Ông chủ cửa hàng tranh đá quý đi nhặt ve chai, mặc người đời chê gàn dở

Hồ sơ - nhân vật - Ngày đăng : 09:02, 07/10/2023

Đạp xe qua 5 xã ven biển mỗi ngày để có kinh phí giúp người nghèo, chủ cửa hàng kinh doanh tranh đá quý từng bị người đời khinh thường, chê là làm việc gàn dở.

Sẻ chia

Chiều muộn nắng nhạt, anh Nguyễn Văn Nam (SN 1989, xã đảo Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) dắt chiếc xe đạp cũ ra khỏi cửa hàng kinh doanh tranh đá quý. Anh chuẩn bị hành trình đạp xe qua 5 xã ven biển để nhặt ve chai.

Trước đó, tại xã đảo Ngư Lộc, Nam từng được biết đến như anh chủ cửa hàng tranh thích làm từ thiện. Nam đẩy mạnh các hoạt động thiện nguyện của mình vào thời điểm đại dịch dần được kiểm soát.

Thời gian ấy, Nam nhận thấy sự sống con người thật mong manh. Cảm nhận ấy thôi thúc anh phải làm điều gì đó để cống hiến cho cộng đồng, xã hội khi còn đủ sức.

1 nhat ve chai.jpg
Anh Nam chuẩn bị xe đạp, chở thùng xốp đi nhặt ve chai

Sau nhiều đắn đo, anh quyết định tìm cách giúp đỡ, chia sẻ với những mảnh đời khó khăn trong khả năng của mình. Nam bắt đầu trích một phần lợi nhuận từ việc kinh doanh để hỗ trợ những gia đình khó khăn, người gặp tai nạn, khuyết tật tại địa phương.

Để hoạt động thiện nguyện của mình đi đúng hướng, Nam liên hệ, thông qua chính quyền địa phương. Anh cũng tìm hiểu kỹ cá nhân, gia đình khó khăn rồi mới đến tặng quà hoặc hỗ trợ bằng tiền mặt. Vào ngày lễ, Tết, Nam tổ chức các hoạt động vui chơi, phát tặng bánh kẹo, quần áo cho trẻ em nghèo.

Đến nay, rất nhiều gia đình, hoàn cảnh khó khăn đã nhận được sự hỗ trợ kịp thời, đầy ý nghĩa từ các hoạt động thiện nguyện của Nam. Một trong những trường hợp như vậy là hoàn cảnh của em Đặng Văn Cường (thôn Thành Lập, xã Ngư Lộc).

2 nhat ve chai.jpg
Anh thường rong ruổi để nhặt ve chai, thu gom phế liệu trên các tuyến đường thuộc 5 xã ven biển của huyện Hậu Lộc

Cường sinh ra trong gia đình khó khăn khi có cha bị tai biến không thể lao động. Em có 2 chị gái. Người chị đầu đã lập gia đình, có cuộc sống khó khăn, không thể đỡ đần cha mẹ. Chị thứ hai cũng mang bệnh, phải trông chờ vào sự chăm sóc của người khác.

Thu nhập chính của gia đình Cường phụ thuộc vào tiền công ít ỏi từ công việc đánh cói, bóc vỏ tôm của mẹ. Dẫu khó khăn trăm bề, mẹ Cường vẫn cố gắng đắp đổi, cho cậu con trai út đi học.

Biết hoàn cảnh khó khăn của gia đình cậu học trò hiếu học, Nam đã có những hỗ trợ kịp thời. Anh cũng vận động mạnh thường quân tặng dụng cụ học tập cho Cường yên tâm đến lớp.

Nam chia sẻ: “Sức tôi có hạn. Thế nên tôi chỉ giúp đỡ được những hoàn cảnh khó khăn hơn mình một phần rất nhỏ. Tôi xem những hỗ trợ của mình như một cách động viên, sẻ chia những buồn khổ, khó khăn của họ.

Tôi mong muốn những hỗ trợ nhỏ bé của mình có thể giúp họ thấy rằng, dù mình khó khăn, bất hạnh nhưng không bị xã hội, cộng đồng bỏ rơi. Từ đó họ sẽ vơi bớt nỗi buồn, tự tin vươn lên trong cuộc sống”.

5 nhat ve chai.jpg
Số tiền có được từ việc bán ve chai, phế liệu, anh đều đem giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn

"Làm việc gàn dở"

Trong quá trình đến giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, Nam nhận thấy trên đường có nhiều túi nilon, chai nhựa, phế liệu… Chủ cửa hàng tranh đá quý nghĩ đến việc sẽ đi nhặt ve chai làm sạch đường phố, bảo vệ môi trường và có thêm kinh phí để hoạt động từ thiện.

Ngay sau đó, bất chấp mọi sự cười chê, Nam chuẩn bị một chiếc xe đạp cũ. Phía sau xe, anh trang bị thêm thùng xốp có dán mảnh giấy ghi dòng chữ: “Xin tặng cho mình lon, chai vỏ nhựa để tặng những hoàn cảnh khó khăn. Mình xin chân thành cám ơn ạ”.

Mỗi ngày, bất chấp nắng mưa, Nam lại đạp xe dọc các tuyến đường thuộc 5 xã ven biển của huyện Hậu Lộc gồm: Hòa Lộc, Minh Lộc, Hưng Lộc, Hải Lộc, Ngư Lộc để nhặt ve chai. Sau khi di chuyển một vòng qua 5 xã, Nam trở về với chiếc xe đạp chất đầy ve chai, phế liệu phía yên sau.

Anh cẩn thận cất số ve chai, phế liệu vừa nhặt được vào một góc, chờ đến cuối tháng sẽ bán để lấy kinh phí tổ chức các hoạt động hỗ trợ người khó khăn. Nam tâm sự: “Những ngày đầu đi nhặt ve chai, tôi bị nhiều người chê cười. Họ nói tôi gàn dở. Có người còn nhìn tôi với ánh mắt khinh thường.

3 nhat ve chai.jpg
Hiện nay, hoạt động nhặt ve chai để giúp đỡ người nghèo của anh được nhiều người ủng hộ, đồng hành

Ban đầu, những ánh mắt khinh thường, lời chê cười ấy cũng khiến tôi ngại ngùng. Nhưng rồi tôi nghĩ mình làm việc tốt, không vi phạm pháp luật nên không buồn nữa. Từ đó, tôi đi nhặt ve chai, phế liệu bất kể sáng chiều. Chỉ khi có việc bận hoặc ốm đau không thể ra đường, tôi mới ngừng đi”.

Sau này, khi biết mục đích đằng sau việc ông chủ cửa hàng tranh đá quý đi nhặt ve chai, người dân tin tưởng và ủng hộ anh hết mực. Không chỉ ít xả rác ra đường, nhiều người còn “để dành” ve chai, phế liệu gửi tặng Nam, đồng hành cùng anh trong các hoạt động thiện nguyện.

Hiện, ngoài việc rong ruổi ngoài đường để nhặt vỏ chai, lọ nhựa..., Nam còn đến nhận ve chai, phế liệu từ những người dân địa phương. Bằng cách này, anh có thêm kinh phí để tổ chức các hoạt động vui chơi cho trẻ em, tặng quà, giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh.

Anh chia sẻ: “Trước đây, tôi đi nhặt ve chai mỗi ngày chỉ thu về 10.000 - 40.000 đồng, thậm chí có hôm không thu được đồng nào. Sau này, khi người dân biết, tin vào mục đích nhặt ve chai của tôi, họ rất ủng hộ.

Họ để dành ve chai, phế liệu rồi gọi tôi đến lấy miễn phí. Nhờ vậy, cứ cuối tháng, sau khi bán ve chai, tôi có thu nhập cao hơn. Số tiền bán ve chai tôi đều công khai cho mọi người biết. Tôi cũng công khai việc dùng số tiền này để ủng hộ hoàn cảnh nào, hết bao nhiêu, còn lại bao nhiêu... dù không ai yêu cầu”.

4 nhat ve chai.jpg
Không chỉ người lớn, các em học sinh cũng để dành ve chai, phế liệu cho anh Nam

Hiện nay, việc làm từng được cho là gàn dở này của Nam đã giúp đỡ được nhiều gia đình, hoàn cảnh khó khăn tại huyện Hậu Lộc. Đáng chú ý, nhiều hoàn cảnh đặc biệt khó khăn còn được anh và những người đồng hành giúp đỡ thường xuyên.

Nam tâm sự: “Những gia đình ốm đau, bệnh tật hoặc không may bị tai nạn giao thông, tôi thường giúp đỡ bằng tiền mặt. Những hoàn cảnh khó khăn khác, tôi và những người đồng hành sẽ hỗ trợ thực phẩm thường xuyên dù rất khiêm tốn...

“Tôi không có nhiều kinh phí để thực hiện các dự án thiện nguyện lớn nên vẫn đang cố gắng giúp đỡ những hoàn cảnh ngặt nghèo trong khả năng của mình. Dù rất nhỏ bé, nhưng tôi hy vọng có thể hỗ trợ họ phần nào trong lúc khó khăn”.

Nghĩa cử cao đẹp
Ông Trần Văn Sỹ, trưởng thôn Thành Lập cho biết, anh Nam kinh doanh tranh đá quý tại địa phương và là người có nghĩa cử cao đẹp.
“Vừa qua, Nam tổ chức, thực hiện việc nhặt ve chai, thu gom phế liệu để có kinh phí hỗ trợ người nghèo, người có hoàn cảnh bất hạnh, đặc biệt khó khăn.
Anh ấy còn hỗ trợ cấp nước sạch, nước lọc miễn phí cho người nghèo. Đây là những việc làm thiết thực và giàu ý nghĩa”, ông Sỹ nói thêm.

* Ảnh: Nhân vật cung cấp