Ma men sau tay lái: Mổ 15 lần chưa hết bệnh, cả đời sống chung động kinh
Nhịp sống - Ngày đăng : 08:54, 13/10/2023
Trên chiếc giường kê ở góc phòng Hồi sức, Khoa Thần kinh I, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, người đàn ông 50 tuổi, sống tại Bắc Ninh nằm mê man.
Cơ thể ông gắn chằng chịt dây dợ của các thiết bị y tế. Những cỗ máy đang níu giữ tính mạng của bệnh nhân này.
Thi thoảng tay chân ông cử động trong vô thức. Phía đầu bên phải của bệnh nhân lộ rõ đường chỉ khâu của ca đại phẫu.
Cách đây 2 tuần, sau bữa tiệc rượu "tới bến" cùng người quen, người này tự lái xe về nhà. Tuy nhiên, trên đường đi không may va chạm mạnh với một chiếc ô tô.
Sau vụ tai nạn, người đàn ông chấn thương nặng được đưa vào bệnh viện tỉnh cấp cứu ban đầu, sau đó được chuyển lên Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
Theo TS.BS Bùi Huy Mạnh, Khoa Thần kinh I, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tại thời điểm tiếp nhận, bệnh nhân đã ở trong tình trạng hôn mê, phải đặt ống nội khí quản. Trên phim chụp có tổn thương dập não và máu tụ dưới màng cứng, bán cầu não phải.
Đáng chú ý, kết quả kiểm tra nồng độ cồn trong máu của bệnh nhân lên đến 46,953 mmol/l. Đây là mức rất cao.
Ca mổ cấp cứu được tiếp hành ngay lập tức với ekip gồm 8 y bác sĩ. Kíp mổ phải tiến hành lấy máu tụ, xử lý thương tổn và mở một mảng xương sọ tạm thời, nhằm giảm áp lực nội sọ.
Ca mổ kéo dài 4 giờ đồng hồ tạm thời giúp giữ lấy tính mạng bệnh nhân. Tuy nhiên, cuộc sống của bệnh nhân sẽ không bao giờ có thể trở về như trước khi xảy ra vụ tai nạn.
"Tiên lượng của bệnh nhân trong thời gian tới rất khó khăn. Ông có thể sống nhưng nhiều nguy cơ mang theo những di chứng thần kinh đến suốt đời như: yếu liệt nửa người, khiếm khuyết về mặt nhận thức", BS Mạnh trăn trở.
Hiện tại, bệnh nhân vẫn trong quá trình điều trị tích cực, được chăm sóc y tế đặc biệt. Phải nằm giường hồi sức, mỗi ngày trôi qua, lại thêm một khoản chi phí lớn đè nặng lên gia đình, vốn không mấy dư giả.
Ngay cả khi bệnh nhân may mắn hồi phục được xuất viện, gánh nặng vẫn sẽ còn đeo bám, khi người vốn là trụ cột gia đình sẽ khó có thể quay trở lại công việc cũ vì những di chứng thần kinh.
Ở phòng bệnh gần đó, một nam thanh niên sinh năm 1996 gương mặt biến dạng, tụ máu não cũng chỉ vì lái xe khi đã sử dụng rượu bia.
Trưa 30/9, bệnh nhân này nhậu với bạn bè sau đó lái xe máy về nhà thì tự đâm vào cột mốc ở đường.
Thời điểm được đưa vào Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, bệnh nhân đã bị vỡ xương hàm mặt ở phía trước, tụ máu dưới màng cứng bán cầu não phải. Kết quả kiểm tra nồng độ cồn của bệnh nhân là 20,806 mmol/l.
Theo BS Mạnh, các bác sĩ cố gắng điều trị bằng thuốc cho bệnh nhân để tránh phẫu thuật não. Sau 10 ngày điều trị, tình trạng của nam thanh niên tạm ổn.
Tuy nhiên, bệnh nhân khó tránh khỏi các di chứng sau này.
"Di chứng đầu tiên có thể nhận định ngay là mặt bệnh nhân bị lún vào bên trong. Sau này, bệnh nhân còn có thể đối mặt với những vấn đề thần kinh như: đau đầu, giảm trí nhớ…", BS Mạnh phân tích.
Gần như ngày nào, Khoa Thần kinh I, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cũng tiếp nhận điều trị nạn nhân tai nạn giao thông, do điều khiển phương tiện khi đã sử dụng rượu bia.
Theo BS Mạnh, số lượng bệnh nhân tai nạn giao thông do sử dụng rượu bia trung bình chiếm 1/5 các bệnh nhân điều trị tại khoa.
Trên thực tế, đây là tỷ lệ đã giảm mạnh so với giai đoạn trước, nhờ Nghị định 100 được thực thi cùng với những chiến dịch truyền thông mạnh mẽ về tác hại của rượu bia.
"Cách đây vài năm, bệnh nhân tai nạn giao thông có sử dụng rượu bia chiếm đến 1/3, thậm chí ½ các bệnh nhân điều trị tại khoa", BS Mạnh thông tin.
Trong 3 năm vừa qua, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tiếp nhận 49.803 người bị tai nạn giao thông, trong đó 8.689 ca xét nghiệm có nồng độ cồn trong máu (17,4%).
Thống kê này được nêu ra tại Hội thảo sơ kết 3 năm thi hành quy định về kiểm soát nồng độ cồn trong máu, hơi thở của người điều khiển phương tiện giao thông tại Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, do Bộ Y tế tổ chức ngày 18/8.
Tai nạn giao thông do sử dụng rượu bia luôn là vấn đề của toàn xã hội. Tại Việt Nam, rượu bia là một trong ba nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng tỷ lệ tai nạn giao thông ở nam giới từ 15 - 49 tuổi.
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia tại Việt Nam ước tính chiếm 36,2% tổng số các trường hợp tai nạn giao thông ở nam giới và 0,7% ở nữ giới.
Đúng ngày mồng một Tết năm 2018, Khoa Thần kinh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tiếp nhận hơn 10 bệnh nhân chấn thương nặng do tai nạn giao thông, gấp đôi so với ngày thường. Trong số này, có đến 80% trường hợp có nồng độ cồn trong máu.
Ký ức về ca trực Tết cách đây 5 năm vẫn "ám ảnh" BS Mạnh đến tận bây giờ. Nhiều nạn lúc đó nhập viện khi đang trên đường đi chúc Tết.
Có trường hợp cả gia đình 4 người đi chúc Tết bị tai nạn giao thông, khi người chồng lái xe trong tình trạng ngà ngà men say. Sau vụ va chạm, người chồng được đưa vào bệnh viện tỉnh điều trị.
Người vợ và 2 con gái chỉ khoảng 8-10 tuổi chấn thương nặng hơn phải chuyển lên Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
"Tại thời điểm nhập viện, bé gái lớn đã bị dập nát một bên chân, phải phẫu thuật cắt bỏ cẳng chân. Cả gia đình sau đó được cứu sống nhưng vết thương về thể chất lẫn tinh thần do vụ tai nạn này gây ra chắc sẽ đeo bám họ rất lâu", BS Mạnh thở dài, chia sẻ thêm rằng, đây không phải là trường hợp cá biệt.
Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, Việt Nam xếp thứ hai trong các nước Đông Nam Á, xếp thứ 3 châu Á về mức tiêu thụ bình quân rượu bia tính trên đầu người. Tình trạng uống quá độ đến mức nguy hại cũng đang rất phổ biến ở người trưởng thành Việt Nam, lên tới 44,2% số nam giới.
Thực tế tại Khoa Thần kinh I, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, bệnh nhân tai nạn giao thông do sử dụng rượu bia có xu hướng tăng mạnh vào những ngày đầu tiên của các dịp nghỉ lễ dài.
Vì "ly rượu mừng", nhiều cuộc vui trong phút chốc hóa thành thảm kịch với cả gia đình.
Vị bác sĩ dẫn chứng trường hợp nam bệnh nhân mới 30 tuổi ở Thanh Hóa nhưng đã hơn 10 năm "sống mòn" vì hậu quả để lại sau một cuộc vui.
Thảm kịch xảy ra khi nam thanh niên này tổ chức bữa tiệc mừng tốt nghiệp cấp 3 cùng bạn bè. Tàn tiệc, cậu cùng bạn đi về trên một chiếc xe máy thì gặp tai nạn.
Thời điểm được đưa đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, nhiều người nghĩ rằng nam thanh niên này không qua khỏi vì chấn thương quá nặng.
Phải trải qua 3 ca đại phẫu để giải tỏa não, ghép xương, xử trí nhiễm trùng, bệnh nhân mới thoát khỏi cửa tử. Tuy nhiên, cũng như nhiều bệnh nhân chấn thương sọ não do tai nạn giao thông khác, cậu phải chung sống với di chứng nặng nề.
Ở độ tuổi đôi mươi, thứ chào đón nam thanh niên này không phải là cánh cổng đại học, những giấc mơ, hoài bão mà là chiếc xe lăn, trí óc không còn minh mẫn, những cơn động kinh bất ngờ bộc phát và những ca mổ xử lý biến chứng định kỳ.
"Trước đó bệnh nhân bị não úng thủy, chúng tôi phải đặt dẫn lưu. Mặt trái của phương pháp này là bệnh nhân phải đối mặt với các biến chứng liên quan đến đặt dây dẫn lưu", BS Mạnh phân tích.
Cứ khoảng 2 năm/lần, bệnh nhân lại phải lên Khoa Thần kinh I, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức để phẫu thuật xử lý tắc dẫn lưu và các biến chứng viêm nhiễm. Đến nay, nam thanh niên này đã trải qua 15 ca phẫu thuật. Trong tương lai, con số này vẫn sẽ tiếp tục tăng.
Bị chấn thương sọ não do tai nạn giao thông sau khi uống rượu bia, theo BS Mạnh, gây ra một gánh nặng khổng lồ không chỉ với nạn nhân, mà còn cả gia đình và ngành y tế.
"Áp lực của các bác sĩ là rất lớn khi phải tiếp nhận các ca tai nạn giao thông, nhất là có rượu bia. Khó khăn về tình trạng bệnh cần can thiệp khẩn, áp lực từ người nhà, từ các thủ tục hành chính liên quan đến pháp luật, viện phí khi người bệnh không có khả năng chi trả…", BS Mạnh nói.
Phân tích rõ hơn về vấn đề này, theo BS Mạnh, các trường hợp chấn thương khi sử dụng bia rượu có khả năng diễn biến nặng cao hơn. Một trong những nguyên nhân là do bệnh nhân rất dễ nôn dẫn đến nguy cơ các chất trong dạ dày bị lọt vào đường thở.
Tình trạng này khiến phổi bị tàn phá nặng nề dẫn đến viêm phổi, hội chứng phổi trắng, tăng thời gian điều trị cũng như khối lượng điều trị lên rất nhiều.
"Một bệnh nhân bị chấn thương sọ não kèm theo sặc đường thở có thể khiến thời gian điều trị tăng lên gấp đôi so với bệnh nhân có cùng tổn thương sọ não nhưng không dùng rượu bia.
Bên cạnh đó, các phương tiện máy móc, thuốc men, can thiệp y tế cũng đòi hỏi nhiều hơn. Điều này tạo áp lực lớn lên các cơ sở điều trị, vốn đã thường xuyên trong tình trạng quá tải", BS Mạnh cho hay.
Với bệnh nhân, dù được cứu sống nhưng những di chứng có thể để lại sau khi chấn thương sọ não sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống sau này.
Vị bác sĩ nhiều lần nhắc lại hai từ "đáng tiếc" khi kể về các bệnh nhân trẻ mà mình tiếp nhận điều trị, đã đánh mất tương lai chỉ vì "chén chú, chén anh".
Từ lực lượng lao động chính, sau một bữa nhậu, nhiều bạn trẻ lại trở thành gánh nặng của gia đình và xã hội.
"Một bệnh nhân chấn thương sọ não là "thảm họa" với cả gia đình. Riêng về chi phí điều trị của các bệnh nhân phải tiến hành phẫu thuật đã giao động 60-70 triệu đồng", BS Mạnh cho hay.
Đáng nói, đây chỉ là chi phí bước đầu. Với bệnh nhân phải nằm hồi sức, thực hiện các can thiệp đặc biệt, viện phí sẽ còn đội lên đáng kể. Sau khi ra viện, bệnh nhân và gia đình phải đối mặt với chi phí điều trị các di chứng.
"Như trường hợp của nam thanh niên ở Thanh Hóa, khoảng 2 năm lại phải lên bệnh viện phẫu thuật xử lý biến chứng một lần. Mỗi ca phẫu thuật như vậy có chi phí 30-40 triệu đồng.
Toàn bộ gánh nặng kinh tế này đè lên vai của mẹ bệnh nhân. Bà làm nghề bán cá, tiền để dành được gần như chỉ đủ "đến kỳ" lại đưa con đi mổ", BS Mạnh chia sẻ.
Theo BS Mạnh, nhiều trường hợp tai nạn giao thông sau khi uống rượu bia xuất phát từ việc nạn nhân chủ quan, cho rằng mình chưa say và vẫn có thể tự lái xe.
Trên thực tế, tham gia giao thông là một hành động đòi hỏi hệ thần kinh phải hoạt động rất nhiều. Nghiên cứu đã chứng minh được rằng, ngoài con người, không có loài động vật nào có thể tham gia giao thông vì quá phức tạp.
Trong khi đó, rượu bia lại có tác động mạnh mẽ lên hệ thần kinh, ngay cả khi uống ít.
BS Mạnh phân tích rõ hơn về các tác động này:
- Ức chế hệ thần kinh trung ương gây buồn ngủ, mất tập trung trong trường hợp nặng có thể gây hôn mê.
- Gây mất thăng bằng.
- Mất sự định hướng về không gian và thời gian. "Do đó, người uống rượu bia đi xe máy có cảm giác không thật, như đi trên mây", BS Mạnh nói.
- Giảm hoặc mất các phản xạ có điều kiện.
"Những tác động này ức chế tất cả nhận thức cũng như sự phối hợp của các cơ quan ở người uống rượu bia. Họ không kiểm soát được hành động của mình, thường phóng rất nhanh, vượt đèn đỏ nhưng lại không ý thức được điều đó.
Chính vì vậy, lái xe sau khi sử dụng rượu bia có nguy cơ cao gây tai nạn", BS Mạnh chỉ rõ.
Từ những nguy cơ và hậu quả kể trên, BS Mạnh khuyến cáo người dân tuyệt đối không tự điều khiển phương tiện giao thông sau khi đã sử dụng rượu bia.
Ngoài ra, cũng cần hạn chế sử dụng thức uống này vì ngoài nguy cơ gây tai nạn giao thông, rượu bia còn tác động tiêu cực đến tất cả cơ quan trong cơ thể.