứu thương bị đánh bom, vi phạm cả "luật pháp quốc tế và các nguyên tắc nhân đạo".
Tổng cộng có 22 bệnh viện ở phía bắc Gaza đang điều trị cho hơn 2.000 bệnh nhân, trong đó có "một số bệnh nhân dùng máy thở, một số cần chạy thận nhân tạo thường xuyên, ngoài ra còn có trẻ em, trẻ sơ sinh và phụ nữ".
Ông Mandhari nói rằng, các bệnh viện trong khu vực đã hết nước sạch, trong khi "tình trạng thiếu nhiên liệu đe dọa nguồn cung cấp điện".
Khi nguồn lực y tế cạn kiệt, ông Mandhari cho biết các bác sĩ - những người biết rằng họ không thể cứu được tất cả mọi người - đang phải đưa ra những lựa chọn bất khả thi.
"Họ phải phân loại những bệnh nhân sắp đến. Họ không có lựa chọn nào khác. Có quá nhiều người nên một số bị bỏ lại cho đến khi qua đời. Viện trợ phải được phép vào Dải Gaza trong vòng một ngày tới trước khi tình hình trở nên hoàn toàn không thể kiểm soát được", ông Mandhari cho biết.
Theo báo cáo của Liên hợp quốc, hàng chục nghìn người Palestine đã sơ tán về phía nam Dải Gaza sau khi Israel ban hành lệnh sơ tán vào tối 12/10. Lực lượng Israel cho người dân Gaza 24 giờ để sơ tán khỏi phía bắc dải đất này nhằm tránh thương vong trước một cuộc tấn công trên bộ của Israel. Trước khi có lệnh sơ tán, hơn 400.000 người Palestine đã phải rời bỏ nhà cửa do các cuộc giao tranh khốc liệt.
IDF gọi lệnh sơ tán là một "bước đi nhân đạo", đồng thời cho biết người dân sẽ có thể quay trở lại Gaza sau khi các chiến binh Hamas bị xóa sổ. Quân đội Israel không đề cập đến bất kỳ thời hạn cụ thể nào, trong khi một phát ngôn viên của IDF thừa nhận quá trình sơ tán sẽ mất "một khoảng thời gian".
Tổng thư ký Liên hợp quốc cảnh báo cuộc sơ tán ở Gaza có thể dẫn đến "thảm họa nhân đạo". Theo ông Gueterres, việc sơ tán hơn một triệu người qua khu vực chiến sự đông dân tới nơi không có thức ăn, nước uống và chỗ ở trong bối cảnh khu vực này bị phong tỏa là điều "vô cùng nguy hiểm và bất khả thi trong một số trường hợp".
Quân đội Israel tuyên bố phong tỏa hoàn toàn Dải Gaza, cắt nguồn cung điện, nước, lương thực, nhiên liệu cho dải đất này. Dải Gaza là một trong những khu vực có mật độ dân cư đông nhất thế giới và phụ thuộc nhiều vào nguồn tiếp tế từ bên ngoài.