Câu hỏi 'bao giờ con lấy vợ' và thách thức già hóa dân số

Nhịp sống - Ngày đăng : 18:05, 10/10/2023

Già hóa dân số là một quá trình mà tốc độ sẽ ngày càng nhanh hơn, vì vậy cần được thảo luận và chuẩn bị kỹ lưỡng ngay từ bây giờ.

Ba mẹ tôi vẫn hay cằn nhằn về câu chuyện ngoài 30 tuổi nhưng tôi chưa kết hôn. Khi hai người viện dẫn lý do "Chuyện kết hôn của con đâu phải vấn đề của riêng con", tôi cự cãi. Nhưng rồi khi bình tĩnh lại, tôi hiểu rằng lo lắng của ba mẹ tôi là tâm lý thông thường của các bậc phụ huynh, nhất là trong xã hội ngày nay, cuộc sống hiện đại khiến số người trẻ chọn cách sống độc thân ngày càng nhiều hơn.

Với những người trẻ đã quyết định lập gia đình thì sinh ít con (từ một đến hai con) cũng đã trở thành một xu hướng phổ biến.

Nhìn từ góc độ xã hội, chuyện kết hôn muộn, thậm chí không kết hôn của tôi cũng như rất nhiều người trẻ khác, và chuyện các gia đình sinh ít con hơn, là những yếu tố góp phần dẫn đến một vấn đề: Thách thức già hóa dân số ở Việt Nam.

Câu hỏi bao giờ con lấy vợ và thách thức già hóa dân số - 1

Một người già đi khám ở Bệnh viện Hữu nghị, Hà Nội, tháng 12/2022 (Ảnh: Hữu Nghị )

Việt Nam đã vượt ngưỡng 100 triệu dân và nằm trong top 15 quốc gia đông dân nhất thế giới. Vào năm tôi sinh (1993) thì già hóa dân số là vấn đề chưa được bàn đến. Trước đó, Việt Nam từ giai đoạn bùng nổ dân số chuyển sang chính sách khuyến khích mỗi cặp vợ chồng chỉ nên dừng lại ở hai con.

Tôi là con thứ hai, ba tôi là bộ đội, vì thế nên gia đình tôi cũng dừng lại việc sinh con theo khuyến nghị của nhà nước. Tỷ suất sinh tại Việt Nam giảm dần kể từ đó. Trong nhiều năm, lực lượng lao động ở nước ta bắt đầu tăng lên, mở ra một thời kỳ "dân số vàng" đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế xã hội.

Tuy nhiên, mức "dân số vàng" này sẽ tiếp tục được bao lâu khi tỷ suất sinh tiếp tục giảm, đặc biệt ở các thành phố lớn ở Việt Nam? Kinh nghiệm từ nhiều nước trên thế giới cho thấy không nên chờ đến thời điểm lượng người cao tuổi tăng vọt, trong khi lực lượng lao động giảm sút trầm trọng mới thay đổi chính sách liên quan. Sự chuẩn bị cho cả việc bổ sung nguồn lao động trẻ cũng như thiết kế các chính sách thích ứng với một xã hội già hóa dân số đều cần được chủ động triển khai trong nhiều năm.

Dân số già đã trở thành câu chuyện đáng báo động tại các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc…, và ngay cả với Trung Quốc là nước đông dân nhất thế giới. Việt Nam đang ở thời kỳ "dân số vàng" nhưng cũng phải nói rằng tỷ lệ người trên 65 tuổi đã chạm ngưỡng 9% dân số. Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA) đưa ra báo cáo cho rằng dân số Việt nam sẽ đạt đỉnh vào năm 2051 và sau đó giảm dần do tỷ lệ sinh ngày càng thấp.

hg.jpg
Người trẻ yêu nhưng không thích kết hôn

Dân số già không chỉ khiến các quốc gia thâm hụt lực lượng lao động, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Câu hỏi quan trọng khác cần được đặt ra là làm sao để xã hội có thể hỗ trợ, chăm sóc số lượng người cao tuổi ngày càng lớn hơn, trong khi tuổi thọ trên thế giới càng ngày càng gia tăng.

Tại Mỹ, nơi tôi đang học tập và sinh sống, bài toán dân số già cũng làm đau đầu những nhà chức trách. Theo ước tính đến năm 2034, nước Mỹ sẽ có nhiều người già trên 65 tuổi hơn số trẻ em. Nước Mỹ cũng sẽ không còn được coi là một "quốc gia trẻ" nữa và những giải pháp để giải quyết vấn đề dân số già đang được đưa ra, cả ở chính sách vĩ mô và những thực hành vi mô.

Thứ nhất, nới rộng tuổi lao động hoặc tiếp nhận lao động ở độ tuổi cao hơn có thể là một giải pháp bù đắp cho việc thâm hụt lực lượng lao động trẻ.

Không khó để bắt gặp cảnh tượng những người ngoài 50-60 tuổi làm việc tại siêu thị, nhà hàng ở Mỹ. Ở Việt Nam, khi tôi chỉ vừa bước sang độ tuổi 30, nhiều người rỉ tai tôi rằng sẽ rất khó để xin việc nếu không ổn định sớm. Báo chí phản ánh lao động ngoài 40 tuổi sẽ rất khó tìm được việc làm mới.

Có lẽ ở thời điểm hiện tại, khi lực lượng lao động trẻ vẫn dồi dào thì chuyện "ứng xử" với người lao động cao tuổi chưa phải là vấn đề ở Việt Nam. Nhưng với xu hướng già hóa dân số, đây là chuyện sẽ sớm đến với chúng ta.

Quá trình thay đổi văn hóa lao động không chỉ từ nhận thức xã hội mà cả từ nhận thức của mỗi cá nhân. Đây là vấn đề không đơn giản nếu xã hội vẫn nặng về phân biệt tuổi tác trong công việc, hay tư tưởng "trẻ cậy cha, già cậy con" khiến nhiều người coi việc đi làm ở tuổi ngoài 60 là điều không hợp lý.

Các nước phát triển có lợi thế khi họ sẵn sàng tuyển nhân công lao động từ các quốc gia khác để bổ sung vào phần thiếu hụt. Ở Mỹ, số lượng lao động chính thức thông qua visa H1B (không định cư) hay lao động bất hợp pháp là rất đông. Nhưng với chúng ta, khi quy mô kinh tế và thu nhập bình quân đầu người hiện tại và tương lai gần còn khiêm tốn thì rất khó nói đến chuyện thu hút lao động nước ngoài.

Thứ hai, dân số già tạo nên sự chuyển dịch trong nhiều ngành nghề kinh tế, bao gồm sự phát triển của các dịch vụ, sản phẩm hướng tới người già. Các viện dưỡng lão, cơ sở du lịch, nghỉ dưỡng… dành cho người già với thiết kế và các dịch vụ phù hợp với lứa tuổi hiện chưa có nhiều ở Việt Nam, trong khi đây là nhóm khách hàng sẽ ngày càng đông hơn, có nhiều thời gian nhàn rỗi và một bộ phận có sức chi tiêu mạnh.

Thứ ba, áp lực về chăm sóc sức khỏe cho người già có lẽ là câu hỏi quan trọng khi đối diện bài toán già hóa dân số. Nước Mỹ có những chính sách chăm sóc cho người già theo chính sách liên bang, ví dụ như người thân trong gia đình sẽ được hưởng trợ cấp khi chăm sóc cho người già, bảo hiểm thất nghiệp cho người phải nghỉ việc để chăm sóc người già, đào tạo và tập huấn các kỹ năng chăm sóc cho người già…

Hỗ trợ người chăm sóc (caregiver) là một giải pháp hữu hiệu để đảm bảo sức khỏe người cao tuổi. Tuy nhiên, các chính sách này sẽ tiêu tốn một khoản ngân sách không nhỏ, chưa thể hoàn toàn phù hợp tại các quốc gia đang phát triển.

Tuy nhiên, trong tương lai, ở nước ta khi số lượng người già tăng lên, đây là điều các nhà hoạch định chính sách cần tính tới.

Thứ tư, bài toán kinh tế, bài toán chăm sóc sức khỏe chỉ là hai trong số rất nhiều bài toán quan trọng cần phải giải. Song trước mắt, bài toán thúc đẩy tỷ lệ kết hôn và tỷ lệ sinh cũng trở nên cấp bách, đang được nhiều nước ưu tiên trong các chính sách ở tầm quốc gia.

yhjyrt.jpg
Kết hôn muộn là chuyện thường thấy ở người trẻ. Ảnh minh họa

Trung Quốc sau nhiều năm cấm sinh con thứ hai thì giờ đây đã khuyến khích sinh con thứ ba, nhiều quốc gia Bắc Âu không chỉ tặng quà, tặng tiền cho mỗi gia đình với các ca sinh nở mà còn nới rộng chính sách nghỉ thai sản cho cả bố lẫn mẹ.

Ở nhiều nước, khi bàn đến vấn đề này, các nhà nghiên cứu nhận ra rằng người trẻ và các chính phủ dường như không có chung một câu hỏi. Người trẻ hỏi "Làm sao để một đứa trẻ sinh ra có cuộc sống tốt?", còn những nhà hoạch định chính sách dân số đặt câu hỏi "Làm sao để người trẻ sinh nhiều hơn?".

Hỗ trợ các gia đình trẻ trong việc chăm sóc trẻ nhỏ, môi trường công việc linh hoạt hơn, tăng cường chất lượng các dịch vụ… có thể là những đề xuất tốt. Song, điều đó vẫn chưa đủ khi người trẻ ngày càng thấy nhiều áp lực vô hình và hữu hình từ việc sinh con.

Từ trải nghiệm của bản thân tôi và đa phần bạn bè tôi, việc các bậc phụ huynh hay xã hội tập trung vào chỉ trích hoặc phàn nàn vì chúng tôi không chịu kết hôn và sinh con không phải là phương pháp tốt để chúng tôi nghĩ đến việc này. Thay vào đó, hãy quan tâm nhiều hơn tới việc xây dựng một môi trường sống tốt hơn cho trẻ nhỏ và dần dần, các ông bố bà mẹ tương lai sẽ thấy sinh con là một điều tích cực cho trẻ.

Cuối cùng, nhiều người cho rằng còn quá sớm để nói về vấn đề già hóa dân số tại Việt Nam, hay trong tương lai công nghệ sẽ dần thay thế con người và chúng ta không phải lo thiếu lao động.

Nhưng, già hóa dân số là một quá trình mà tốc độ sẽ ngày càng nhanh hơn, vì vậy cần được thảo luận và chuẩn bị kỹ lưỡng ngay từ bây giờ. Ban hành một chính sách là việc cần thời gian, và thay đổi những thói quen, nét văn hóa xã hội cũng như vậy. Bản thân tôi đang phải nghĩ rằng chỉ 10 năm nữa thôi mình sẽ bước vào tuổi trung niên, còn ba mẹ tôi thì đã là những người cao tuổi. Chuẩn bị cho những điều đó từ bây giờ, tôi đã thấy khá là gấp gáp rồi.

Tác giả: Bùi Minh Đức học Thạc sĩ ngành Truyền thông tại Đại học Clark, Mỹ; anh là dịch giả với 7 cuốn sách đã xuất bản.