Ngôi nhà bình dị và cây khế cổ gắn với tuổi thơ Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Hồ sơ - nhân vật - Ngày đăng : 07:07, 13/10/2023
Mùa thu này, tròn 10 năm, Đại tướng Võ Nguyên Giáp về với cõi vĩnh hằng. Đây cũng là dịp để chúng ta tưởng nhớ, tri ân sâu sắc đối với những cống hiến, công lao của vị tướng tài ba - Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp sinh ra ở làng An Xá, tổng Đại Phong Lộc, huyện Lệ Thủy, phủ Quảng Ninh (nay là xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình). Chính mảnh đất quê hương giàu truyền thống cách mạng và anh hùng này đã hun đúc nhân cách người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Ngày nay, du khách khi đến với Quảng Bình, bên cạnh Khu mộ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, thì ngôi nhà gắn bó với tuổi thơ của vị tướng huyền thoại cũng được nhiều người lựa chọn để ghé thăm.
Ngôi nhà gỗ 3 gian bình dị nằm bên dòng sông Kiến Giang, ở cuối làng An Xá, xã Lộc Thủy là nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp cất tiếng khóc chào đời và những năm tháng tuổi thơ.
Ông Võ Đại Hàm, cháu gọi Đại tướng bằng ông thúc bá là người nhận nhiệm vụ trông coi ngôi nhà gần 45 năm qua. Năm nay dù đã 80 tuổi nhưng ông Hàm vẫn nhanh nhẹn và rất minh mẫn. Với nhiều người dân khi đến thăm nhà Đại tướng, họ đều xem ông Hàm như "sách sống" về ngôi nhà cũng như nhiều kỷ niệm về những lần thăm quê của Đại tướng.
Ông Hàm cho hay, vào năm 1947, khi tiến công và chiếm đóng Lệ Thủy, giặc Pháp đã đốt cháy hoàn toàn ngôi nhà hơn 100 năm tuổi của gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Sau này, ngôi nhà 3 gian 2 chái lợp ngói cùng nhà ngang lợp tranh được dựng lại trên nền đất cũ. Những vật dụng gia đình như: tủ sách, tấm phản, bộ tràng kỷ, sập gụ, tủ thờ… đều đã được phục dựng lại như xưa.
Trong ngôi nhà gỗ là bàn thờ, tượng và di ảnh của Đại tướng. Bên cạnh đó còn có chiếc sập gụ đã bóng nước thời gian; bộ tràng kỷ làm nơi cho du khách ngồi viết sổ lưu niệm; nhiều bức ảnh của Đại tướng chụp chung với Bác Hồ và các đồng chí của mình...
"Ở đây, cứ đến các dịp lễ, Tết hay dịp sinh nhật Đại tướng, có rất nhiều người đến thăm. Sau khi dâng hương, mọi người đều nán lại ít lâu để trò chuyện, chia sẻ với nhau những suy nghĩ, tâm tư, tình cảm của mình về cuộc đời, sự nghiệp của Đại tướng.
Nhà lưu niệm của Đại tướng đã trở thành một điểm đến văn hóa, lịch sử để mọi người tham quan, tìm hiểu, giáo dục truyền thống cách mạng", ông Hàm chia sẻ.
Ông Hàm cũng không nhớ rõ mình đã tiếp bao nhiêu đoàn, bao nhiêu khách. Dù chưa qua lớp nghiệp vụ du lịch nào nhưng những câu chuyện mộc mạc, giản dị, gần gũi mà ông chia sẻ đã giúp nhiều người hiểu thêm về cuộc đời của Đại tướng một cách sâu sắc và ấn tượng nhất.
Khuôn viên Nhà lưu niệm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp rộng khoảng 2.700m2, trồng nhiều cây cối, hàng rào xanh mướt từ cổng chạy vào trong sân, phần lớn được trồng sau này.
Cây cổ thụ duy nhất còn tồn tại kể từ lúc gia đình Đại tướng sinh sống ở đây chính là cây khế phía sau nhà, đã hơn 100 tuổi.
Dưới gốc cây khế cổ thụ này, Đại tướng từng ngồi học bài và vui chơi cùng bạn bè ngày thơ ấu. Chiến tranh, bom đạn bắn phá, gần như ngôi nhà cũ của gia đình Đại tướng bị xóa sổ, chỉ còn lại cây khế. Nhờ cây khế hơn 100 năm tuổi ấy, người ta xác định được vị trí chính xác để phục dựng ngôi nhà trên nền đất cũ như hiện nay.
"Đến thăm nhà lưu niệm của Đại tướng, ngồi trong căn nhà đơn sơ, được nghe những câu chuyện lúc sinh thời của vị tướng lỗi lạc, lòng tôi trào dâng cảm xúc. Đã 10 năm, Đại tướng về với cõi vĩnh hằng, thế nhưng công lao to lớn của Đại tướng sẽ mãi khắc ghi trong lòng mỗi người dân Việt Nam", anh Trần Đình Hùng (SN 1998) một du khách bộc bạch.
Đã một thập kỷ trôi qua, kể từ khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp về yên nghỉ trong lòng đất mẹ Quảng Bình. Với người dân Quảng Bình nói chung và Lệ Thủy nói riêng, Đại tướng vẫn luôn sống mãi, hiện hữu trong tim.
Theo ông Dương Công Nhân, Chủ tịch UBND xã Lộc Thủy, dù đi đâu, làm gì, mỗi lần về với nhà Đại tướng, ông đều xúc động và thấy rõ hơn tình cảm của người dân khắp mọi miền đất nước đối với Đại tướng, người con ưu tú của quê hương Quảng Bình, của xã Lộc Thủy, của làng An Xá.
Tuổi thơ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gắn với dòng sông Kiến Giang, với câu hò khoan Lệ Thủy. Những lần về thăm quê, Đại tướng đều trò chuyện, căn dặn bà con và chính quyền địa phương là phải đoàn kết, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Thực hiện lời căn dặn của Đại tướng, phát huy truyền thống của quê hương cách mạng, trong những năm qua, người dân Lộc Thủy đã hòa mình vào công cuộc xây dựng nông thôn mới, từng bước đưa quê hương ngày càng chuyển mình, phát triển.
Để đẩy mạnh phát triển kinh tế, cấp ủy, chính quyền xã Lộc Thủy đã tích cực vận động nhân dân phát huy tối đa các nguồn lực, chú trọng phát triển kinh tế theo hướng toàn diện, từng bước khai thác tốt tiềm năng và thế mạnh của địa phương; chủ động thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng nhằm nâng cao thu nhập.
Cùng với sản xuất nông nghiệp, địa phương đã đẩy mạnh, đa dạng hóa ngành nghề nông thôn, phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ.
Nhiều mô hình của người dân đã phát huy hiệu quả, từng bước được nhân rộng, tạo thu nhập ổn định, góp phần nâng cao đời sống bà con. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm nhanh qua từng năm, đến nay chỉ còn 2%; thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 65 triệu đồng/năm.
"Lời căn dặn của Đại tướng trong những lần về thăm quê không chỉ là lời nhắc nhở mà đó còn là động lực để người dân xã Lộc Thủy vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Đến nay, xã Lộc Thủy đang tiếp tục đẩy nhanh, thực hiện có chất lượng các tiêu chí và xây dựng khu dân cư kiểu mẫu", ông Dương Công Nhân thông tin thêm.