Xử lý tham nhũng: Khởi tố mới nhiều bị can trong các đại án
Nhịp sống - Ngày đăng : 15:42, 05/10/2023
Nội dung này được đề cập trong các báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư Pháp, Ủy ban Pháp luật liên quan việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ, trong lĩnh vực thanh tra.
"Nửa đầu nhiệm kỳ, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng có bước đột phá mạnh mẽ. Các cơ quan chức năng đã chủ động phát hiện, quyết liệt đấu tranh, mở rộng điều tra, khởi tố mới nhiều bị can trong nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực lớn, phức tạp, có tính hệ thống, có tổ chức", cơ quan thẩm tra của Quốc hội nhận định.
Dẫn chứng, cơ quan thẩm tra "điểm danh" các đại án xảy ra tại Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao), Công ty Việt Á, AIC, Tập đoàn FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát, Cục Đăng kiểm Việt Nam và một số trung tâm đăng kiểm...
Công tác thu hồi tài sản tham nhũng được đánh giá có nhiều chuyển biến tích cực. Trong đó, VKS phối hợp với cơ quan điều tra đã thu hồi hơn 386.000 tỷ đồng, kê biên 249 bất động sản và hơn 56 triệu cổ phần, cổ phiếu…
Một số vụ án thu hồi tài sản cao như vụ Việt Á, các bị can nhận hối lộ tự nguyện nộp số tiền hưởng lợi bất chính. Bên cạnh đó, cơ quan điều tra đã kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, tổng tài sản thu hồi trị giá 1.600 tỷ đồng…
Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra đánh giá, chất lượng, tiến độ giải quyết một số vụ việc, vụ án tham nhũng còn chưa đạt yêu cầu. Công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng có trường hợp chưa kịp thời, chặt chẽ, nhất là trong công tác giám định, định giá tài sản.
Kết quả thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng giai đoạn thi hành án dù có nhiều chuyển biến, nhất là với số vụ phải thi hành về tiền, nhưng số vụ có điều kiện thi hành về tiền vẫn còn tồn đọng lớn.
Cơ quan thẩm tra của Quốc hội đề nghị Chính phủ báo cáo bổ sung việc nghiên cứu, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; kết quả phối hợp thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế.
Với công tác thanh tra, cơ quan thẩm tra của Quốc hội ghi nhận đã tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, nhất là đã triển khai nghiêm túc các cuộc thanh tra đột xuất theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Đơn cử như cuộc thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong quản lý, thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng các công trình điện theo Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh; thanh tra công tác quản lý nhà nước về xăng, dầu…
Đánh giá các biện pháp phòng ngừa tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh với nhiều hình thức, các cơ quan thẩm tra của Quốc hội cho biết trong nửa đầu nhiệm kỳ, các cấp, ngành đã tiến hành chuyển đổi vị trí công tác với 111.430 cán bộ, công chức, viên chức, nhằm phòng ngừa tham nhũng. Trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng cũng được xử lý nghiêm.
Dù vậy, cơ quan thẩm tra của Quốc hội nhận định, việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật hành chính của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn chưa nghiêm. Minh chứng là qua kiểm tra đã xử lý 934 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm thực hiện quy tắc ứng xử.
Đặc biệt, còn tình trạng lợi dụng kẽ hở về cơ chế, chính sách, pháp luật, vị trí công tác để nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực. Hiện tượng người dân phải "lót tay" trong giải quyết công việc… là thực trạng xảy ra đã nhiều năm nhưng chưa có giải pháp ngăn chặn hiệu quả.
Cơ quan thẩm tra cũng chỉ ra tình trạng móc nối, tiếp tay của cán bộ Nhà nước với doanh nghiệp để trục lợi, chiếm đoạt tài sản của Nhà nước, điển hình ở một số lĩnh vực như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, hải quan…