Bộ TT&TT trả lời đề nghị 'phong sát nghệ sĩ', xử lý 'giang hồ mạng'
Xem - nghe - đọc - Ngày đăng : 18:15, 06/10/2023
Thời gian qua, dư luận trong nước thường xuyên phản ánh về hiện tượng “giang hồ mạng”. Sau khi xây dựng tên tuổi thành công, nhiều đối tượng “giang hồ mạng” thậm chí còn mang danh tiếng đó để đi làm từ thiện. Trước thực tế có phần méo mó trên, dư luận xã hội đang mong chờ hướng xử lý của Bộ TT&TT và các nền tảng truyền thông xã hội đối với hiện tượng này.
Tại họp báo tháng 10 của Bộ TT&TT, trả lời câu hỏi của phóng viên, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (PTTH&TTĐT, Bộ TT&TT) cho hay: “Chúng ta không có khái niệm giang hồ mạng trong quy định pháp luật, đây là cách nói dân dã, đời thường của xã hội và báo chí. Đối với các hành vi vi phạm, cũng không có hành vi nào gọi là giang hồ mạng”.
Các biểu hiện của người được gọi là “giang hồ mạng” như sử dụng ngôn từ không chuẩn mực hay làm các video clip bạo lực, ăn mặc không đúng thuần phong mỹ tục,... đều đã có chế tài xử lý.
“Nói chung, tất cả những điều cấu thành nên một người tạm gọi là giang hồ mạng đều có đủ biện pháp xử lý khi chiếu vào trong các quy định pháp luật”, Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT khẳng định.
Trước câu hỏi của phóng viên về việc cơ quan chức năng sẽ xử lý thế nào với hiện tượng “giang hồ mạng”, ông Do cho rằng, trong thời gian qua, Bộ TT&TT và Bộ Công an đã phối hợp chặt chẽ nhằm chấn chỉnh hiện tượng này.
Nhiều đối tượng được gọi là “giang hồ mạng” đã bị xử lý hình sự, theo nhiều vi phạm khác nhau. Bộ TT&TT rất quan tâm đến vấn đề này, đặc biệt là các sai phạm liên quan tới nội dung bạo lực, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác trên không gian mạng. Mới đây nhất, Bộ đã xử lý vụ việc livestream trên mạng của bà Nguyễn Thị Phương Hằng.
Bộ TT&TT cũng đã có những liên hệ đối với các nền tảng xuyên biên giới và doanh nghiệp trong nước, yêu cầu họ tham gia đấu tranh, nhằm hạn chế hiện tượng “giang hồ mạng”, đặc biệt là với các nội dung có yếu tố bạo lực, xúc phạm danh dự, nhân phẩm tổ chức, cá nhân.
Các nền tảng cần có bộ lọc, để hạn chế ngay từ đầu khi người dùng đăng tải các nội dung độc hại. Theo Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT, các nền tảng hiện đang phối hợp chặt chẽ với Bộ TT&TT để thực hiện.
Đối với quy trình xử lý các nghệ sĩ có sai phạm, ông Do cho biết, đây là những đối tượng do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý. Do đó, việc ban hành quy trình xử lý sẽ do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì.
Bộ TT&TT đã làm hết tất cả những nội dung liên quan, sau đó chuyển sang Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổng hợp thành quy trình chung, nhằm hạn chế sự xuất hiện của các nghệ sĩ có hành vi lệch chuẩn, vi phạm pháp luật trên sóng truyền hình, báo chí và các sân khấu nghệ thuật biểu diễn.
“Ở Trung Quốc hay dùng từ "phong sát", Việt Nam không sử dụng cụm từ này. Chúng ta chỉ hạn chế. Như tôi được biết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã làm đến bước cuối cùng và thực hiện xin ý kiến các bộ, ngành. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang chỉnh sửa lại và thực hiện các thủ tục để ban hành quy định”, ông Do chia sẻ thêm.
Theo Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT, việc ban hành quy trình xử lý đối với các nghệ sĩ có sai phạm hơi chậm so với mong muốn của Bộ TT&TT. Tuy nhiên, đây là quy trình thí điểm, chưa từng có tiền lệ, do vậy, có lẽ cơ quan chủ trì soạn thảo đã có sự thận trọng trong việc xin ý kiến và thăm dò dư luận kỹ hơn để khi ban hành, quy định này sẽ thực sự đi vào đời sống.