Đổi chai nhựa lấy cây, lan tỏa lối sống xanh
Xã hội - Ngày đăng : 09:35, 10/10/2023
Nhà Nhiều Lá (quận 10, TP HCM) là một tổ chức phi lợi nhuận của một nhóm bạn trẻ ở TP.HCM mang mong muốn lan tỏa ý nghĩa tốt đẹp về bảo vệ môi trường thông qua nhiều dự án thu gom, tái chế rác thải. Giấy của học sinh đã qua sử dụng, sách, báo, bìa vở, hộp sữa, chai nhựa hay pin,... trước đây vốn là thứ bỏ đi nay đã trở thành một món quà quý, có thể đem đổi lấy cây, gieo những mầm xanh cho cuộc sống.
Ngày 7 và 8/10, Nhà Nhiều Lá tiếp tục tổ chức hoạt động đổi rác lấy cây với chủ đề “Đổi một chai nhựa lấy một sen đá” nhằm khuyến khích người dân phân loại rác tại nguồn, giảm lượng rác nhựa thải ra môi trường và tạo thói quen tiêu dùng xanh.
Hoạt động này thu hút đông đảo sinh viên và các bạn trẻ tham gia. Mọi người đem chai nhựa đã qua sử dụng đến Nhà Nhiều Lá để đổi lấy một chậu sen đá. Các chai nhựa sau khi thu gom sẽ được mang đi tái chế thành vớ và được bày bán ở ngay trong không gian của Nhà Nhiều Lá.
Lê Thị Mỹ Trinh, cộng tác viên của Nhà Nhiều Lá cho hay, việc đổi một hay nhiều chai nhựa để lấy một cây sen đá sẽ giúp giảm lượng rác nhựa thải ra môi trường.
“Nếu mỗi người chỉ được lấy một cây sen đá, mọi người sẽ không cần phải mua nhiều chai nhựa để tích lũy mà chỉ cần sử dụng lại những chai nhựa đã có. Mọi người cũng sẽ nhận ra rằng, việc đổi chai nhựa lấy sen đá không phải là một giao dịch thương mại mà là một hành động thiện nguyện. Lúc này, chai nhựa không còn là một loại hàng hóa nữa mà là một loại chất thải cần được xử lý, điều này sẽ giúp mọi người tăng cường ý thức bảo vệ môi trường. Đồng thời, cũng sẽ coi sen đá là một món quà ý nghĩa mà không phụ thuộc vào số lượng ít hay nhiều”, Mỹ Trinh nói.
Ngoài ra, sự kiện còn bán thêm các sản phẩm thân thiện với môi trường như bát gáo dừa, muỗng, đũa bằng gỗ, chậu, đất và các sản phẩm xanh khác như nước rửa chén, nước lau sàn,... để gây quỹ duy trì dự án.
Thông qua hoạt động “Đổi chai nhựa lấy sen đá”, Nhà Nhiều Lá đã truyền cảm hứng về bảo vệ môi trường đến nhiều bạn trẻ. Anh Trần Lê Hoàng Duy (sinh viên năm 2, trường ĐH Văn Hiến) chia sẻ: “Mình rất ủng hộ hoạt động ý nghĩa này của Nhà Nhiều Lá. Mình nghĩ đây là một cách hiệu quả để giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa và cũng là một cách để làm đẹp cho không gian sống. Mình mong muốn sẽ có thêm nhiều người hơn nữa tham gia vào hoạt động này để cùng nhau góp phần bảo vệ môi trường”.
Anh Duy cũng chia sẻ thêm, bản thân rất thích các hoạt động bảo vệ môi trường nên sau khi biết được thông tin về dự án qua Facebook anh đã tích cực gom chai nhựa đã qua sử dụng tại nhà để mang đến cho sự kiện. Không chỉ vậy, anh còn rủ thêm bạn bè cùng tham gia.
Đến với hoạt động ngày, chị Nguyễn Thị Phương Uyên, (sinh viên năm 2, trường ĐH Văn Hiến) bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với các bạn trẻ tạo ra hoạt động này: “Mình cảm thấy đây thực sự là một sáng kiến mang lại rất nhiều ý nghĩa cho môi trường. Nó không chỉ giúp giảm thiểu lượng rác thải nhựa gây ô nhiễm mà còn khuyến khích mọi người trồng và chăm sóc cây xanh, tạo không gian sống xanh mát, lành mạnh. Bên cạnh đó, cũng nâng cao ý thức trách nhiệm, tình yêu thiên nhiên của người dân, đặc biệt là sinh viên và người trẻ. Mình hy vọng hoạt động này sẽ được duy trì và nhân rộng ở nhiều nơi khác để góp phần bảo vệ môi trường sống của chúng ta”.
Không chỉ đến để đổi chai nhựa lấy sen đá, chị Lâm Trần Minh Thư (quận 6, TP HCM) còn mua thêm nhiều sản phẩm tái chế tại gian hàng của Nhà Nhiều Lá. “Bình thường mình cũng rất thích các hoạt động thu gom tái chế rác thải hoặc khuyến khích hạn chế sử dụng đồ một lần, ưu tiên dùng các sản phẩm xanh. Nên khi biết đến dự án là mình tham gia ngay. Mình nghĩ, việc sử dụng các sản phẩm được tái chế là một trong những cách vừa đơn giản vừa hiệu quả để bảo vệ môi trường và tiết kiệm tài nguyên. Bằng cách tái sử dụng những vật dụng cũ hoặc không còn sử dụng, chúng ta có thể giảm được lượng rác thải xả ra môi trường, đặc biệt là rác nhựa, gây ô nhiễm và có hại cho hệ sinh thái”.
Ngoài hoạt động “đổi một chai nhựa lấy một sen đá”, Nhà Nhiều Lá còn có các hoạt động vì môi trường khác như: đổi rác lấy cây, đổi quần áo lấy cây, đổi pin lấy cây cũng chung mục đích lan tỏa lối sống xanh và ý thức bảo vệ môi trường đến cộng đồng.