Ôm bụng bầu từ viện về, tôi chua chát thấy một thứ trên đầu giường ngủ của hai vợ chồng
Gia đình - Ngày đăng : 07:29, 15/10/2023
Tôi đang mang thai 28 tuần, vì bị tiểu đường thai kỳ nặng nên phải nhập viện điều trị vài ngày. Khi tình hình khá hơn, tôi được bác sĩ cho xuất viện, trong lòng khấp khởi mừng rỡ. Thế nhưng khi về nhà, vào phòng nằm nghỉ, tôi sững người khi thấy một đồ vật lạ để trên đầu giường. Đó là chiếc dây đai nối áo lót phụ nữ.
Tôi không sử dụng món đồ này, vậy nó là của ai? Tại sao lại có ở ngay bên trên đầu giường phòng ngủ của tôi?
Trong đầu tôi loé lên ý nghĩ lo sợ về tình huống xấu nhất đã xảy ra. Tôi ra gọi chồng vào để hỏi về món đồ lạ kia. Long đang lúi húi nấu ăn trong bếp, anh đánh rơi chiếc muôi khi nghe tôi hỏi: “Anh dẫn phụ nữ về nhà à?”.
Rồi tôi đưa chiếc đai nối áo lót cho anh xem. Gương mặt tái mét cùng những lời lắp bắp của Long đã tố cáo tất cả. Ban đầu, anh còn cãi cố nhưng sau đó đã chính miệng thừa nhận tội lỗi.
Hoá ra, trong những ngày tôi nằm viện, nhiều đêm mất ngủ vì lo lắng cho em bé trong bụng thì người chồng vẫn thường tỏ ra yêu thương tôi lại dẫn gái về nhà, làm chuyện đáng xấu hổ ngay trên chiếc giường ngủ của hai vợ chồng.
Long ra sức giải thích rằng vì tôi có bầu, chuyện vợ chồng chẳng đều đặn và cũng không được như ý, vì một chút mù quáng, ham muốn của bản thân mà anh đã phạm sai lầm. Anh ta xin tôi hiểu và tha thứ.
Nghĩ mà chua chát quá, tôi tự hỏi lẽ nào trong lúc vợ bầu bí, phải đối diện với bao nhiêu vấn đề về sức khoẻ, người chồng lại không thể đồng cảm, sẻ chia, hy sinh một chút được hay sao?
Tôi càng suy sụp hơn khi bình thường Long vốn tỏ ra là người đàn ông đạo mạo, thuỷ chung, nhưng không ngờ tất cả chỉ là lừa dối. Đã vậy, anh còn cả gan dẫn người đàn bà khác về nhà ngoại tình. Tình yêu, niềm tin, tất cả mọi thứ tôi dành cho anh sụp đổ hết.
Một tuần nay, tôi nói không muốn nhìn thấy mặt Long nên anh ta tạm thời ra nhà nghỉ ở. Mỗi ngày, Long đều nhắn tin cho tôi để xin lỗi, mong tôi tha thứ, cho anh một cơ hội vì con.
Bản thân tôi cũng khó nghĩ. Cứ nghĩ đến việc chồng dẫn người khác về nhà ngủ trên chiếc giường mà mình đang nằm đây, tôi lại thấy rùng mình. Nhưng bây giờ nếu ly hôn, liệu tôi có quá tàn nhẫn với đứa trẻ trong bụng? Tôi mệt mỏi, suy sụp quá. Trong khi bản thân đang đối diện với tình trạng tiểu đường thai kỳ phải cần ăn uống và sinh hoạt lành mạnh thì chồng lại đẩy tôi vào tình huống như thế này. Tôi không biết mình phải làm gì bây giờ nữa đây?
Tiểu đường thai kỳ có nguy hiểm không?
Tiểu đường thai kỳ hay đái tháo đường thai kỳ là tình trạng tình trạng lượng đường trong máu cao ở một số phụ nữ trong thời gian mang bầu. Bệnh thường phát triển từ tuần thứ 24 – 28 của thai kỳ.
Nếu mẹ bị tiểu đường thai kỳ, không đồng nghĩa với bạn đã mắc bệnh từ trước lúc mang thai hoặc sau khi sinh con, nhưng mẹ sẽ bị tăng nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường tuýp 2 trong tương lai.
Những biến chứng thường gặp của bệnh tiểu đường thai kỳ:
Với em bé
⁃ Tăng trưởng quá mức và thai to
⁃ Sinh non
⁃ Trẻ sinh non từ mẹ bị tiểu đường thai kỳ có nguy cơ mắc hội chứng suy hô hấp
⁃ Lượng đường trong máu thấp
⁃ Dị tật bẩm sinh
⁃ Tử vong ngay sau sinh
⁃ Tăng hồng cầu, vàng da sơ sinh
⁃ Nguy cơ béo phì và bệnh tiểu đường tuýp 2 khi trưởng thành
⁃ Thai chết lưu
Với mẹ:
⁃ Tăng huyết áp khi mang thai và tiền sản giật
⁃ Nguy cơ phải sinh mổ vì em bé quá to
⁃ Tăng nguy cơ sinh non
⁃ Tăng nguy cơ sảy thai tự nhiên
⁃ Tăng nguy cơ nhiễm khuẩn đường tiết niệu
⁃ Nguy cơ bị tiểu đường thai kỳ trong lần mang thai tiếp theo, có nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 2 khi về già
Để hạn chế tiểu đường thai kỳ, mẹ cần: Có chế độ ăn khoa học, lành mạnh, ưu tiên thực phẩm có lợi cho sức khoẻ; Giữ cân nặng ổn định khi mang thai, tránh tăng cân quá đà, quá nhanh; Vận động thường xuyên;...
Khi phát hiện bị tiểu đường thai kỳ, mẹ cần tuân theo lời khuyên của bác sĩ cũng như phương pháp điều trị để đảm bảo an toàn cho bản thân và thai nhi.
Theo Báo PNTĐ