'Thể thao Việt Nam không phải ngày một ngày hai có huy chương Asiad'
Các môn thể thao khác - Ngày đăng : 14:28, 07/10/2023
Kết thúc ngày thi đấu áp chót (6/10), đoàn TTVN giành được 3 HCV, hoàn thành chỉ tiêu 2-5 HCV tại Asiad 19. Dù vậy, theo Trưởng đoàn Đặng Hà Việt, TTVN còn nhiều hạn chế không chỉ so với các quốc gia châu lục mà còn với cả khu vực Đông Nam Á.
“Chúng ta giành được 3 HCV, trên 50% chỉ tiêu tối đa và đạt chỉ tiêu tối thiểu. TTVN so với 2 kỳ SEA Games gần nhất đang là thế lực của Đông Nam Á, nhưng ở Asiad còn hạn chế so với các nước trong khu vực. Điều này cũng được dự đoán từ trước nên chỉ đặt mục tiêu 2-5 HCV, bởi nhiều nội dung yêu cầu cao, cũng như có nhiều vấn đề trong thi đấu.
Không phải trong ngày một ngày hai có nhà vô địch Asiad, Olympic. Chúng ta cần hệ thống bài bản, từ công tác giáo dục thể chất, hệ thống tuyển chọn trên cả nước, trong các trường học. Nếu làm được sẽ chọn được nhiều VĐV tiềm năng. Vì vậy quá trình đào tạo không thể gọi là đầu tư trọng điểm”, ông Đặng Hà Việt chia sẻ.
Tại Asiad 19, một vài niềm hy vọng của đoàn TTVN đã hụt HCV rất đáng tiếc, trong đó đáng chú ý là VĐV xe đạp Nguyễn Thị Thật về thứ 4, kém người giành HCV chưa đầy 1 giây.
“VĐV là nhân tố quyết định, nên không thể đưa ra chỉ tiêu chính xác trước giải. Ngoài ra bất lợi cho các nước Đông Nam Á, đó là những hạng cân nhỏ như 56kg trong cử tạ bị đưa khỏi Olympic, đua thuyền được đầu tư nhiều, nhưng tại Asiad cân cả trọng lượng VĐV và thuyền, chúng ta chỉ có các VĐV thấp bé về thể hình, vì vậy phải sử dụng thuyền nhẹ, khó cạnh tranh được với Nhật Bản hay Trung Quốc”, Trưởng đoàn TTVN lý giải.
“VĐV Nguyễn Huy Hoàng đạt chuẩn A Olympic, đó là nỗ lực lớn, nhưng không phải ngày một ngày hai chúng ta có nhà vô địch Asiad hay Olympic. Với Huy Hoàng, chuyên gia Hoàng Quốc Huy (người Trung Quốc) đã mất, hiện chưa tìm được người có trình độ đưa Huy Hoàng lên đỉnh cao Olympic.
TTVN cần hệ thống bài bản, từ công tác giáo dục thể chất, công tác tuyển chọn trên cả nước, trong các trường học. Nếu làm được sẽ chọn được nhiều VĐV tiềm năng”, ông Hà Việt cho biết.
Người đứng đầu đoàn TTVN khẳng định sự phát triển của thể thao luôn gắn liền với nền kinh tế mỗi quốc gia, ông nói: "Nền kinh tế giải quyết vấn đề đầu tư, tài trợ, giúp VĐV đạt thành tích. Để nâng công tác tuyển chọn, đào tạo nhân lực là quá trình nhiều năm. Từ một VĐV tiềm năng đến đạt thành tích cao, phải mất 10 năm, tiêu tốn kinh phí lớn.
Phải đưa khoa học vào huấn luyện, từ vấn đề dinh dưỡng đến tập luyện, thống kê, đòi hỏi nguồn lực lớn. VĐV cầu lông Nguyễn Thuỳ Linh đi nước ngoài thi đấu một mình, không có HLV, chuyên gia hay bác sĩ đi theo, bởi chúng ta không đủ khả năng làm điều đó. Thể thao cần sự quan tâm từ lãnh đạo nhà nước, mong muốn sự phát triển mạnh của nền kinh tế”. Vụ "bữa ăn 800 nghìn đồng" là một bài học lớn "Tôi không dám chắc chắn những vụ việc tương tự liệu có còn xảy ra hay không. Nhưng tôi tin vụ việc vừa qua sẽ là một lời cảnh tỉnh dành cho những người quản lý, những người làm công tác huấn luyện nhưng lại không dành sự quan tâm cho các em VĐV, bỏ qua các vấn đề về đời sống của các em. Chúng tôi cũng sẽ coi đây là bài học lớn và tiến hành rà soát thật kỹ lưỡng trong thời gian tới", ông Đặng Hà Việt chia sẻ.