Cuộc hàn huyên đặc biệt ở Hỏa Lò của 2 nhân chứng 'giải phóng Thủ đô'
Hồ sơ - nhân vật - Ngày đăng : 06:34, 10/10/2023
Sáng mùa thu tháng 10, trong tiết trời nắng vàng hiu hiu gió, người đàn ông mái tóc bạc trắng, lưng còng, chậm rãi bước từ căn nhà nhỏ nằm sâu trên phố Hàng Bài (Hà Nội) ra đường lớn bắt xe đến nhà tù Hỏa Lò. Tại nơi từng là “địa ngục trần gian” giữa Thủ đô, ông Nguyễn Đình Tân (87 tuổi, Hoàn Kiếm, Hà Nội) tay bắt mặt mừng gặp lại những người bạn, người đồng đội từng tham gia đoàn học sinh, sinh viên kháng chiến Hà Nội cách đây hơn 70 năm.
Nhà tù Hỏa Lò còn trở thành nơi lưu giữ đặc biệt, ông thường xuyên lui tới mỗi khi có dịp kỷ niệm hay trưng bày triển lãm. Trong thâm tâm, đây như là “trường học cách mạng” lưu giữ về nơi mà người anh trai của ông – liệt sĩ Nguyễn Sỹ Vân cũng từng bị giam cầm ở đây.
Ngay từ khi còn là học sinh cấp 2 trường Nguyễn Trãi rồi lên cấp 3 học Chu Văn An, ông Nguyễn Đình Tân đã tham gia những hoạt động sôi nổi của Đoàn học sinh kháng chiến Hà Nội như rải truyền đơn, tổ chức bãi khóa phản đối việc bắt bớ học sinh, tổ chức lễ truy điệu học sinh Trần Văn Ơn bị kẻ địch sát hại trên đường phố Sài Gòn…
Ông Tân có anh trai là liệt sĩ Nguyễn Sỹ Vân từng bị giam cầm ở nhà tù Hỏa Lò. Chiến sĩ Nguyễn Sỹ Vân cùng với 2 đồng đội khác đã bơi ra Tháp Rùa cắm lá cờ đỏ sao vàng năm 1948 nhân kỷ niệm sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lần đầu tiên cờ Tổ quốc hiên ngang tung bay giữa lòng Hà Nội kể từ ngày Trung đoàn Thủ đô rút lên chiến khu, đã trở thành sự kiện gây tiếng vang lớn.
Những ngày chờ đoàn quân trở về là những ngày vô cùng rộn ràng, bởi người dân Hà Nội đã trong ách kìm kẹp của thực dân Pháp suốt 80 năm. Những lệnh giới nghiêm rồi những cuộc vây bắt, đàn áp khiến bao năm Hà Nội lặng lẽ, phố xá buồn bã, nhà nhà đóng cửa. Nhưng khi liên tiếp đón nhận tin chiến thắng từ chiến trường Điện Biên Phủ, từ bàn ngoại giao, không khí trong lòng Thủ đô đã náo nức niềm tin, hy vọng, mong chờ ngày những người con anh hùng của Hà Nội.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, đúng theo Hiệp định Geneva, Pháp phải rút quân khỏi Hà Nội và các thành phố của Việt Nam. Đầu tháng 10/1954, đội hành chính và đội trật tự đã bàn giao các cơ quan công sở, công trình công cộng. Ngày 8/10, tiểu đoàn Bình Ca là đơn vị đầu tiên quay trở về thủ đô. 214 chiến sĩ đã cùng canh gác với binh lính Pháp tại 35 địa điểm trọng yếu như: Dinh Quốc trưởng (nay là Phủ Chủ tịch), tòa án Hà Nội (nay là TANDTC), Nha Công an Bắc Việt (nay là trụ sở Sở Công an TP), nhà tù Hỏa Lò…
CẢ HÀ NỘI HÂN HOAN NIỀM VUI NGÀY GIẢI PHÓNG
Ông Tân kể lại, từ trước đó vào các ngày 7-8-9/10 Thủ đô đã “rậm rịch” với các quân đoàn của ta dần dần tiến vào thành phố. “Những đoàn quân này vào những địa điểm quan trọng nhưng vẫn án binh chưa phải chính thức, nhiều người dân háo hức quá mang cờ ra vẫy chào đón ở Phố Huế, Hàng Bài. Sau đó các chiến sĩ đã phải mời bà con cất cờ đi vì vẫn chưa đến thời điểm, có thể gây ra xáo trộn”, ông Tân nhớ lại.
16h ngày 9/10, tốp lính Pháp cuối cùng rút qua cầu Long Biên, quân dân ta hoàn toàn kiểm soát thành phố. Ngày 10/10, Trung đoàn Thủ đô dẫn đầu trong Đại đoàn quân Tiên phong 308 tiếp quản Thủ đô.
Thời khắc đó, ông Tân còn là một thanh niên 18 tuổi hòa trong dòng người đón đoàn quân chiến thắng trở về.
5h sáng ngày 10/10/1954, lệnh giới nghiêm vừa hết, cả thành phố Hà Nội náo nhiệt hẳn lên. Nhà thờ mở cửa chào đón ngày mới, phố xá được trang điểm thêm bằng cờ, biểu ngữ, cổng chào. Mọi người mặc bộ quần áo đẹp nhất, đường phố sạch sẽ tinh tươm đón đoàn quân chiến thắng trở về. Cờ đỏ sao vàng, băng rôn, khẩu hiệu giăng khắp phố phường. Cả Hà Nội hân hoan trong niềm vui giải phóng.
8h sáng, các đơn vị trong Đại đoàn 308 quân phục chỉnh tề, huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên Phủ” cài trên ngực áo trở về trong sự đón mừng nồng nhiệt của đồng bào. “Ngày đó không ai bảo ai, tất thảy người Hà Nội đều đổ ra đường, học sinh sinh viên thì mặc chỉnh tề, chị em phụ nữ trường Trưng Vương và nhiều trường mặc áo dài, người ôm hoa, người ôm đàn mang ra kéo các bài hát kháng chiến. Khung cảnh rầm rộ, phấn khởi, vui lắm, không thể tưởng tượng được. Nhìn thấy đoàn của Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, mọi người chạy ào ra tặng hoa”, ông Tân xúc động kể.
Dẫn đầu đội hình cơ giới là đoàn xe com-măng-ca mui trần. Trên xe đầu tiên, Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Tư lệnh Đại đoàn 308, Chủ tịch Ủy ban Quân chính TP, giơ tay chào đồng bào. Tiếp đó là xe của bác sĩ Trần Duy Hưng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quân chính, rồi đến xe của Bộ Tư lệnh Đại đoàn.
Sau đoàn Molotova chở bộ binh là đội hình pháo binh. Những khẩu đội pháo cao xạ nòng súng vươn thẳng hướng lên trời cao với các chiến sĩ ngồi nghiêm trang trên mâm pháo.
Đoàn quân đi đến đâu là tiếng reo hò nổi lên như sóng dậy. Đường phố rực màu cờ, chật ních người. Những gương mặt rạng rỡ, nụ cười, tay vẫy và cả những giọt lệ.
Buổi chiều là lễ chào cờ lịch sử. Lá cờ chiến thắng của Tổ quốc tung bay trên đỉnh Cột Cờ. Đúng 15h, còi Nhà hát Lớn nổi lên một hồi dài, toàn thành phố hướng về thành Hoàng Diệu.
Trong đoàn quân trở về Thủ đô năm đó có bà Đỗ Hồng Phấn, bà vẫn không sao quên được những ký ức ngày tháng 10 lịch sử. Tại nhà tù Hỏa Lò, bà Phấn và ông Tân cùng hàn huyên lại những câu chuyện xưa cũ cách đây 69 năm.
Cô nữ sinh Đỗ Hồng Phấn trường Chu Văn An khi đó, tuy trẻ tuổi, dáng người nhỏ nhắn nhưng vô cùng gan dạ, hăng hái hoạt động tham gia vào các phong trào như: Đưa thư vận động bãi khóa, in truyền đơn, ném truyền đơn và hoạt động tích cực trong đoàn học sinh kháng chiến, và còn phụ trách một tổ nữ sinh trường Chu Văn An.
Tuy là học lớp 2B đệ nhị, chuyên khoa toán trường Chu Văn An (lớp 11 trung học phổ thông ngày nay) nhưng bà đã được Thành Đoàn tin tưởng phân công làm Bí thư Chi đoàn học sinh Kháng chiến Trường nữ sinh Trưng Vương, vì bà từng là cựu học sinh của trường và lúc này trường Trưng Vương chỉ có cấp cơ sở, học sinh còn ít tuổi cần có người hướng dẫn.
Nhân sự kiện chiến dịch Biên Giới giành thắng lợi vang dội, bà đã có sáng kiến vận động các bạn học, treo một lá cờ đỏ sao vàng to bằng vải trong khuôn viên trường Trưng Vương, kết hợp ném truyền đơn và đốt pháo ăn mừng. Khi thấy lá cờ đỏ sao vàng tung bay, cả sân trường lúc bấy giờ đồng thanh lên hát bài Tiến Quân Ca. Biết tin, thực dân Pháp ngay lập tức ra tay khủng bố, bắt hàng loạt nữ sinh tại trường.
Bà Đỗ Hồng Phấn bị chúng bắt, đánh đập, tra tấn bắt bà phải khai ra những người liên quan đến phong trào, nhưng bà quyết giữ vững ý chí, kiên quyết không khai.
Để bảo toàn khí tiết của mình và không muốn liên lụy đến bất cứ ai, khi bị giam vào xà lim, bà đã đập vỡ chiếc bát ăn cơm, viết lên tường xà lim bốn khẩu hiệu: Cách mạng vô sản thế giới thành công muôn năm! Kháng chiến thành công muôn năm! Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm! Hồ Chủ tịch muôn năm! Rồi sau đó tự cắt mạch máu tay của mình.
Sau hơn 2 tháng bị giam tại nhà tù Hỏa Lò, thực dân Pháp đã trả tự do cho bà vào ngày 21/1/1951, do bà chưa đủ 18 tuổi. Ngay sau khi được thả, bà đã tìm cách liên lạc và quay trở lại tổ chức Đoàn và được gọi ra vùng tự do kháng chiến. Tháng 8/1952, Thành đoàn gọi bà ra vùng tự do.
Sau ngày giải phóng Thủ đô 10/10/1954, bà trở về với phong trào và trường học Hà Nội.