Thuốc trị đau mắt đỏ cho trẻ em
Sức khỏe - Ngày đăng : 14:33, 05/10/2023
1. Nguyên nhân đau mắt đỏ ở trẻ em
Đau mắt đỏ (viêm kết mạc) là tình trạng khá phổ biến trong thời điểm giao mùa, dễ lây lan và hầu hết các trường hợp đều vô hại. Trẻ em là đối tượng dễ mắc đau mắt đỏ do hệ miễn dịch chưa hoàn thiện và vệ sinh kém...
Bệnh đau mắt đỏ có thể do vi khuẩn, virus hay các phản ứng dị ứng, kích ứng với thành phần của thuốc nhỏ mắt, bụi bẩn, phấn hoa… Đa số trẻ bị đau mắt đỏ ở nước ta là do virus, phổ biến là Enterovirus và Adenovirus, hiếm hơn là Herpex simple virus, Coronavirus, Varicella zoster virus…
Các trường hợp nhiễm bệnh do virus gây ra, bệnh nhân thường có biểu hiện ngứa mắt, chảy nước mắt, mắt tiết dịch loãng, có nang kết dưới mí mắt và có thể nổi hạch trước tai. Đối với đau mắt đỏ do vi khuẩn, bệnh thường không kéo dài quá 14 ngày với các triệu chứng như có vật thể lạ trong mắt, cộm mắt, mờ mắt vào buổi sáng, chảy mủ và có thể xuất hiện u nhú kết mạc.
Đáng lưu ý, đau mắt đỏ có tốc độ lây lan nhanh, bắt đầu lây lan ngay trước khi bệnh có biểu hiện ra bên ngoài. Con đường lây nhiễm chủ yếu của bệnh là qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ mắt, gỉ mắt, mũi miệng của người bệnh. Do đó, trẻ em thường bị nhiễm đau mắt đỏ ở trường học.
Đau mắt đỏ ở trẻ em nếu không được chăm sóc và điều trị đúng cách, kịp thời, bệnh có thể gây biến chứng viêm loét giác mạc, gây mù lòa.
2. Thuốc đau mắt đỏ cho trẻ em
- Nước muối sinh lý (natri clorid 0,9%): Đây là loại nhỏ mắt đơn giản nhất và an toàn dùng trị đau mắt đỏ ở trẻ em. Nước muối sinh lý 0,9 % giúp làm mềm nhử dính trên mắt khi ngủ dậy, chống khô mắt và loại bớt virus.
Có thể nhỏ natri clorid 0,9% khoảng 2 giờ/lần, mỗi lần 2 giọt mỗi bên mắt.
- Thuốc nhỏ mắt trị đau mắt đỏ có kháng sinh:
Thực tế, có rất nhiều loại kháng sinh có thể sử dụng trong điều trị đau mắt đỏ ở trẻ. Tobramycin (tobrex) là loại thuốc kháng sinh thường được bác sĩ chỉ định dùng cho trẻ mắc bệnh đau mắt đỏ có nguyên nhân do vi khuẩn. Ngoài ra, bác sĩ có thể sử dụng các loại kháng sinh khác như ciprofloxacin, ofloxacin, dyomicin, neomycin…
Thuốc nhỏ mắt chứa kháng sinh có tác dụng phòng bội nhiễm vi khuẩn gây viêm loét giác mạc. Các thuốc này không có tác dụng diệt virus. Trẻ đau mắt đỏ nhỏ thuốc gì cần theo sự kê đơn của bác sĩ, tuyệt đối không được tự ý sử dụng.
- Thuốc nhỏ mắt trị đau mắt đỏ chứa corticoid kháng viêm:
Thuốc nhỏ mắt chứa corticoid như dexamethason, hydrocortison, fluoromethason, prednisolon... có tác dụng chống viêm, giảm chảy thành dịch nhày làm mờ mắt...
Lưu ý, tuyệt đối không dùng loại thuốc nhỏ mắt có corticoid (thuốc nhỏ mắt Tobradex) khi trẻ có viêm loét giác mạc, bởi việc dùng lâu dài loại thuốc này sẽ có nguy cơ đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp... Không tự ý dùng các loại thuốc nhỏ mắt có corticoid trị đau mắt đỏ cho trẻ khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Đối với trường hợp được bác sĩ kê đơn, bệnh nhân cần tuân thủ theo lời khuyên của thầy thuốc.
- Nước mắt nhân tạo:Loại này có tác dụng giữ nước duy trì độ ẩm trên mặt nhãn cầu, tăng độ nhầy, tránh tình trạng khô mắt trong đau mắt đỏ. Tuy nhiên, hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại nước mắt nhân tạo, do đó trẻ em bị đau mắt đỏ, nên được bác sĩ khám và kê đơn trước khi dùng.
3. Cách dùng thuốc trị đau mắt đỏ cho trẻ
Để trị đau mắt đỏ an toàn cho trẻ, các bậc cha mẹ nên lưu ý:
- Chỉ cho trẻ dùng thuốc trị đau mắt đỏ khi có chỉ định của bác sĩ.
- Khi được bác sĩ kê đơn dùng thuốc trị đau mắt đỏ cho trẻ, cha mẹ cần tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn dùng thuốc của bác sĩ trong chăm sóc trẻ.
- Không nên sử dụng thuốc được kê toa hoặc toa thuốc cũ của người khác, vì có thể chúng không phù hợp với tình trạng đau mắt đỏ hiện tại của trẻ.
- Tuyệt đối không được nhỏ sữa non vào mắt trẻ sơ sinh để điều trị đau mắt đỏ theo phương pháp dân gian, bởi nhỏ sữa vào mắt có thể khiến tình trạng nhiễm trùng của trẻ đau mắt đỏ trở nên nghiêm trọng hơn.
- Khi gặp bất cứ triệu chứng gì bất thường cần báo ngay cho bác sĩ để được xử trí kịp thời, tránh biến chứng.
4. Chăm sóc trẻ khi bị đau mắt đỏ
Việc chăm sóc trẻ bị đau mắt đỏ đúng cách sẽ giúp trẻ giảm khó chịu, đồng thời giúp trẻ nhanh khỏi bệnh.
Các bậc cha mẹ nên:
- Không nên cho trẻ đi học cho đến khi nào bệnh tình cải thiện.
- Trẻ bị đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác. Trường hợp bắt buộc đi đến những nơi công cộng, cần có biện pháp phòng ngừa phù hợp (đeo khẩu trang, kính chắn bọt, rửa tay với xà phòng khử khuẩn…). Các siêu vi gây bệnh đau mắt đỏ có thể lây lan cho người khác qua nước hồ bơi, gây nên dịch bệnh. Vì vậy, bố mẹ tuyệt đối không cho trẻ bị đau mắt đỏ đi bơi.
- Vệ sinh mắt là một phần không thể thiếu khi chăm sóc trẻ bị đau mắt đỏ. Cha mẹ nên lấy một miếng gạc/khăn sạch đã được khử khuẩn thấm ướt với nước, lau sạch mắt, lấy hết gỉ mắt cho trẻ. Có thể kết hợp rửa mắt cho trẻ bằng nước muối sinh lý.
- Về ăn uống, trẻ bị đau mắt đỏ nên được ăn uống đầy đủ dưỡng chất, uống đủ nước. Đồng thời, cho trẻ nghỉ ngơi nhiều hơn, hạn chế xem tivi và các thiết bị điện tử khác.