Bà mẹ nói "ở nhà chăm con là hy sinh", chị em cãi nhau choang choảng
Gia đình - Ngày đăng : 22:21, 04/10/2023
Sự việc bắt đầu từ câu chuyện trên một diễn đàn mạng xã hội của người mẹ tìm việc sau nhiều lần nghỉ làm gián đoạn khi sinh con, nuôi con nhỏ.
Chị nói lý do tìm việc làm vì ngoài đóng tiền học phí và tiền chi tiêu cơ bản trong gia đình, người chồng không hỗ trợ bất cứ việc nhà, chăm sóc và nuôi dạy con nào.
Sinh hai con liền nhau, chị có thời gian dài nghỉ việc ở nhà chăm con. Năm rồi chị đi làm trở lại nhưng đến mùa hè, lo con ở nhà chơi điện thoại, chị lại hy sinh lần nữa, quyết định nghỉ ở nhà trông con. Giờ đây, người phụ nữ thực sự khó khăn khi trở lại, mong tìm công việc ổn định.
Sau bài chia sẻ của người mẹ, có ý kiến phản bác rằng không thể gọi nghỉ việc ở nhà chăm con là hy sinh. Ngoài kia, nhiều người cũng sinh con, nuôi con, có người ở nhà chăm con, có người vẫn đi làm nhưng đó là trách nhiệm, là nghĩa vụ và cả quyền lợi chứ không phải là "hy sinh".
Bình luận này lập tức nhận về nhiều like (lượt thích) và cả những biểu tượng tức giận, phẫn nộ. Nội dung bình luận đồng thời làm bùng nổ tranh cãi "phụ nữ nghỉ việc ở nhà chăm con có phải là hy sinh".
Một bên cho rằng, khi người mẹ phải nghỉ việc ở nhà chăm con là họ đã hy sinh thời gian, công việc của mình vì chồng, vì con. Nói hy sinh là không quá để người xung quanh, cụ thể ở đây là người chồng, người con hiểu được vai trò cũng như biết ơn đối với người vợ, người mẹ.
"Nói các mẹ nghỉ việc ở nhà chăm con là hy sinh có gì sai. Đó là sự hy sinh về công việc, về sự nghiệp, về thanh xuân, về đam mê cá nhân. Nếu điều này mà không được xem là sự hy sinh thì quá phũ phàng, khắt khe với phụ nữ", một ý kiến bày tỏ.
Ở góc nhìn khác, chị Trần Ngọc Nương, ở quận 12, TPHCM phân tích, lâu nay việc nhà, chăm con thường được gắn với trách nhiệm của người phụ nữ. Nhiều chị em phải "ôm" gánh nặng này bên cạnh việc vẫn phải ra ngoài kiếm tiền như đàn ông hay có người phải đánh đổi công việc để ở nhà chăm con.
Theo chị Nương, vấn đề nằm ở chỗ nhiều phụ nữ không nhận được sự chia sẻ từ người chồng. Còn gắn lựa chọn nghỉ việc ở nhà chăm con với việc hy sinh vì con là quá nặng nề.
Khi mỗi người cho rằng bản thân đang hy sinh thì sẽ có xu hướng đòi hỏi người khác phải trả ơn, phải đền đáp. Khi không được đền đáp, người hy sinh có thể nảy sinh tâm lý ức chế, bất mãn...
"Sinh con thì phải có trách nhiệm nuôi con, chăm con, tùy điều kiện và lựa chọn của mình, có người ở nhà, có người tiếp tục đi làm. Đứa trẻ nào cũng sợ, cũng đau khổ khi bố mẹ phải hy sinh vì chúng, không đứa con nào có thể hạnh phúc nổi trên sự hy sinh của bố mẹ", chị Nương nói.
Chị Nương cho biết, 8 năm nay chị không đi làm, ở nhà chăm con nhưng chị không xem đó là sự hy sinh, cùng lắm chỉ là sự đánh đổi và lựa chọn sao cho tốt nhất với điều kiện của mình.
"Chồng tôi ra ngoài kiếm tiền lo cho cả gia đình cũng có những vất vả, áp lực riêng, không việc nào dễ dàng cả. Điều cần nhất là sự chia sẻ, thông cảm và hỗ trợ lẫn nhau trong gia đình", người mẹ hai con bày tỏ.
Ước mơ của người vợ là...chồng chơi với con!
Theo một kết quả nghiên cứu của Trường Đại học Văn Lang, Sở LĐ-TB&XH TPHCM và UN Women (Quỹ phát triển phụ nữ của Liên hợp quốc) năm 2022 về công việc chăm sóc không lương (gồm nội trợ, chăm trẻ nhỏ, người già, người khuyết tật, thăm nom, hiếu hỉ... không được trả lương), có đến 61% nữ giới và 59% nam giới tham gia khảo sát cho rằng đó là việc của phái nữ.
Gần 50% phụ nữ chia sẻ, họ phải làm việc nhà vì... không ai làm. Chỉ có 30,5% phụ nữ thực hiện những công việc này vì yêu thích. Đôi khi họ làm việc nhà vì yêu cầu của người khác như bố mẹ, từ chồng vì mặc định đây là việc của phụ nữ.
Kết quả nghiên cứu vào năm 2021 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam chỉ ra, phụ nữ dành trung bình 20,2 giờ/tuần để làm việc nhà, chăm sóc con cái, trong khi nam giới chỉ dành 10,7 giờ cho những công việc này. Gần 1/5 nam giới thậm chí không hề dành thời gian nào cho việc nhà.
Gần một nửa số phụ nữ lựa chọn không hoạt động kinh tế vì "lý do cá nhân hoặc liên quan đến gia đình", trong khi chỉ có 18,9% nam giới không tham gia hoạt động kinh tế viện dẫn lý do này.
Tuy nhiên, nghiên cứu cũng lưu ý, không nên nhầm lẫn việc phụ nữ Việt Nam tham gia tích cực vào lực lượng lao động là chỉ báo cho thấy nữ giới được hưởng cơ hội bình đẳng. Vì thực tế, nhiều phụ nữ phải gánh "áp lực kép" giữa đi làm kiếm tiền và việc nhà.
Trong chương trình về chủ đề phụ nữ hạnh phúc tại TPHCM, chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Tâm (Trung tâm đào tạo & ứng dụng khoa học tâm lý Hồn Việt) kể, trong quá trình tư vấn, bà rất đau lòng khi nhiều chị em bày tỏ ao ước lớn nhất là "chồng đi làm về chịu chơi với con".
Bà Tâm phải thốt lên: "Sao phụ nữ khổ thế! Con là con chung nhưng rồi họ lại phải ước chồng chơi với con, ước chồng để ý, quan tâm đến gia đình".
Thực tế không thiếu những cô gái trẻ sau khi có chồng, có con là từ bỏ công việc lui về ở ẩn, chưa kể trường hợp cam chịu sống khổ sở trong cảnh bạo hành với hai chữ "vì con". Dường như điều gì họ cũng chọn thiệt thòi, gánh nặng về bản thân vì người khác.
Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Tâm, nhiều phụ nữ Việt Nam đang sống trên ảo tưởng của sự hy sinh, rằng mình phải hy sinh mới có giá trị, mới là người phụ nữ xứng đáng.
Ảo tưởng về điều đó, họ quên mất rằng mình là linh hồn của gia đình. Bởi khi phụ nữ phải hy sinh, đau khổ, cạn kiệt, không bình an, không hạnh phúc thì không cách nào để gia đình, chồng con có thể hạnh phúc.
Bà Tâm nhấn mạnh, nhiệm vụ lớn nhất của người vợ, người mẹ là làm cho chính bản thân mình hạnh phúc. Họ cần đầu tư cho chính bản thân, biết hưởng thụ, biết phát triển để chính mình hạnh phúc mới có thể truyền năng lượng hạnh phúc đó sang người bên cạnh.