Ngắm thiết kế cầu đi bộ hình lá dừa nước trên sông Sài Gòn
Nhịp sống - Ngày đăng : 16:09, 12/10/2023
Cầu đi bộ vượt sông Sài Gòn nối trung tâm quận 1 với khu đô thị mới Thủ Thiêm có mái vòm hình lá dừa nước (loài cây quen thuộc của Nam Bộ), được kỳ vọng trở thành biểu tượng mới của TPHCM.
Đây là thiết kế được UBND TPHCM phê duyệt qua cuộc thi tuyển chọn, thuộc phương án CDN01 của Liên danh Chodai-Takashi Niwa Architects và Chodai Kisojiban Việt Nam.
Cầu dài hơn 500m, nằm song song cầu Ba Son - biểu tượng mới ở trung tâm thành phố.
Đầu cầu phía quận 1 nằm trong khu vực công viên bến Bạch Đằng. Đầu cầu TP Thủ Đức nằm tại công viên bờ sông và ngoài ranh khu A, phía nam quảng trường trung tâm tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (Ảnh: Hải Long, bìa trái).
Thiết kế mái vòm bằng thép dạng gân lá hình mạng lông chim, được đánh giá giúp mặt cầu thông thoáng, mở tầm nhìn cho người đi bộ bên trên công trình. Đồng thời các hệ cột trên mặt cầu được lược đi nên tầm nhìn người đi bộ trên cầu sẽ thông thoáng.
Đầu cầu phía Thủ Thiêm có thác nước tuần hoàn, được Sở Quy hoạch và Kiến trúc TPHCM đánh giá phù hợp với thiết kế của quảng trường trung tâm khu này.
Còn đầu cầu phía quận 1 gần như nối phố Nguyễn Huệ, người đi bộ có thể thuận tiện di chuyển trên cung đường vui chơi, ngắm cảnh.
Trên mặt cầu bố trí ghế ngồi, thùng rác, lan can ngăn cách lối cho người đứng ngắm cảnh và đường đi chung, có thể cho xe đạp di chuyển qua cầu.
Khi hoàn thành, ngoài phục vụ người đi bộ dẫn từ chân cầu và hai đầu cầu, công trình còn kết hợp băng chuyền, ram dốc, thang máy... phù hợp cho người già, người khuyết tật, phụ nữ có thai, phân làn cho người đi xe đạp.
Bên dưới cầu cũng được thiết kế thành không gian nghỉ chân có thể che mát.
Theo đề xuất của đơn vị thiết kế, khi cầu hoàn thành, TPHCM có thể tổ chức các hoạt động lễ hội, âm nhạc, nghệ thuật vào cả ban ngày lẫn đêm.
Màu trắng chủ đạo của cầu không chỉ tạo sức hút thị giác dưới ánh nắng mặt trời, cũng làm nền tối ưu cho việc chiếu sáng nghệ thuật 3D lúc trời tối, rạp chiếu bóng trình chiếu nhạc nước...
Về kiến trúc tổng thể, hệ thống cột trụ cầu được tối ưu dưới lòng sông và xây hệ cột về gần hai bên bờ, tạo tĩnh không dưới nước rộng hơn, tránh va đập cho tàu thuyền.
Theo đơn vị thiết kế, phương pháp thi công là làm sẵn các bộ phận rồi mang đến lắp ráp tại công trường, nhằm hạn chế ảnh hưởng giao thông, môi trường trong quá trình thi công ở trung tâm thành phố.
Cầu đi bộ hình lá dừa nước là một trong 5 con đường vượt sông Sài Gòn được quy hoạch kết nối khu đô thị Thủ Thiêm, TP Thủ Đức với khu vực xung quanh. (Đồ họa: Tâm Linh).
Chính quyền TPHCM đặt mục tiêu khởi công dự án cầu đi bộ vượt sông Sài Gòn vào dịp 30/4/2025 để chào mừng kỷ niệm 50 ngày thống nhất đất nước.
Ảnh: Liên danh thiết kế công trình