Nỗi thống khổ của người dân sống ‘treo’ cạnh mỏ sắt Thạch Khê

Nhịp sống - Ngày đăng : 13:49, 09/10/2023

Đến tận nơi, chứng kiến tận mắt mới có thể cảm nhận sự thống khổ của người dân trong vùng ảnh hưởng của mỏ sắt Thạch Khê đang phải chịu hơn thập kỷ qua.

Video: Sự lụi tàn bí ẩn của làng trầu tiến vua hơn 200 tuổi cạnh mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á

Đồng khô, cỏ cháy, ruộng đồng bị sa mạc hoá, nước phèn vượt ngưỡng cho phép, nhiều năm vướng quy hoạch, địa phương không làm được gì để cải thiện cuộc sống… là những hệ luỵ mà người dân 5 xã bãi ngang gồm Thạch Khê, Đỉnh Bàn, Thạch Hải, Thạch Trị và Thạch Lạc của huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) đang phải hứng chịu hơn chục năm qua từ dự án mỏ sắt Thạch Khê.

Trong bán kính 3-4 km quanh mỏ sắt là những cánh đồng, nhà cửa bỏ hoang mọc đầy cỏ dại… Cùng với đó là những phận đời luôn sống trong cảnh thiếu thốn tứ bề từ nước sạch, không gian sống đến kế sinh nhai.

Nỗi thống khổ của người dân sống ‘treo’ cạnh mỏ sắt Thạch Khê - 1

Bà Đồng Thị Trọng (trú xã Đỉnh Bàn) đang cố gắng canh tác trên mảnh ruộng khô cằn trong vùng quy hoạch mỏ sắt Thạch Khê

Trong bán kính 3-4 km quanh mỏ sắt là những cánh đồng, nhà cửa bỏ hoang mọc đầy cỏ dại… Cùng với đó là những phận đời luôn sống trong cảnh thiếu thốn tứ bề từ nước sạch, không gian sống đến kế sinh nhai.

Nỗi thống khổ của người dân sống ‘treo’ cạnh mỏ sắt Thạch Khê - 2

Có mặt tại xã Đỉnh Bàn (huyện Thạch Hà) nhìn những cánh đồng khô, cỏ cháy ít ai biết rằng, đó từng là những cánh đồng lúa xanh mơn mởn hay những ruộng ngô, đậu, lạc… mang lại thu nhập ổn định cho người nông dân nơi đây.

Đang cố gắng cuốc, xới để cải tạo đất tại mảnh ruộng khô cằn nằm gần công trường tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê bà Đồng Thị Trọng (xã Đỉnh Bàn) buồn bã nói, trước đây đất sản xuất nông nghiệp trong vùng rất màu mỡ nhưng giờ cằn cỗi. Để xảy ra hiện tượng này là do quá trình khai thác trước đây của dự án mỏ sắt làm tụt mạch nước ngầm dẫn tới bị sa mạc hóa đất đai trong vùng.

Nỗi thống khổ của người dân sống ‘treo’ cạnh mỏ sắt Thạch Khê - 3

Theo dân địa phương, khu đất này vốn là một vườn trầu xanh tốt nhưng từ khi có sự xuất hiện của mỏ sắt bỗng dưng lụi tàn rồi bị bỏ hoang hoá suốt thời gian dài

"Từ khi dự án khởi công rồi lại "đắp chiếu", cuộc sống của những người dân bị ảnh hưởng rất nhiều. Chúng tôi không được sửa sang, cơi nới nhà cửa. Nhiều trường hợp muốn thế chấp sổ đỏ để lấy tiền làm ăn cũng không được vì ngân hàng trả lời đang nằm trong diện giải tỏa của dự án. Trong khi đó ruộng vườn mùa nắng thì khô héo, mùa mưa thì ngập lụt khiến các loại cây trồng cho năng suất thấp hơn so với trước kia rất nhiều. Bản thân tôi tha thiết đề nghị sớm chấm dứt dự án mỏ sắt Thạch Khê để chúng tôi và các thế hệ con cháu sau này có thể ổn định cuộc sống,  yên ổn làm ăn", bà Trọng bày tỏ.

Ông Phan Công Hân (xã Đỉnh Bàn) cho biết, đất đai cằn cỗi khiến cho vườn cây ăn quả của ông không năng suất.

Không những vậy, sau khi mỏ sắt Thạch Khê hoạt động thăm dò thì tình trạng thiếu nước sạch ở một số thôn ở xã Đỉnh Bàn diễn ra triền miên. Do thiếu nguồn nước sạch, gia đình ông Hân phải dùng nguồn nước nhiễm phèn sau đó lọc qua nhiều lần mới có thể miễn cưỡng sử dụng.

Ở xã Đỉnh Bàn có làng Văn Sơn vốn nổi tiếng với nghề truyền thống là trồng cây trầu không tiến vua có tuổi đời hơn 200 năm. Thế nhưng, kể từ khi mỏ sắt Thạch Khê đi vào hoạt động thì chẳng hiểu vì sao những vườn trầu chục tuổi cứ chết dần, chết mòn.

Nỗi thống khổ của người dân sống ‘treo’ cạnh mỏ sắt Thạch Khê - 4

Vườn trầu của nhà bà Nguyễn Thị Phú trước và sau khi lụi tàn nghi do nguồn nước nhiễm phèn

Một số hộ gia đình thử ươm lại vườn trầu khác nhưng đều chết hoặc không hiệu quả như trước. Chán chường, nhiều hộ để thành vườn hoang, cỏ dại mọc um tùm, một số chuyển sang trồng các cây nông nghiệp ngắn ngày nhưng hiệu quả không cao.

Ở làng Văn Sơn hiện tại, có lẽ ông Phạm Công Nhữ (72 tuổi) là người có thâm niên nhất trong canh tác cây trầu. Ông Nhữ hiện cũng là người đại diện cho dòng họ Phạm Công ở làng Văn Sơn cất giữ “Bảng vàng gia tộc nghề truyền thống Việt Nam” với nghề trồng trầu không.

Nói chuyện với chúng tôi, ông Nhữ không rõ nghề trồng trầu không truyền thống ở làng Văn Sơn có tự bao giờ. Chỉ biết rằng, ngay từ khi ông mới sinh ra thì đã thấy ông, bà và bố mẹ ông trồng trầu. Nhờ trồng trầu tiến vua mà cuộc sống của người dân làng Văn Sơn khấm khá. Trầu tiến vua sau khi hái được xếp thành từng tệp, mỗi tệp 50 lá, giá 10.000 đồng, ngày Tết tăng lên 30.000-50.000 đồng, tùy kích cỡ.

Theo ông Nhữ, cây trầu thường chỉ chết khi chăm sóc không đúng cách hoặc thi thoảng bị bệnh nấm và đốm lá, lâu dần thối toàn thân. Những cây bị bệnh thì huỷ cả gốc để tránh lây sang toàn vườn. Bằng kinh nghiệm tích luỹ qua nhiều thế hệ kéo dài hơn 200 năm mà những vườn trầu ở làng Văn Sơn luôn phát triển tốt và hiếm khi chết hàng loạt. Tuổi thọ trung bình của các vườn trầu ở đại phường này kéo dài từ 15 – 20 năm.

Kể từ khi mỏ sắt Thạch Khê triển khai, mấy năm đầu mọi thứ vẫn bình thường nhưng vài năm sau nguồn nước ngầm tụt một cách bất thường và bị nhiễm phèn. Cùng từ  đó những vườn trầu hơn chục năm tuổi vốn đang mang lại thu nhập ổn định cho làng dân Văn Sơn cứ thế lăn ra chết.

Dù làm đủ mọi cách để cứu chữa vườn cây nhưng đều không có tác dụng. Do chưa rõ nguyên nhân cây trầu chết là do đâu nên dân chúng tôi không dám khẳng định có phải do mỏ sắt hay không. Tuy nhiên, việc mỏ sắt  khiến nguồn nước ngầm bị tụt, nhiễm phèn là thật. Trong khi, cây trầu là loại cây ưa nước sạch nên rất có thể nguồn nước bị nhiễm phèn là nguyên nhân khiến trầu chết hàng loạt”, ông Nhữ chia sẻ.

Nỗi thống khổ của người dân sống ‘treo’ cạnh mỏ sắt Thạch Khê - 5

Ông Phạm Công Nhữ cạnh khu đất vốn là vườn trầu hơn chục năm tuổi

Đưa chúng tôi ra khu vườn rộng khoảng 500 mét vuông ông Nhữ cho biết, khu vườn này vốn dĩ là vườn trầu không có tuổi đời khoảng 10 năm tuổi. Từ khu vườn này mà trung bình mỗi ngày gia đình ông thu nhập khoảng 300 nghìn đồng. Các dịp đặc biệt như lễ hội, Tết thì có khi thu cả triệu đồng mỗi ngày. Thế nhưng sau khi mỏ sắt hoạt động được vài năm thì vườn trầu bỗng dưng chết sạch.

Sau khi trầu chết, ông Nhữ muốn trồng lại vườn khác nhưng lại không dám vì lo sợ với nguồn nước nhiễm phèn thì sợ trồng thì trầu cũng chết nên ông đành dùng khu vườn này để trồng những cây ngắn ngày như đậu, lạc… để chờ một ngày nguồn nước ổn định hơn thì sẽ trồng lại vườn trầu.

Trồng những cây ngắn ngày thì không thể so với trầu được. Những cây như đậu lạc thì một năm chỉ được một vụ và thu hoạch chỉ khoảng vài trăm nghìn đôi triệu là cùng. Trong khi đó, vườn trầu có khả năng sống cả 20 năm và cho thu nhập đều trung bình là 300 nghìn đồng/ngày”, ông Nhữ nói.

Ánh mắt buồn buồn bà Nguyễn Thị Phú (75 tuổi, trú làng Văn Sơn) chỉ về khu vườn trước cửa nhà và cho biết, nơi đó từng là vườn trầu hơn chục năm tuổi của gia đình nhưng cách đây vài năm trầu lăn ra chết không rõ nguyên nhân. Hiện gia đình có trồng lại trầu mới nhưng cây sống, cây chết và chất lượng của lá trầu cũng không được tốt như trước.

Nỗi thống khổ của người dân sống ‘treo’ cạnh mỏ sắt Thạch Khê - 6

Xưa kia các khu vườn ở làng Văn Sơn phủ kín bởi sắc xanh của những cây trầu nhưng nay từ cao nhìn xuống có rất nhiều khu vườn bị bỏ không, trơ cát trắng

Bà Phú bảo, trầu là loại cây sống ưa nước sạch nên nguyên nhân khiến vườn trầu của nhà bà và cả làng Văn Sơn chết là do nguồn nước bị nhiễm phèn xuất phát từ hệ lụy của hoạt động khai thác thăm dò tại mỏ sắt cách đây hơn chục năm. Khi trầu chết thì rất khó trồng lại ngay. Thông thường, sau khi trầu chết dân làng Văn Sơn phải xới đất, bón phân, rắc vôi khử khuẩn từ 3 – 4 năm sau thì mới có thể trồng lại.

Hầu hết dân ở làng Văn Sơn đều chung quan điểm rằng, kể từ khi mỏ sắt hoạt động cho đến lúc tạm dừng hơn chục năm chưa mang lại lợi ích gì cho nguời dân. Chính vì thế, dân làng đều mong muốn chấm dứt hoạt động dự án để họ được yên ổn làm ăn, khôi phục lại những vườn trầu tiến vua nổi tiếng một thời.

Nỗi thống khổ của người dân sống ‘treo’ cạnh mỏ sắt Thạch Khê - 7

Song song với cảnh đồng khô, cỏ cháy, ruộng đồng bị sa mạc hoá, khó canh tác thì hàng chục năm quá người dân quanh mỏ sắt Thạch Khê phải sống trong cảnh thiếu nước sạch do nguồn nước bị nhiễm phèn.

Chị Phạm Thị Luận (xã Thạch Khê) cho biết, tích trữ được ít nước mưa nhưng dùng hết rồi. Phải vài tháng nữa mới có mưa. Để có nước tắm giặt, chị Luận phải bơm nước giếng khoan vào hệ thống lọc tự chế để lắng lọc. Hệ thống này gồm 3 thùng phi xếp theo tầng, mỗi tầng được bố trí 1 lớp lọc gồm đá cuội, than, màn…

Nỗi thống khổ của người dân sống ‘treo’ cạnh mỏ sắt Thạch Khê - 8

Nguồn nước của người dân nhiều xã quanh mỏ sắt Thạch Khê bị nhiễm phèn nghiêm trọng

Nói về nước giếng khoan chị Luận thốt lên hai chữ “kinh khủng” và cho biết: “Nước giếng khoan ở đây có màu vàng như nước chè và mùi hôi nên chúng tôi phải lọc rồi mới dám dùng. Nhưng lọc cũng không ăn thua, quần áo cứ đem giặt vài lần là ngả màu…Phần lớn bà con ở đây đều dùng nước mưa để nấu ăn. Hết nước mưa, họ phải mua nước lọc đóng bình”.

Không có điều kiện mua nước lọc đóng bình, nguồn nước sinh hoạt nhà bà Hoàng Thị Lan (xã Thạch Khê) chủ yếu nhờ vào chiếc bình lọc mini được tài trợ. Ngoài vườn, bên cạnh bể chứa nước mưa, vợ chồng bà Lan còn xây thêm 2 bể lọc nước giếng: “Dù đã lọc nhưng không sạch đâu. Tắm vẫn bị nổi mẩn ngứa, phải mua thuốc về bôi. Nhưng vẫn phải nấu lên mà ăn chứ sao”.

Để giải bài toán về nguồn nước, nhiều gia đình ở Thạch Khê chung tiền để lên phía núi cao khoan tìm nguồn nước sạch, rồi lắp đặt máy bơm, đường ống đưa nước về nhà. Tuy nhiên, lượng nước sạch ấy cũng chỉ đáp ứng được một phần nhỏ.

Nỗi thống khổ của người dân sống ‘treo’ cạnh mỏ sắt Thạch Khê - 9

Nguồn nước của người dân quanh khu vực mỏ sắt Thạch Khê bị nhiễm phèn nặng

Theo lãnh đạo xã Thạch Khê, kể từ khi mỏ sắt Thạch Khê đi vào hoạt động, người dân của xã đã chuyển từ “khó” sang “khổ”. Nguồn nước bị nhiễm phèn, nhưng không còn cách nào khác là phải chịu đựng, chờ đợi. Toàn xã có gần 1.500 hộ dân, nhưng chỉ có 400 hộ sống cạnh núi chủ động được nguồn nước nhờ khoan giếng, tìm mạch nước ngầm quanh núi, số còn lại trông chờ vào nước mưa.

Có một điểm trùng hợp là, kể từ khi nguồn nước bị nhiễm phèn do mỏ sắt thì lượng người mắc bệnh và chết do ung thư ngày càng cao. Từ năm 2008 đến nay, xã có gần 50 người mắc bệnh ung thư, một nửa tử vong.

Những người chết vì ung thư ngày một trẻ hóa. Chưa rõ nguyên nhân gì, nhưng có những yếu tố khiến người dân nghi ngờ là nguồn nước và môi trường bị ô nhiễm”, lãnh đạo xã Thạch Khê nói.

Tại xã Đỉnh Bàn, hằng năm, các cơ quan chức năng đều về xã lấy mẫu nước để kiểm tra. Tuy nhiên, theo lãnh đạo xã này, sau khi kiểm tra, các ngành chức năng đều thông báo toàn bộ nước giếng khoan ở xã không đảm bảo và khuyến cáo người dân không nên sử dụng. Trong khi đó, đến nay mới chỉ 1/3 người dân trong xã có nước máy.

Nỗi thống khổ của người dân sống ‘treo’ cạnh mỏ sắt Thạch Khê - 10

Cách Đỉnh Bàn và Thạch Khê không xa là xã Thạch Hải (huyện Thạch Hà) và đây cũng là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề từ dự án mỏ sắt Thạch Khê.

Thạch Hải là địa phương có tiềm năng phát triển du lịch biển rất lớn thuộc top đầu của tỉnh Hà Tĩnh. Thế nhưng, vì là vùng quy hoạch di dời phục vụ mỏ sắt Thạch Khê nên hàng chục năm qua tình hình phát triển du lịch biển gần như bị “đóng băng” bởi không thể đầu tư phát triển hạ tầng, khách sạn, dịch vụ hay khu lưu trú.

Cùng với đó, các vấn đề, thủ tục liên quan đến đất đai đều bị tạm dừng do ảnh hưởng từ dự án mỏ sắt “treo”. Chính vì thế, hiện có hàng trăm hộ dân ở Thạch Hải phải sống chật vật, chen chúc trong một ngôi nhà với 3-4 thế hệ.

Ông Bùi Đình Lâm – Chủ tịch UBND xã Thạch Hải chia sẻ, hầu như ngày nào cũng có người đến gặp ông để xin cấp đất vì cuộc sống hiện tại quá bí bách. Có nhà có hơn chục nhân khẩu nhưng phải sống chen chúc trong căn nhà cấp 4 chỉ khoảng 100 mét vuông.

Nỗi thống khổ của người dân sống ‘treo’ cạnh mỏ sắt Thạch Khê - 11

Gia đình bà Nguyễn Thị Vạn có 4 thế hệ với hàng chục nhân khẩu phải sống chen chúc trong căn nhà cấp 4 xập xệ rộng chưa đến 100 m2

16 năm nay không được cấp đất ở nên toàn xã có hơn 200 hộ dân phải sống chật vật, chen chúc trong một nhà với 3-4 thế hệ. Hơn ai hết chúng tôi thấu hiểu sự khó khăn, vất vả của người dân. Nhưng vấn đề cấp đất hiện vượt quá thẩm quyền chúng tôi không dám giải quyết, thương dân lắm nhưng đành bất lực”, Chủ tịch UBND xã Thạch Hải chia sẻ.

Theo lời chỉ dẫn của ông Bùi Đình Lâm, chúng tôi tìm đến nhà bà Nguyễn Thị Vạn vốn là một gia đình chính sách ở thôn Đại Hải (xã Thạch Hải). Ngôi nhà rộng chỉ chừng 100 mét vuông của gia đình bà Vạn nhưng hiện là nơi trú ngụ chính của 15 người với 4 thế hệ.

Để đủ chỗ sinh sống cho các con các cháu nhà bà Vạn phải ngăn ngôi nhà nhỏ ra làm 6 phòng để con cháu có chỗ ngủ. Không gian sinh sống ngày càng chật chội, bí bách đến cùng cực. Con cháu đông, nhiều khi người già phải bắc võng ra sân nghỉ ngơi để nhường chỗ nằm cho con cháu.

Nỗi thống khổ của người dân sống ‘treo’ cạnh mỏ sắt Thạch Khê - 12

Bà Trần Thị Tĩnh cùng đàn cháu nheo nhóc thường xuyên phải bắc võng nằm ngoài sân vì nhà rộng chỉ chừng 75m2 nhưng lại là nơi trú ngụ của 3 thế hệ với hàng chục con người

Ông Nguyễn Văn An (con trai bà Vạn) hiện có 3 người con trai đều lấy vợ sinh con nhưng khi ông ra UBND xã để xin cấp đất, tách hộ nhằm xây nhà cho con nhưng xin hơn chục năm qua chẳng được. Muốn cải tạo vườn, hạ độ cao đồi cát để san mặt bằng, xây nhà cho con ra ở riêng nhằm giảm bớt căng thẳng trong gia đình nhưng do nằm trong vùng quy hoạch nên cũng chịu.

Bà Vạn buồn bã: “Mấy chục năm qua không chỉ gia đình tôi mà hàng trăm hộ dân khác ở xã Thạch Hải này phải sống trong cảnh thiếu thốn đủ thứ do ảnh hưởng của dự án mỏ sắt. Đất ở thì chật chội xin tách hộ, cấp thêm thì không được phép, nguồn nước sinh hoạt thì nhiễm phèn quanh năm, trồng hoa màu hay đánh bắt thuỷ sản thì bấp bênh, năng suất thấp… Rõ ràng chúng tôi chỉ nhận lại thiệt hại từ mỏ sắt chứ chẳng có chút lợi nhuận nào”.

Tương tự, bà Trần Thị Tĩnh (74 tuổi, trú xã Thạch Hải) đang lo lắng khi sắp tới đây 2 người con trai của bà lập gia đình thì không biết sống ở đâu. Hiện gia đình bà có 2 người con gái, 4 người con trai (trong đó có 2 người con trai đã lập gia đình) đang phải cùng sống chung cùng một ngôi nhà rộng chỉ hơn 70 mét vuông. Trong khi đó, hiện tại mọi hoạt động xin tách hộ, cấp đất tại xã Thạch Hải đang bị tạm dừng suốt hơn chục năm qua bởi hệ lụy từ mỏ sắt Thạch Khê.

Theo ông Bùi Đình Lâm – Chủ tịch UBND xã Thạch Hải, hiện toàn xã có 1.047 hộ, hơn 3.600, trong trường hợp dự án mỏ sắt Thạch Khê tiếp tục triển khai thì toàn bộ 100% dân số xã Thạch Hải thuộc diện di dời. Tuy nhiên, do dự án mỏ sắt treo hơn chục năm qua nên việc đền bù, di dời chưa được triển khai.

Nỗi thống khổ của người dân sống ‘treo’ cạnh mỏ sắt Thạch Khê - 13

Bên trong công trường khai thác mỏ sắt Thạch Khê bị bỏ không hơn chục năm qua. 

Trong khi cán bộ, chính quyền và nhân dân xã Thạch Hải chưa được hưởng lợi ích gì từ dự án mỏ sắt thì 16 năm qua do không được cấp đất ở nên toàn xã có hơn 200 hộ dân phải sống chật vật, chen chúc trong một nhà với 3-4 thế hệ. Hơn 400 người trong độ tuổi lao động không có việc làm. Hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng xuống cấp, ngân sách xã không có nguồn thu, kinh doanh du lịch đình trệ.

Đã đến lúc chấm dứt dự án mỏ sắt Thạch Khê, tháo bỏ mọi quy hoạch liên quan đến dự án này để Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân xã Thạch Hải sớm ổn định tình hình, tập trung mọi nguồn lực để phát triển kinh tế sau hơn chục năm bị kìm kẹp bởi dự án”, Chủ tịch xã UBND Thạch Hải nêu quan điểm.