Đến Quy Nhơn xem sấm sét, vật thể bay lơ lửng trong phòng

Du lịch online - Ngày đăng : 16:11, 12/10/2023

Du khách có thể mở cửa vào chiếc lồng kết nối những tia lửa điện sấm sét, tiếp xúc với hiện tượng vật lý làm dựng đứng mái tóc; kinh ngạc với những vật bay lơ lửng trong không trung...

Đến Quy Nhơn xem sấm sét, vật thể bay lơ lửng trong phòng - 1

Tổ hợp không gian khoa học là một không gian khám phá khoa học cho du khách, tăng cường đưa khoa học đến với đại chúng và khơi gợi niềm đam mê khoa học, sáng tạo của tuổi trẻ.

Trung tâm Khám phá khoa học, số 10, đại lộ Khoa học, phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn, sẽ giúp khách tham quan bao quát một hệ thống kiến thức đồ sộ của thành tựu khoa học trên thế giới.

Du khách được chọn lựa chủ đề trải nghiệm tốc độ âm thanh từ giọng nói của mình, tận tay tiếp xúc với quả cầu bay lơ lửng trong không trung nhờ chênh lệch áp suất không khí, đạp xe đạp phát sáng hệ thống bóng đèn...

Du khách còn được trực tiếp hướng dẫn làm “người trung gian” trải nghiệm phát sáng bóng điện không dây, mở cửa vào trong chiếc lồng kết nối những tia lửa điện sấm sét, tiếp xúc với quả cầu tạo ra hiệu ứng vật lý làm thay đổi mái tóc từng sợi bung thẳng lên khá bất ngờ, thú vị…

Đến Quy Nhơn xem sấm sét, vật thể bay lơ lửng trong phòng - 2

Du khách được tiếp nhận kiến thức khoa học với nhiều chủ đề khác nhau.

Đến đây, du khách còn được du hành đến một vùng đất mới – “Sao Hỏa” và bắt đầu khám phá các đặc điểm của Sao Hỏa thông qua các mô hình tương tác đa phương tiện và các mô hình tỉ lệ thực mang tính trực quan cao.

Xe tự hành Curiosity (Tò Mò) đã được phóng lên và đổ bộ lên Sao Hỏa vào năm 2012 với nhiệm vụ phân tích khí hậu, địa chất của hành tinh đỏ này. Từ các số liệu này nhằm đánh giá có thể sinh sống tại hành tinh này được hay không. Du khách sẽ được tận mắt chứng kiến mô hình về con tàu này với tỉ lệ thật.

Năm 1877, Asaph Hall (nhà thiên văn học người Mỹ) đã xác định được 2 vệ tinh quay quanh Sao Hỏa là Phobos và Deimos. Từ đó, ông tính được khối lượng Sao Hỏa, bằng 1/9 lần khối lượng Trái đất. Với trò chơi đơn giản, du khách sẽ dễ dàng nhớ được rằng khối lượng Sao Hỏa bằng 1/9 lần khối lượng Trái đất.

Du khách yêu thích khám phá không gian, thích tìm hiểu về lịch sử và sự phát triển của ngành công nghệ vũ trụ hiện nay thì căn phòng “Khám phá không gian” là 1 địa điểm không thể bỏ qua.

Đến Quy Nhơn xem sấm sét, vật thể bay lơ lửng trong phòng - 3

Phòng chiếu hình vũ trụ với đặc trưng là màn hình vòm đường kính 12 m, giúp người xem khám phá vũ trụ, giải thích các vấn đề thiên văn học và các hiện tượng thiên nhiên với hình ảnh trực quan.

Căn phòng này có các phân khu với nhiều chủ đề khác nhau, cung cấp cho khách tham quan thật nhiều kiến thức lí thú. Bên cạnh đó, các bạn trẻ sẽ được tham gia thực hành và tính toán ở mỗi phân khu.

Chẳng hạn như phân khu rời khỏi Trái Đất, nơi đây sẽ trả lời các câu hỏi sau: Không gian bắt đầu từ đâu? Chúng ta có nổi bồng bềnh trong không gian? Làm thế nào để tên lửa cất cánh? Tên lửa được phóng như thế nào? Vệ tinh hoạt động như thế nào?…Với trí tò mò cố hữu, con người đã vươn ra khỏi Trái Đất để tìm hiểu và giải mã những bí ẩn của vũ trụ. Từ đó, nhìn lại Trái Đất để hiểu biết nhiều hơn và có những hành động tích cực để bảo vệ nó.

Ở trung tâm của tòa nhà chính, có một căn phòng giúp định vị du khách trong vũ trụ, về không gian và thời gian: Du khách ở đâu trong Trái Đất, Trái Đất ở đâu trong Hệ Mặt Trời và hệ Mặt trời ở đâu trong vũ trụ.

Điểm thu hút chính của căn phòng là quả cầu mô phỏng hành tinh (Omniglobe) với các chủ đề về Trái Đất và các hành tinh trong hệ Mặt Trời.

Thông qua quả cầu này, các chủ đề về biến đổi khí hậu: Nồng độ khí CO2 trong không khí, mực nước biến dâng.. , đặc điểm bề mặt của các thiên thể trong hệ Mặt Trời sẽ được thể hiện một cách trực quan và ấn tượng.

Đến Quy Nhơn xem sấm sét, vật thể bay lơ lửng trong phòng - 4

Du khách tha hồ mở rộng vùng tưởng tượng như đang du hành trên vũ trụ vô cùng tận, chiêm ngưỡng đường quỹ đạo của trái đất và các hành tinh khác chuyển động khép kín theo vòng bầu dục nhờ lực hấp dẫn của Mặt Trời.

Dự án “Tổ hợp không gian khoa học”, là tiền thân của Trung tâm Khám phá khoa học và Đổi mới sáng tạo sau này, do Sở Khoa học và Công nghệ Bình Định làm chủ đầu tư, được khởi công vào tháng 9/2015. Ý tưởng đầu tiên về dự án được khởi xướng bởi Hội Gặp gỡ Việt Nam và sau đó được UBND tỉnh phê duyệt dự án đầu tư xây dựng, hiện tại đang tọa lạc tại số 10, Đại lộ khoa học (hay còn gọi là khu Đô thị khoa học Quy Hòa), đây được xem là một trong những điểm đến đầu tiên ở Việt Nam mà công chúng có thể tự do vui chơi và khám phá khoa học.

Trung tâm Khám phá khoa học và Đổi mới sáng tạo được thành lập ngày 24/12/2015, là một đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở khoa học và Công nghệ Bình Định, chú trọng đến việc đưa khoa học và phát triển tình yêu khoa học cho nhân dân, đặc biệt là giới trẻ.

Tổ hợp vệ tinh đầu tiên sau nhân tố hạt nhân quan trọng là dự án Trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE), khánh thành tháng 8/2013, từng bước quy hoạch và xây dựng Khu đô thị khoa học Quy Hòa tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định nhằm phát triển Quy Nhơn thành điểm đến khoa học và giáo dục đặc trưng của Việt Nam.

N.Nguyệt