Điểm tin kinh doanh 6/10: Ngược dòng thế giới, vàng trong nước bật tăng mạnh
Kinh doanh - Ngày đăng : 06:00, 06/10/2023
- Ngược dòng thế giới, vàng trong nước bật tăng mạnh
Trong khi chỉ số đồng đô la Mỹ và lãi suất trái phiếu kho bạc đã quay đầu điều chỉnh không thể giúp vàng thế giới chặn đà giảm, giá vàng trong nước đồng loạt hồi phục mạnh với vàng SJC vượt thành công mốc 69 triệu đồng/lượng.
Tại thị trường vàng trong nước, sau khi giảm 50.000 đồng/lượng trong ngày hôm 4/10, giá vàng SJC của Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn mở cửa sáng ngày 5/10 tăng 150.000 đồng/lượng, hiện niêm yết lần lượt ở mức 68,3 – 69,02 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Tại thị trường TP.HCM, giá vàng SJC niêm yết ở mức 68,3 – 69,0 triệu đồng/lượng.
Thương hiệu vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu tính đến đầu giờ sáng 5/10 tăng 150.000 đồng/lượng so với hôm 4/10, hiện đứng ở mức 56,08 – 56,98 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm 4/10 tại Mỹ giảm 1,6 USD xuống 1.821 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng 5/10, giá vàng đảo chiều hồi phục lên mức 1.827 USD/ounce.
Giá vàng tương lai giao tháng 12/2023 trên sàn Comex New York giảm 6,7 USD, tương ứng giảm 0,36% xuống 1.834,8 USD/ounce.
Mặc dù chỉ số đô la Mỹ và lãi suất trái phiếu kho bạc đã điều chỉnh giảm nhưng không giúp ích cho xu hướng của kim loại quý. Vàng vẫn giảm giá khi hoạt động bán kỹ thuật vẫn tiếp diễn trong bối cảnh các biểu đồ ngắn hạn hoàn toàn giảm giá.
Một trong những thông tin đáng chú ý là Báo cáo việc làm quốc gia của ADP cho thấy thị trường lao động Mỹ tiếp tục có dấu hiệu hạ nhiệt, cụ thể trong tháng 9 đã có 89.000 việc làm được tạo ra, thấp hơn đáng kể so với mức kỳ vọng của các nhà kinh tế là 154.000 việc làm.
Hiện các nhà giao dịch đang bắt đầu mong chờ báo cáo tình hình việc làm tháng 9 vào thứ Sáu từ Bộ Lao động. Số lượng việc làm phi nông nghiệp quan trọng dự kiến sẽ tăng lên 170.000 so với mức tăng 187.000 trong báo cáo tháng 9.
Mặc dù vàng có thể đang chứng kiến một số áp lực đáng kể lợi suất trái phiếu dài hạn tăng lên mức cao nhất trong 16 năm; nhưng theo một nhà phân tích thị trường, vàng vẫn là tài sản bảo hiểm thiết yếu khi rủi ro đối với nền kinh tế Mỹ tiếp tục gia tăng.
Trong một cuộc phỏng vấn với Kitco News, James Robertson, nhà phân tích tại Grant's Interest Rate Observer lưu ý rằng, mặc dù sự gia tăng gần đây của lãi suất trái phiếu thực đã gây áp lực lên vàng, nhưng hai tài sản này không có mối tương quan chặt chẽ so với mức trung bình lịch sử.
Robertson lưu ý rằng nếu, mối tương quan phù hợp với các chuẩn mực lịch sử thì giá vàng sẽ ở dưới mức 1.800 USD/ounce.
Với mức giá khoảng 1.827 USD/ounce ở thời điểm hiện tại, thì giá vàng thế giới quy đổi sang VND (đã tính thuế, phí gia công) đang ở mức 54,7 triệu đồng/lượng, như vậy, chênh lệch giữa giá vàng SJC trong nước và thế giới rơi vào khoảng 14,32 triệu đồng/lượng.
- Xuất khẩu 42,2 tỷ USD hàng hóa sang Trung Quốc, thị trường lớn duy nhất tăng trưởng dương
9 tháng năm 2023, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của nước ta với kim ngạch ước đạt 42,2 tỷ USD, tăng 2,1%, là thị trường xuất khẩu duy nhất đạt mức tăng trưởng dương.
Theo Bộ Công thương, 9 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của nước ta với kim ngạch ước đạt 42,2 tỷ USD, tăng 2,1%.
Đây là thị trường xuất khẩu duy nhất trong số các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam đạt mức tăng trưởng dương (tăng 2,1%).
Trong điều kiện thương mại toàn cầu chậm lại, mức tăng trưởng này là rất đáng ghi nhận. Thực tế, 9 tháng qua, xuất khẩu của nước ta sang các thị trường lớn khác đều giảm. Xuất khẩu sang Mỹ giảm 16,8%, EU giảm 8,2%; thị trường ASEAN giảm 5,5%, Hàn Quốc giảm 5,1%, Nhật Bản giảm 3%.
Ở chiều ngược lại, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 79 tỷ USD, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, thương mại Việt Nam – Trung Quốc đã chính thức vượt mốc 120 tỷ USD sau 9 tháng đầu năm.
Hiện, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, trong đó về thị trường xuất khẩu của Việt Nam, Trung Quốc xếp thứ hai, sau Mỹ. Tuy nhiên, Việt Nam luôn là nước nhập siêu của Trung Quốc.
- VinFast bàn giao hơn 10.000 ô tô điện trong quý 3/2023
VinFast Auto Ltd. (Nasdaq: VFS) vừa công bố báo cáo tài chính Quý 3/2023 kết thúc vào ngày 30/09/2023. Theo đó, VinFast đã bàn giao 10.027 ô tô điện trong Quý 3/2023, tăng 5% so với Quý 2/2023, nâng tổng số xe tiêu thụ 9 tháng đầu năm 2023 lên 21.342 xe.
Số lượng xe ô tô điện VinFast đã bàn giao trong Quý 3/2023 là 10.027 xe, tăng 5% so với Quý 2/2023. Quý 3 cũng bước đầu ghi nhận doanh số tích cực hơn trong tháng 9 tại thị trường Bắc Mỹ, đặc biệt là Canada.
Bên cạnh ô tô điện, trong Quý 3/2023, VinFast ghi nhận lượng xe máy điện được bàn giao là 28.220 xe, tăng 177% so với Quý 2/2023 và tăng 113% so với Quý 3/2022.
Tổng doanh thu Quý 3/2023 của VinFast đạt 8.254 tỷ đồng (342,7 triệu đô la Mỹ), tăng 4% so với Quý 2/2023 và tăng 159% so với Quý 3/2022. Tổng doanh thu chủ yếu đến từ doanh thu bán xe điện (7.698 tỷ đồng).
Về quy mô hoạt động, Công ty dự kiến phát triển kinh doanh tại ít nhất 50 thị trường mới trên toàn cầu vào cuối năm 2024. Bên cạnh đó, VinFast cũng công bố kế hoạch xây dựng nhà máy lắp ráp tại Ấn Độ, thị trường ô tô lớn thứ 3 thế giới sau kế hoạch xây dựng nhà máy tại Mỹ và Indonesia đã được công bố trước đó. Tổng vốn đầu tư nhà máy tại Ấn Đô dự kiến khoảng 150-200 triệu đô la Mỹ với công suất lên tới 50.000 xe/năm trong giai đoạn 1.
- VinFast, Ngân hàng số Cake by VPBank và Tổng công ty Dịch vụ số Viettel (VDS) hợp tác cùng nhau
Hãng xe máy điện VinFast, Ngân hàng số Cake by VPBank và Tổng công ty Dịch vụ số Viettel (VDS) - đơn vị nghiên cứu và triển khai toàn trình hệ sinh thái tài chính số Viettel Money đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược.
Theo thoả thuận hợp tác chiến lược, các khách hàng của Viettel Money sẽ được Ngân hàng số Cake hỗ trợ vay trả góp để mua xe máy điện VinFast nhanh chóng, với lãi suất ưu đãi. Toàn bộ thủ tục đăng ký khoản vay và nhận về kết quả phê duyệt đều được thực hiện hoàn toàn trực tuyến chỉ trong vài phút, không cần ra chi nhánh ngân hàng.
Sự đồng hành của Cake, VinFast và Viettel Money lần này hướng tới thúc đẩy khả năng tiếp cận tài chính số, phá bỏ mọi khoảng cách, đưa “số” trở nên an toàn, đơn giản với tất cả người dân trên khắp mọi miền Tổ quốc. Đặc biệt, sự hợp tác và kết nối giữa 3 doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực chuyển đổi số tại Việt Nam còn góp phần lan toả xu hướng sống xanh và phổ cập thói quen sử dụng xe điện tới cộng đồng. Đây là thế hệ phương tiện không mùi xăng dầu, không tiếng ồn động cơ, tốt cho sức khỏe người dùng và thân thiện với môi trường.
Ông Nguyễn Hữu Quang - Tổng Giám đốc Ngân hàng số Cake by VPBank cho biết: “Việc tích hợp dịch vụ vay trả góp mua xe máy điện giữa Cake - VinFast và Viettel nhằm xây dựng quan hệ hợp tác chặt chẽ trong cộng đồng các doanh nghiệp Việt Nam”.
Bà Hồ Thanh Hương, Tổng Giám đốc VinFast Thị trường Việt Nam cho biết: “Thỏa thuận hợp tác chiến lược với Viettel Money và Cake sẽ giúp khách hàng VinFast chủ động phương án tài chính phù hợp với điều kiện và nhu cầu cá nhân".
- Xuất khẩu gạo Việt Nam thiết lập kỷ lục mới
Kim ngạch xuất khẩu gạo trong 9 tháng 2023 đạt 3,66 tỷ USD, tăng 40,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này đã vượt giá trị xuất khẩu gạo cao nhất đã từng đạt được năm 2011.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu gạo trong 9 tháng 2023 đạt 3,66 tỷ USD, tăng 40,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này đã vượt giá trị xuất khẩu gạo cao nhất đã từng đạt được năm 2011 (3,65 tỷ USD).
Điều đáng chú ý là đạt được giá trị xuất khẩu 3,66 tỷ USD trong 9 tháng 2023 mà khối lượng gạo xuất khẩu chỉ 6,6 triệu tấn. Trong khi năm 2011, để đạt được 3,65 tỷ USD thì cần 7,1 triệu tấn gạo.
Đó là bởi giá gạo xuất khẩu bình quân từ đầu năm đến nay luôn ở mức cao, đạt 553 USD/tấn, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Thậm chí, có thời điểm giá gạo Việt Nam xuất khẩu lên đến gần 650 USD/tấn.
Trong 8 tháng, Philippines vẫn đứng đầu về tiêu thụ gạo của Việt Nam, chiếm 40,3% tổng lượng gạo xuất khẩu; tiếp đến là Trung Quốc chiếm 13,5%; Indonesia đứng thứ 3 chiếm 12,4%. Ngoài ra khu vực thị trường EU (Ba Lan, Hà Lan, Tây Ban Nha, Bỉ,..), châu Phi (Ghana, Angola, ...) cũng ghi nhận sự tăng trưởng tích cực.
Thời gian gần đây, giá gạo xuất khẩu có xu hướng chững lại sau động thái của một số nước nhập khẩu nhằm kiềm chế lạm phát, tập trung vào chính sách phát triển sản xuất trong nước để tăng cường dự trữ, tồn kho và tìm kiếm các nguồn cung cấp lương thực thay thế cho gạo.
Nhưng giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vẫn đứng đầu thế giới. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, ngày 4/10, giá gạo các loại của Việt Nam vẫn được giữ vững nhưng một số nước Thái Lan, Pakistan có sự giảm nhẹ.
- Việt Nam có trên 3.000 doanh nghiệp vận tải và logistics, quy mô 40-42 tỷ USD/năm
Đến nay, Việt Nam có trên 3.000 doanh nghiệp vận tải và logistics, khoảng 25 tập đoàn giao nhận hàng đầu thế giới hoạt động cung cấp các dịch vụ tại nước ta.
Đó là thông tin được Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết tại Hội nghị Logistics Việt Nam 2023, với chủ đề “Logistics Việt Nam - Con đường phía trước”, ngày 5/10 tại thành phố Hồ Chí Minh.
Theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam hiện đứng thứ 64/160 nước về mức độ phát triển logistics và đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN sau Singapore, Malaysia và Thái Lan.
Theo đánh giá của Agility (một trong những nhà cung cấp dịch vụ kho vận hàng đầu thế giới), năm 2022, Việt Nam xếp hạng thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu. Tốc độ phát triển hằng năm của ngành logistics Việt Nam đạt từ 14-16%, quy mô 40-42 tỷ USD/năm.
Dù vậy, trên thực tế vẫn còn một số tồn tại hạn chế và thách thức cho ngành logistics. Cụ thể, thể chế, chính sách đối với lĩnh vực logistics chưa đồng bộ, chồng chéo; cơ sở hạ tầng giao thông vận tải và logistics không đồng bộ, thiếu các khu kho vận tập trung.