Người Việt tại Israel kể phút "mưa" tên lửa trút xuống, trốn ở hầm trú ẩn
Cộng đồng người Việt - Ngày đăng : 11:15, 10/10/2023
"Tiếng bom đạn thật đáng sợ"
Khi lực lượng Hamas tràn vào các khu định cư xung quanh Dải Gaza, nhiều người Việt tại Israel không nghĩ rằng họ sẽ đối mặt với nỗi kinh hoàng như vậy.
Khoảnh khắc nhóm vũ trang Hamas đồng loạt khai hỏa hàng nghìn quả rocket (tên lửa) mở đầu "ngày đẫm máu" sáng 7/10, T. (thực tập sinh nông nghiệp tại trung tâm Agrostudies) vô cùng hoảng loạn và sợ hãi. Thành phố Sderot nơi cô sinh sống nằm gần dải Gaza, chịu ảnh hưởng trực tiếp của "mưa" tên lửa.
6h30, chuông báo động vang liên hồi, theo sau là những tiếng nổ "phá nát" sự bình yên ngày cuối tuần. Chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra, nữ sinh Việt 20 tuổi đánh thức mọi người, cùng chạy đến hầm tránh bom.
"Chúng tôi đã được thầy cô ở trung tâm hướng dẫn, thông báo trước các tình huống có thể xảy ra, nên đã chuẩn bị tinh thần", T. kể.
Các thực tập sinh được yêu cầu không ra ngoài, đóng tất cả cửa ra/vào và cửa sổ, không mở cửa cho bất kỳ người lạ. Nơi trú ẩn duy nhất của họ là hầm tránh bom - được xây dựng ngay bên trong tòa nhà, đề phòng cuộc giao tranh "leo thang".
"Tiếng bom đạn thật đáng sợ", T. vẫn chưa hết ám ảnh, nói vừa sang Israel cách đây một tháng, chưa kịp nghĩ đến viễn cảnh tương lai, đã trải qua khoảng thời gian tưởng như chỉ có trong phim ảnh.
Cách đó 800m, một nhóm sinh viên Việt Nam khác cũng trốn dưới hầm trú bom "trong hoảng loạn". Họ cố gắng giữ liên lạc và động viên nhau. Gia đình và người thân tại Việt Nam liên tục gọi điện hỏi thăm, T. thông báo đã an toàn.
"Lại một buổi tối không dám chợp mắt"
3h27 ngày 9/10, chị Vũ Thùy Dung (30 tuổi), sống tại Midreshet Ben-Gurion (phía Nam Israel) cách Dải Gaza khoảng 100km, tỉnh dậy từ giấc ngủ chập chờn. Tiếng máy bay chiến đấu vẫn rền ầm trời, "lại một buổi tối không dám chợp mắt".
"Bước sang ngày thứ 3 của chiến sự, số lượng người chết và bị thương tăng lên từng giờ. Gia đình tôi như ngồi trên đống lửa", chị nói.
Nhớ lại khoảnh khắc bắt đầu "ngày đen tối của Israel", người phụ nữ Việt cho biết 6h30 ngày 7/10, khi gia đình đang ngủ say, thì chuông báo động reo liên hồi trong 2-3 phút. Chị ra ngoài, thấy hàng xóm người Israel đồng loạt chạy vào hầm trú ẩn.
"Tôi vội vã gọi chồng và con trai 2 tuổi lập tức chạy nạn theo", chị kể.
Trong vòng 30 phút dưới hầm trú ẩn, chị nhận thấy xung quanh bình thường, người Israel dường như đã quá quen với những cuộc chạy loạn trốn tên lửa. Khi tình hình được nhận định "đã an toàn", gia đình chị quay trở lại nhà.
Nhưng, tiếng chuông báo động một lần nữa vang lên.
"Tôi nghe nhiều tiếng tên lửa rơi xuống, bắt đầu sợ hãi và run lẩy bẩy", chị Dung nói, không ngờ đó là âm thanh báo hiệu mở màn cuộc giao tranh giữa Israel và Hamas. Sau tiếng tên lửa, là âm thanh của máy bay chiến đấu.
Hai đêm 7 và 8/10, vợ chồng chị Dung chỉ dám chợp mắt 1-2 tiếng vào buổi tối. Từ đêm đến rạng sáng, họ thức trắng, lo sợ nguy hiểm quay trở lại.
Gia đình chị sống trong một ngôi làng "có hai lớp bảo vệ": một lớp tường làng và một lớp khuôn viên trường đại học. Đây cũng là khu vực du lịch, thường đón khách từ tháng 9 đến tháng 4, nhưng nay vắng bóng người do chiến sự khốc liệt.
"Khu dân cư khuyến cáo cư dân không ra khỏi làng nếu không cần thiết, chúng tôi bởi thế hạn chế ra ngoài", chị nói. Trường đại học nơi anh Hùng, chồng chị Dung công tác, đã đóng cửa từ trưa 7/10.
Chị Dung vốn là thực tập sinh, sang Isarel từ những năm 2015-2016, sống ở phía Nam - được xem là vùng an toàn nhất. Thời điểm đó, những trận tên lửa vẫn đổ xuống lãnh thổ, song không nguy hiểm, hệ thống phòng thủ của Israel ngay lập tức đáp trả.
"Những năm đó, tôi chưa từng nghe tiếng chuông báo động. Quay lại Israel lần hai từ tháng 5/2022, đây là lần đầu tiên tôi biết đến thứ âm thanh đáng sợ đó", người phụ nữ Việt cho hay.
Thực phẩm sắp cạn kiệt, nhưng không dám ra đường
Huỳnh Văn Dàu, 21 tuổi, quê Bến Tre, đặt chân đến Ramot, theo diện tu nghiệp sinh, từ ngày 8/9. Đây là khu vực cách Dải Gaza 250km, gần với Li Băng - nơi bắn tên lửa khoảng 50km.
Sáng cuối tuần, điện thoại liên tục rung, phát nhiều thông báo về "tấn công tên lửa". Mạng xã hội bắt đầu xuất hiện hình ảnh và video về vụ việc. Một vài người trong đoàn sinh viên ở vùng chiến sự Sderot mô tả "tình hình căng thẳng khi xả súng khắp đường phố".
Đến trưa, điện thoại của Dàu vẫn chưa ngớt báo động đỏ về những vụ tấn công bằng tên lửa hướng Tel Aviv - cách nơi anh sống khoảng 150km.
"Công việc của tôi là hái táo, hiện được nghỉ làm chờ đến khi có thông báo tiếp theo", Dàu nói, cho biết thực phẩm trong nhà sắp cạn kiệt, nhưng không dám ra đường.
Các tu nghiệp sinh như anh sẵn sàng xuống hầm tránh bom bất cứ lúc nào khi tình hình chiến sự trở nên xấu đi. Họ cũng được các điều phối viên yêu cầu không ra khỏi nhà, ở trong nhà khóa chặt, không mở cửa cho bất kỳ ai.
Tình hình chiến sự căng thẳng khiến Dàu lo lắng. Anh liên tục nhận cuộc gọi và tin nhắn hỏi thăm, nhưng kết nối mạng bị gián đoạn, không thể cập nhật tình hình cho người thân.
Tối 8/10, máy bay quân sự quần thảo khu vực Dàu sinh sống. Rạng sáng hôm sau, một tiếng nổ lớn không rõ nguồn gốc vang lên, đánh thức anh cùng các tu nghiệp sinh khác.
"Các sinh viên Việt Nam cố giữ liên lạc với nhau thông qua tin nhắn. Mọi người báo hiện tại vẫn an toàn", Dàu nói.
Trong khi đó, một người Việt sống và làm việc lâu năm tại Israel nói "không quá hoảng sợ" bởi đã quá quen việc năm nào cũng có tên lửa trút xuống. Gia đình chị tuân thủ khuyến cáo của chính phủ Israel, cho biết thêm sau 3 ngày tình hình "đã bình thường trở lại".
Bộ Ngoại giao ngày 8/10 thông tin cộng đồng người Việt Nam và khách du lịch tại Israel vẫn an toàn, khi xung đột tại khu vực leo thang căng thẳng.
Trước tình hình xung đột diễn biến phức tạp với hàng nghìn người thiệt mạng, Đại sứ quán Việt Nam tại Israel đã đăng thông báo và phát khuyến cáo cùng hướng dẫn an ninh cho công dân kèm thông tin liên lạc khẩn cấp, phối hợp chính quyền sở tại cùng các đoàn ngoại giao cùng địa bàn để phối hợp bảo hộ công dân.
"Đại sứ quán Việt Nam tại Israel sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình, giữ liên lạc thường xuyên với cộng đồng người Việt, xây dựng các kế hoạch bảo hộ công dân phù hợp với diễn biến xung đột, bảo vệ an toàn cho công dân Việt Nam", Bộ Ngoại giao cho biết.
Đại sứ quán Việt Nam tại Israel khuyến cáo công dân Việt Nam tạm thời không đến vùng xung đột, những người ở địa bàn cần theo dõi sát tình hình, chủ động tiến hành các biện pháp đảm bảo an ninh và an toàn cần thiết. Công dân cần tuân thủ nghiêm các quy định của chính quyền địa phương, không tụ tập đông người và hạn chế đi lại.
Trên các hội nhóm của cộng đồng người Việt tại Israel, nhiều người đăng tải thông tin, kêu gọi tập hợp danh sách người Việt sinh sống và làm việc tại đây để cùng hỗ trợ, đề phòng trường hợp khẩn cấp.
"Có những người bạn chỉ mới kết bạn qua mạng xã hội một - hai ngày, chưa gặp ngoài đời, nhưng nhắn tin hỏi thăm và động viên nhau. Trong tình cảnh này, những tình cảm ấy thật trân quý và ấm ấp", chị Dung nói.
Chị cho hay sau 3 ngày chiến sự, người Việt tại Israel "đã bình tĩnh hơn". Họ mong rằng xung đột sớm kết thúc, cuộc sống bình thường trở lại.
Trước đó, theo Reuters, rạng sáng 7/10, Hamas bắn hàng nghìn quả rocket từ Dải Gaza và đưa lực lượng tràn vào khu vực do Israel kiểm soát. Quân đội Israel ước tính khoảng 1.000 tay súng Hamas đã tràn vào lãnh thổ và bắt giữ con tin. Phía Hamas cho biết đã bắt giữ hơn 100 con tin Israel và đưa đến Gaza.
New York Times thống kê, cuộc giao tranh hơn 2 ngày giữa Israel và Hamas đã khiến hơn 1.200 người thiệt mạng, trong đó hơn 700 người Israel và khoảng 500 người Palestine. Đây là cuộc xung đột nghiêm trọng nhất trong hàng chục năm trở lại đây giữa Israel và Hamas.
Chính phủ Israel đã tuyên bố "tình trạng chiến tranh" và áp dụng chế độ an ninh đặc biệt trên toàn lãnh thổ.
Nội các của Thủ tướng Benjamin Neytanhau ngày 8/10 phê chuẩn quyết định "hủy diệt Hamas", đặt mục tiêu xóa sổ toàn bộ năng lực quân sự lẫn điều hành chính trị của lực lượng này, để trả thù cho "ngày đen tối của Israel".
Công dân Việt Nam tại Israel khi cần trợ giúp liên hệ với:
- Đại sứ quán Việt Nam tại Israel theo các số điện thoại +972-50-818-6116, +972-52-727-4248 và +972-50-994-0889.
- Tổng đài Bảo hộ công dân của Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao tại số điện thoại +84 981 84 84 84.