Thú sưu tầm ‘bỏ bùa’ doanh nhân
Bất động sản - Ngày đăng : 09:49, 12/10/2023
Hồn dân tộc thấm trong từng cổ vật
Trong ngôi nhà rộng của ông Nguyễn Phi Dũng tại thành phố Nam Định, ngoài lượng báo giấy đồ sộ cỡ 20 tấn được bảo quản cẩn thận (mà tôi đã viết bài “Quái kiệt lưu giữ báo giấy” đăng trên Tiền Phong tháng 6/2023- PV), doanh nhân này còn dành một diện tích đáng kể khác để trưng bày lượng đồ cổ mà ông đã sưu tầm được trong những năm qua. Lượng đồ cổ này có gần một ngàn hiện vật với những chủng loại và niên đại khác nhau. “Tôi thích sưu tầm các hiện vật trải dài theo lịch sử của đất nước, từ thời văn hoá Đông Sơn đến đồ Hán Việt, rồi đời Lý-Trần-Lê. Đặc biệt, những đồ cổ dưới triều Nguyễn, như đồ gốm sứ được gọi là “Ký kiểu Huế” chiếm tỷ lệ khá nhiều”, ông Dũng cho biết.
Nhà sưu tầm Nguyễn Phi Dũng giới thiệu chiếc ấm gốm men ngọc hình quả dưa thế kỷ XIII. Ảnh: K.N |
Trò chuyện với doanh nhân Nguyễn Phi Dũng, tôi biết ông mới sưu tầm đồ cổ được khoảng 5 năm, nhưng với số lượng gần một ngàn hiện vật hiện có thì cảm tưởng ông đã phải sưu tầm hàng chục năm. Khi được hỏi “Cách nào mà ông đã sưu tầm được như vậy chỉ trong thời gian ngắn?”, doanh nhân Nguyễn Phi Dũng cười đáp đó là “cái duyên”. Rồi doanh nhân này chia sẻ, từ việc kinh doanh máy tính nên ông khá thành thạo công nghệ thông tin, qua đó thu thập được nhiều kiến thức bổ ích trong lĩnh vực sưu tầm đồ cổ. Và cũng từ đam mê sưu tầm sách, báo giấy, ông có điều kiện sưu tầm hàng chục quyển sách chuyên về đồ cổ, như bộ sách 6 quyển của ông Vương Hồng Sển, hay của những nhà nghiên cứu đồ cổ như Trần Đình Sơn, Trần Đức Anh Sơn, Phạm Hy Tùng…, nên qua đó đã thu thập được nhiều kiến thức bổ ích trong lĩnh vực sưu tầm đồ cổ. Bên cạnh đó, doanh nhân này luôn mở rộng đón chào những người bạn có cùng đam mê, sở thích nên họ đã giúp ông bổ sung rất nhiều kiến thức về đồ cổ mà không có một trường lớp nào giảng dạy. Từ việc hiểu rồi thích, nên mỗi khi có thông tin về một món đồ cổ nào đó, bằng sự thính nhạy của người kinh doanh và cộng thêm “cái duyên”, ông Dũng đã tìm hiểu về đồ cổ đó, thấy ưng thì xin được nhượng lại. “Khác với dân kinh doanh đồ cổ, những người sưu tầm đồ cổ không thích nói đến từ mua bán. Thí dụ muốn mua một món đồ, nếu nói bán cho tôi đồ cổ đó có khi bị từ chối. Còn nếu nói nhượng cho tôi món đồ này để chơi, thì lại được”, ông Dũng chia sẻ.
“Đối với những người coi việc săn tìm đồ cổ là một kênh đầu tư, để cất trữ tài sản thì đồ cổ có giá trị mua bán. Còn đối với những người sưu tầm đồ cổ với niềm đam mê, để lưu giữ những tinh hoa, hồn cốt, di sản văn hoá của cha ông thì việc lời lãi không phải là mục đích”. Nhà sưu tầm Nguyễn Phi Dũng
Doanh nhân Nguyễn Phi Dũng nhận mình là người sưu tầm đồ cổ, không kinh doanh. Ông tâm sự, bao năm nay mình kinh doanh máy tính, nên để kiếm tiền thì cứ tập trung vào lĩnh vực này, còn việc sưu tầm báo giấy hay đồ cổ là để thoả đam mê. Cách đây 5 năm, khi tình cờ sưu tầm được một số đồ sành đời Trần thế kỷ XIII- XIV, rồi những món đồ thủy trì, bình gốm Chu Đậu thế kỷ XV, ông Dũng thấy thích rồi trở nên đam mê sưu tầm đồ cổ lúc nào không hay. Ông chia sẻ, sưu tầm đồ cổ cũng như báo giấy, đã vào “cuộc chơi” làm cho ta đam mê như người nghiện. Nếu vài ngày mà không “tầm” được một món đồ là cảm thấy bứt rứt không yên. Giới thiệu với tôi một số hiện vật bằng đá hình lưỡi rìu hay những mũi giáo bằng đồng, ông Dũng bảo đây là những công cụ của cha ông ta từ thời Đông Sơn. Chạm nhẹ vào những hoa văn trên một số đồ cổ, ông Dũng đọc câu thơ: “Hồn dân tộc thấm trong từng cổ vật/Nét hoa văn gợi nhớ một vương triều”.
Bộ sưu tập rìu đá và mũi giáo thời Đông Sơn. |
Nhà sưu tầm Nguyễn Phi Dũng bên bình gốm Chu Đậu dáng tỳ bà, thế kỷ XV ". Ảnh: K.N |
Doanh nhân Nguyễn Phi Dũng cho biết, đồ cổ quý, có giá trị cao là những hiện vật hiếm, đẹp, có số lượng ít, gắn với triều đại, vua chúa có tên tuổi như đồ sứ Lê-Trịnh, đồ sứ thời Nguyễn. Có những đồ cổ nhìn không đẹp, tinh xảo nhưng “sâu tuổi”, hiếm hoặc độc bản cũng là đồ quý có giá trị cao. Cho tôi xem những bát gốm sứ vẽ tích “Liễu ngạn Đồng du” (một điển tích nổi tiếng thời xưa), hiệu đề chữ Nhật làm từ thời vua Minh Mạng (triều Nguyễn), ông Dũng cho biết những bát này hoạ tiết rất đẹp, giá vài trăm triệu một cái. Tuy nhiên, để nhận biết được giá trị của những món đồ cổ này là nhờ “cái duyên” và sự tìm tòi, học hỏi lẫn tinh ý… Bởi hiện nay, đồ giả cổ, phỏng cổ tràn lan trên thị trường, nên nếu không tích luỹ được kiến thức về lĩnh vực này rất dễ bị nhầm. Ngày mới sưu tầm, ông Dũng cũng từng bị “dính” vào những đồ giả cổ mua tại sàn đấu giá tự phát trên mạng. Sau này, càng đam mê sưu tầm đồ cổ, ông Dũng càng thấy có rất nhiều sự thật giả trong lĩnh vực này. Vì vậy, tháng 6/2022, ông Dũng đã thành lập nhóm facebook về đồ cổ, với mục đích cùng nhau trao đổi để phổ biến kiến thức về đồ cổ, qua đó cảnh báo về đồ cổ giả, các thủ đoạn lừa đảo đồ cổ. Việc lập nhóm facebook “Nhận biết đồ cổ và người mua bán đồ cổ” được nhiều người quan tâm, đến nay có gần 10 ngàn thành viên tham gia.
Trong quá trình sưu tầm đồ cổ, doanh nhân Nguyễn Phi Dũng nhận thấy ngoài lượng đồ cổ nằm trong các bảo tàng, số lượng đồ cổ trong dân còn nhiều. Ông bày tỏ, những người sưu tầm như ông mong muốn có những hướng dẫn cụ thể của các cơ quan chức năng, có những sàn đấu giá chính thống, có những đơn vị tổ chức thẩm định hiện vật chuyên trách để hỗ trợ người sưu tầm đồ cổ được tốt hơn. Di sản văn hoá, trong đó có các cổ vật cần được bảo vệ và phát huy giá trị, đó chính là những hoạt động của công tác bảo tồn đối với đại chúng.
Ông Phi Dũng tâm sự, cũng như báo giấy, sưu tầm đồ cổ đã mang lại nhiều kiến thức lịch sử của cha ông, đồng thời góp phần để những di sản văn hoá của dân tộc được lưu giữ, bảo quản tốt hơn. Ông Dũng chia sẻ, sắp tới, nhân kỷ niệm 100 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam (1925-2025), ông muốn thành lập một bảo tàng tư nhân. Tại đó, ngoài số lượng chính là báo giấy, sẽ có một phần trưng bày những đồ cổ mà ông đã sưu tầm được trong những năm qua. Dưới góc độ một bảo tàng tư nhân, nên ngoài mục đích sưu tầm, lưu trữ, bảo quản, đây còn là nơi giao lưu, chia sẻ tư liệu, hiện vật cho các tổ chức, cá nhân và đông đảo người dân cần tra cứu, tìm hiểu thông tin về báo chí, cổ vật.