Từ xe buýt ‘siêu to khổng lồ’ tới miễn phí tàu xe, các nước vật vã chống ùn tắc
Tin thế giới - Ngày đăng : 05:03, 11/10/2023
Ùn tắc giao thông là vấn nạn của nhiều đô thị trên thế giới. Việc tìm được giải pháp hữu hiệu cho bài toán này thật sự không đơn giản.
VietNamNet giới thiệu cùng bạn đọc loạt bài về cách một số nước trên thế giới giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông.
Bài 1: Giảm ùn tắc giao thông, nhiều nước 'đánh thẳng' vào túi tiền của tài xế
Bài 2: Hạn chế xe giờ cao điểm, ‘bí kíp’ chống tắc đường ở nhiều đô thị thế giới
Xe buýt gầm cao TEB-1 của Trung Quốc
Tháng 8/2016, chiếc siêu xe buýt với tên gọi TEB–1 được sản xuất bởi Công ty TNHH Phát triển công nghệ Ba Thiết lần đầu được ra mắt người dân Trung Quốc tại thành phố Tần Hoàng Đảo, tỉnh Hà Bắc.
Theo công ty Ba Thiết, siêu xe buýt TEB–1 gồm 1 toa dài 22m, rộng 7,8m, cao 4,8m và có sức chứa tối đa lên tới 300 người. Xe có 55 chỗ ngồi được bố trí dọc hai bên, 2 ghế tròn lắp giữa và khoảng không rộng lớn với 20 chiếc cột sắt để làm nơi bám cho những hành khách không có ghế ngồi. Xe được vận hành thông qua các đường ray cố định lắp dọc trên đường.
Nhờ TEB-1 có thiết kế gầm cao độc đáo, các phương tiện giao thông có sức chứa từ 4-7 chỗ có thể dễ dàng chui lọt qua.
Theo nhận định của tờ Nhân dân Nhật báo, dù xe TEB-1 được công ty Ba Thiết chế tạo nhằm mục đích đối phó tình trạng ùn tắc giao thông ở những đô thị lớn, nhưng sau khi chạy thử nghiệm đã nảy sinh một số vấn đề lớn.
Giới hạn chiều cao trên đường giao thông và đường cao tốc trên cao ở các thành phố Trung Quốc được quy định lần lượt là 4,5m và 4,2m. Tuy nhiên, chiều cao thiết kế của TEB-1 lại lên tới 4,8m, nên chiếc xe không phù hợp với các quy định về chiều cao phương tiện trong luật giao thông Trung Quốc.
Hơn nữa, khi TEB-1 hoạt động ở nơi công cộng, xe sẽ bị hạn chế khả năng quan sát biển báo hoặc đèn tín hiệu của các phương tiện chạy gần nó. Do vậy, dự án đã bị hủy bỏ vào cuối năm 2016.
Video: TheStarTV.com
Mỹ thử nghiệm miễn phí vé xe buýt cho người dân
Một số thành phố ở Mỹ như Boston, San Francisco và Denver vào cuối năm ngoái đã thử nghiệm bãi bỏ vé xe buýt, để thúc đẩy người dân di chuyển bằng phương tiện công cộng.
Theo CNBC, phong trào “không giá vé” đã nhận được sự ủng hộ của một bộ phận người dân, nhóm doanh nghiệp, những nhà hoạt động ủng hộ môi trường, thậm chí là nhiều quan chức đảng Dân chủ.
Một số người ủng hộ nói rằng, giao thông công cộng đã thúc đẩy kinh tế địa phương, giảm thiểu biến đổi khí hậu. Đây cũng là nhu cầu cơ bản đối với những người lao động không có điều kiện làm việc tại nhà.
Tây Ban Nha cho người dân đi tàu hỏa miễn phí
Chính phủ Tây Ban Nha vào tháng 9 năm ngoái đã công bố kế hoạch cho phép người dân nước này và khách du lịch nước ngoài có thể di chuyển bằng tàu hỏa thuộc công ty đường sắt nhà nước Renfe mà không phải trả tiền vé tới hết năm 2022. Kế hoạch sau đó đã được kéo dài thời hạn có hiệu lực tới hết năm nay.
“Chúng tôi sẽ chuyển đổi chính sách này thành một chính sách mang tính ‘cấu trúc’, và chúng tôi sẽ chứng kiến kết quả cụ thể từ các phương tiện công cộng trong việc giảm lượng khí thải CO2. Đây là chính sách ưu tiên trong những năm tới”, Bộ trưởng Tài chính Tây Ban Nha Maria Jesus Montero nói trong một cuộc phỏng vấn với trang Euro News vào tháng 10 năm ngoái.
Theo bà Montero, việc miễn phí vé tàu hỏa đã khiến một lượng lớn người dân Tây Ban Nha từ bỏ việc sử dụng ôtô, và quyết định chọn tàu hỏa làm phương tiện di chuyển.
Bài 4: Các quốc gia ứng dụng công nghệ giảm ùn tắc giao thông như thế nào?