Điền kinh Việt Nam trắng tay ở Asiad 19, vì đâu?
Các môn thể thao khác - Ngày đăng : 18:14, 05/10/2023
"Trắng" huy chương
Tuyển điền kinh Việt Nam tham dự Asiad 19 với 12 VĐV, nhắm tới tấm HCĐ ở các gương mặt quen thuộc là Nguyễn Thị Oanh (1.500m, 3000m vượt chướng ngại vật), Nguyễn Thị Hường (nhảy ba bước) và đặc biệt đội hình tiếp sức 4x400m nữ - nội dung mà các cô gái Việt Nam vừa giành HCV giải VĐ châu Á hồi đầu tháng 9.
Nhưng sân chơi Á vận hội ngày càng khốc liệt bởi có một thực tế các đối thủ mạnh hơn, trong khi điền kinh Việt Nam lại thụt lùi. Hầu hết các VĐV chủ lực của Việt Nam như Nguyễn Thị Huyền, Nguyễn Thị Oanh... đều đạt thông số không tốt.
Cụ thể, Nguyễn Thị Oanh đều không vượt qua chính mình ở hai nội dung tham dự. Cự ly 1.500m, chân chạy người Bắc Giang chỉ đạt 4 phút 24 giây 19, kém tới gần 8 giây so với kỳ Asiad trước (4 phút 15 giây 49), đứng thứ 7 ở chung kết. Thành tích này kém nhất trong sự nghiệp của nhà vô địch SEA Games.
Rất đáng tiếc cho Nguyễn Thị Oanh bởi cô dường như không có điểm rơi phong độ tốt nhất. Thành tích ở giải thế giới tại Hungary hồi tháng 8, Oanh lập kỷ lục cá nhân với thành tích 4 phút 12 giây 28. Nếu tái lập được thông số này, Oanh đã có HCB Asiad 19.
Tại nội dung sở trường 3.000 vượt chướng ngại vật, dù thi đấu rất cố gắng và đạt thành tích tốt nhất năm 2023 (9 phút 57 giây 13), nhưng Nguyễn Thị Oanh vẫn bị VĐV giành HCV bỏ xa tới gần 40 giây, vì vậy không bảo vệ được tấm HCĐ Asiad 18.
Trên đường chạy 400m rào nữ, bà mẹ một con Nguyễn Thị Huyền không thể giành vé vào chung kết khi xếp thứ 9 vòng loại (58 giây 49). Thông số này thuộc hàng thấp nhất trong sự nghiệp thi đấu của VĐV người Nam Định ở 400m rào. Thành tích kém gần 2 giây (56 giây 29) từng giúp Huyền vô địch SEA Games 32 tại Campuchia hồi tháng 5/2023.
Nội dung 4x400m tiếp sức nữ, bộ tứ Ngọc - Hạnh - Huyền - Hằng đạt thành tích vượt qua cả tấm HCV châu Á vừa giành được hồi đầu tháng 9 là 3 phút 31 giây 61, nhưng chỉ về đích ở vị trí thứ 4.
Ngoài ra, thất bại của Bùi Thị Thu Thảo (HCV Asiad 18) ở môn nhảy xa cũng sớm được dự báo, khi VĐV quê Ba Vì (Hà Nội) không còn ở thời đỉnh cao.
Điểm sáng của điền kinh Việt Nam là Trần Thị Nhi Yến. Dù không đạt huy chương nhưng việc hai lần vào chung kết ở hai nội dung nữ hoàng 100 và 200m cho thấy sự tiến bộ của cô gái 18 tuổi.
Sân chơi khắc nghiệt
Dù giành 2 HCV, 3 HCĐ, đứng thứ 7 toàn đoàn, xếp trên cả Hàn Quốc ở Asiad 18 cách đây 5 năm trên đất Indonesia, nhưng tuyển điền kinh Việt Nam chỉ đặt mục tiêu có HCĐ ở Asiad kỳ này.
Song, ngay cả tấm HCĐ chúng ta cũng không thể đạt được. Như vậy, sau 3 kỳ Asiad liên tiếp (2010, 2014, 2018) đều có huy chương, các VĐV điền kinh Việt Nam rơi vào cảnh trắng tay ở Hàng Châu, Trung Quốc.
Thất bại ở Asiad 19 cho thấy điền kinh Việt Nam thiếu hẳn những nhân tố mới, bởi nhiều đàn chị như Nguyễn Thị Huyền, Nguyễn Thị Oanh gặp vấn đề về tuổi tác. Điền kinh Việt Nam cũng không còn thể hiện được sức mạnh ở những nội dung sở trường như tiếp sức nữ, vượt rào, nhảy ba bước, nhảy xa...
Ngoài ra, sự đua tranh ở sân chơi châu lục ngày một khắc nghiệt, không chỉ với các VĐV Việt Nam mà thách thức với chính VĐV của Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Lý do bởi có nhiều quốc gia đang dùng chính sách nhập tịch VĐV, điển hình là Bahrain.
Sau Asiad 19, điền kinh Việt Nam kỳ vọng có sự đột phá mạnh mẽ trong khâu tìm kiếm, đào tạo VĐV trẻ, qua đó có đầu tư chuyên biệt giúp các VĐV đạt tới tầm châu lục, thế giới. Chỉ như vậy mới có thể cạnh tranh được huy chương Asiad theo xu hướng ngày một khắc nghiệt như hiện nay.
Ảnh: Bùi Lượng