Xe Thành Bưởi bị tước phù hiệu 246 lần, việc thu hồi có hiệu lực thực sự?
Nhịp sống - Ngày đăng : 16:45, 10/10/2023
Sáng 10/10, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông 9 tháng đầu năm, ông Nguyễn Xuân Cường - Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam đã chỉ ra một số "lỗ hổng" trong quy định quản lý xe kinh doanh vận tải.
Ông Cường cho biết, Cục đã triển khai lắp thiết bị giám sát hành trình (GSHT), camera theo dõi lịch sử đối với xe kinh doanh vận tải. Thông qua thiết bị, camera theo dõi lịch sử của xe kinh doanh vận tải, trong 9 tháng đầu năm, Sở GTVT các địa phương đã xử lý vi phạm thu hồi phù hiệu, biển hiệu đối với 469.739 phương tiện, trong đó thu hồi phù hiệu hơn 25.000 phương tiện.
Đối với văn bản quy phạm pháp luật, qua quá trình rà soát, ông Cường thừa nhận còn một số tồn tại. Trong đó có quy định về thu hồi phù hiệu.
Ông Cường thông tin, theo Nghị định 86 trước đây quy định, thu hồi phù hiệu xe vi phạm tốc độ từ 1-2 tháng. Theo đó, xe bị tước phù hiệu thì 2 tháng sau mới được cấp lại phù hiệu mới. Tuy nhiên khi sửa đổi Nghị định 10/2020/NĐ-CP nội dung này đã không quy định việc này.
Do không quy định thời gian xin cấp lại sau khi bị thu hồi phù hiệu, biển hiệu nên doanh nghiệp hôm nay bị thu hồi, ngày mai có thể xin cấp lại.
“Quy định tụt lùi so với trước. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc quản lý chưa được hiệu quả. Cục cũng đã đề xuất sửa đổi”, ông Cường nói.
Sửa ngay bất cập, tăng chế tài xử phạt
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đánh giá trong 9 tháng đầu năm, mặc dù tai nạn giao thông đã được kiềm chế, tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại, hạn chế.
Theo đó, số người thương vong do tai nạn còn ở mức cao, còn xảy ra một số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người. Tình hình ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn có xu hướng diễn biến phức tạp hơn.
“Về nguyên nhân, tôi nhấn mạnh ngoài hành vi trực tiếp của người điều khiển phương tiện gây tai nạn giao thông thì còn có trách nhiệm gián tiếp của công tác quản lý nhà nước ở các khâu có liên quan”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói.
Theo Bộ trưởng, những bất cập vừa qua liên quan rất nhiều tới thể chế, bởi vậy các cơ quan của Bộ GTVT theo chức năng nhiệm vụ phải đặc biệt chú trọng tới việc hoàn thiện các quy định pháp luật, với Bộ GTVT thì trước mắt là dự thảo Luật Đường bộ và phối hợp với Bộ Công an để hoàn thiện dự thảo Luật Trật tự An toàn giao thông đường bộ.
Đặc biệt, Bộ cũng giao các đơn vị chức năng nhanh chóng sửa đổi quy định để quản lý hoạt động xe kinh doanh vận tải một cách hiệu quả hơn.
“Vụ tai nạn giao thông tại Đồng Nai vừa qua cho thấy nhiều bất cập, xe khách của công ty vi phạm (nhà xe Thành Bưởi) với nhiều xe bị tước phù hiệu tổng số lên tới 246 lần. Vậy việc tước phù hiệu đó có hiệu lực thực sự không? Phải có những chế tài mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn từ việc thu hồi giấy phép cho đến chấm dứt, cấm vĩnh viễn kinh doanh trong lĩnh vực này”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.
Bộ trưởng cũng giao Cục Đường bộ rà soát lại các quy định không để tình trạng quy định mới “tụt lùi so với quy định cũ”. Bộ trưởng đề nghị sửa đổi ngay theo hướng tăng cường chế tài xử phạt thật nghiêm đối với các nhà xe để các xe vi phạm nhiều lần, nhân viên lái xe của mình vi phạm nhiều lần và nghiêm trọng.
“Các đơn vị phối hợp với Bộ Công an, các tỉnh, thành phố trong cả nước đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý, xử lý các trường hợp vi phạm gây tai nạn giao thông. Phấn đấu cùng với nhiều giải pháp khác tạo ra văn hoá giao thông không thể vi phạm, không dám vi phạm và không muốn vi phạm”, Bộ trưởng kết luận.