Những nguy cơ đẩy xung đột Israel – Hamas thành cuộc tấn công quy mô lớn
Tin thế giới - Ngày đăng : 06:27, 10/10/2023
Theo tờ Al Jazeera, phát biểu của Thủ tướng Benjamin Netanyahu được đưa ra sau cuộc tấn công của Phong trào Hồi giáo Hamas nhằm vào Israel.
Hôm 7/10, các tay súng Hamas, lực lượng đang kiểm soát Dải Gaza, đã bất ngờ tấn công vào nhiều thị trấn của Israel khiến hàng trăm người thiệt mạng, đồng thời bắt giữ nhiều binh sĩ và dân thường. Đây được xem là ngày bạo lực đẫm máu nhất đối với Israel kể từ Chiến tranh Yom Kippur 50 năm trước.
Quân đội Israel cũng đáp trả bằng các cuộc tấn công vào Dải Gaza, khiến hơn 230 người Palestine thiệt mạng.
Hôm 8/10, các lực lượng Israel tiếp tục ném bom Dải Gaza và giao tranh với nhóm Hamas ở các vùng phía nam Israel. Theo phát ngôn viên của quân đội Israel, tình hình nước này chưa hoàn toàn được kiểm soát.
Phía Hamas tuyên bố cuộc tấn công chưa từng có bằng đường bộ, đường không và đường biển của lực lượng này là để đáp trả hành vi bạo lực tại nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa, việc Israel đàn áp người Palestine trong nhiều thập kỷ.
Mohammed Deif, một chỉ huy quân sự của Hamas, nhấn mạnh đã đến lúc “đối phương phải hiểu, họ không thể tiếp tục hành động mà không chịu hậu quả”. Các nhà lãnh đạo Hamas cũng nhấn mạnh cuộc tấn công bắt đầu ở Dải Gaza sẽ lan sang Bờ Tây và Jerusalem.
Sau khi tuyên bố “tình trạng chiến tranh” và triệu tập quân dự bị, Thủ tướng Israel Netanyahu khẳng định sẽ chiến đấu đến cùng với Hamas. Theo ông, Israel đã phong tỏa trên bộ, trên không và trên biển, nên 2,3 triệu người Palestine ở Dải Gaza cần phải rời khu vực này ngay lập tức.
Dải Gaza có diện tích khoảng 365km2. Israel đã phong tỏa Dải Gaza kể từ khi Hamas kiểm soát khu vực này vào năm 2007.
Trong khi giới lãnh đạo thế giới kêu gọi Israel và Hamas kiềm chế, nhiều nhà quan sát dự đoán một cuộc tấn công trên bộ quy mô lớn vào Dải Gaza có thể sẽ xảy ra, bên cạnh các cuộc không kích mà quân đội Israel vẫn đang tiến hành.
Theo tờ Vox, điều này có thể dẫn tới một trận chiến kéo dài, đẫm máu với số thương vong đáng kể cho cả hai bên. Trong đó, người Palestine được cho phải chịu thương vong và tàn phá lớn hơn.
Ông Yonah Jeremy Bob, nhà phân tích quân sự của tờ Jerusalem Post, nhận định “sẽ có màn tấn công thứ hai, và đó là cuộc tấn công Dải Gaza. Tôi cho rằng quy mô sẽ lớn hơn năm 2014, thời điểm Israel từng huy động 80.000 quân dự bị”.
Cũng theo ông Bob, “trong vòng 1 hoặc 2 ngày, Israel sẽ có một lực lượng lớn để có thể áp đảo Hamas ở Dải Gaza”. Ông Danny Danon, một thành viên tại Quốc hội Israel, cũng cảnh báo Israel sắp có phản ứng mạnh chống lại Hamas.
Tuy nhiên, theo Vox, bất chấp sức mạnh quân sự áp đảo của Israel và việc Mỹ tuyên bố hỗ trợ quân sự cũng như điều nhóm tác chiến tàu sân bay USS Gerald R. Ford tới Trung Đông, Hamas vẫn chưa có dấu hiệu lùi bước.
Colin Clarke, Giám đốc nghiên cứu tại Soufan Group, dự đoán “Hamas đã mất đi yếu tố bất ngờ, nhưng có khả năng đã chuẩn bị sẵn sàng để tiếp tục chiến đấu lâu dài, và có thể có rất nhiều nguồn hỗ trợ".
"Tôi cho rằng, Hamas vẫn có kho tên lửa mạnh và có thể đang lên kế hoạch phục kích nhiều hơn. Tôi sẽ không ngạc nhiên khi thấy các vụ đánh bom liều chết, nếu Hamas có thể đưa thêm nhiều tay súng xâm nhập lãnh thổ Israel. Nhưng một khi Israel chuẩn bị và huy động, quân đội của họ có thể sẽ nhanh chóng tấn công Hamas, tiêu diệt và bắt giữ các thủ lĩnh của tổ chức này, cũng như tàn phá cơ sở hạ tầng của Hamas”, ông Clarke nói thêm.
Bạo lực bùng phát vào sáng ngày 7/10 được cho là hậu quả của cả một năm gia tăng căng thẳng giữa Israel với người Palestine ở Bờ Tây và Dải Gaza.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chỉ trích cuộc tấn công của các tay súng Hamas, và cam kết đảm bảo Israel có “những gì cần thiết để tự vệ”. Ông Biden còn khẳng định với Thủ tướng Netanyahu rằng, Mỹ sẽ "sát cánh với người dân Israel".
Nhà lãnh đạo Mỹ cảnh báo, “đây không phải là thời điểm để bất kỳ bên nào thù địch với Israel lợi dụng các cuộc tấn công của Hamas để trục lợi. Bởi thế giới đang theo dõi tình hình”.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Ai Cập cho biết nước này cũng đang đàm phán với Ảrập Xêút và Jordan trong nỗ lực xoa dịu căng thẳng giữa người Palestine và Israel.
Trên thực tế, phạm vi ảnh hưởng từ căng thẳng giữa Israel và Hamas đã vượt xa khu vực xung đột. Nhiều quốc gia trên thế giới đã buộc phải thực hiện các biện pháp để đảm bảo an toàn cho công dân, cũng như ngăn chặn tình trạng bất ổn tiềm ẩn trong nước.