Đằng sau màn phế truất lịch sử với Chủ tịch Hạ viện Mỹ McCarthy
Tin thế giới - Ngày đăng : 21:28, 04/10/2023
Để ngồi vào ghế Chủ tịch Hạ viện Mỹ vào tháng 1, ông McCarthy đã phải xuống nước trước một nhóm nghị sĩ cứng rắn cùng thuộc đảng Cộng hòa. Cụ thể, ông đồng ý với việc cho phép mọi nghị sĩ có quyền yêu cầu Hạ viện bỏ phiếu bãi nhiệm chủ tịch.
Vào ngày 3/10, một Hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa - Matt Gaetz - đã kích hoạt quyền đó và bãi nhiệm thành công ông McCarthy, với sự giúp đỡ của đảng Dân chủ.
Trong 9 tháng qua, ông McCarthy đã cố gắng bám trụ bằng nhiều lần thỏa hiệp với nhóm nghị sĩ cực hữu trong nội bộ đảng Cộng hòa.
Ông đồng ý mở cuộc điều tra luận tội Tổng thống Joe Biden. Ông cũng rút khỏi thỏa thuận chi tiêu nâng trần nợ đã nhất trí với đảng Dân chủ hồi đầu năm. Ông đã để nhóm nghị sĩ bảo thủ đưa các điều khoản theo thiên hướng cánh hữu vào dự luật chi tiêu và những dự luật khác.
Mọi nỗ lực của ông cuối cùng đều vô ích. Khi Chủ tịch Hạ viện McCarthy phải nhờ đến đảng Dân chủ vào cuối tuần trước để thông qua luật tạm thời ngăn chính phủ Mỹ đóng cửa, số phận của ông đã được định đoạt.
Mâu thuẫn nội tại trong đảng Cộng hòa
Khi tới giờ bỏ phiếu hôm 3/10, toàn bộ 208 Hạ nghị sĩ đảng Dân chủ đều bỏ phiếu bãi nhiệm ông McCarthy. Vì đảng Cộng hòa đang nắm thế đa số tại Hạ viện, ông McCarthy có lẽ đã giữ được ghế nếu toàn bộ 218 Hạ nghị sĩ Cộng hòa cùng bỏ phiếu chống.
Nhưng 8 nghị sĩ Cộng hòa đã quay lưng với vị Chủ tịch Hạ viện.
Mấu chốt đằng sau việc ông McCarthy mất chức nằm ở mâu thuẫn nội bộ đảng Cộng hòa tại Hạ viện, giữa một bên là nhóm thiểu số muốn thay đổi hệ thống và một bên đa số muốn giữ nguyên trạng.
Phần lớn Hạ nghị sĩ Cộng hòa cho rằng họ cần phải giảm kỳ vọng về các mục tiêu lập pháp tại thời điểm đảng Cộng hòa chỉ chiếm đa số sít sao tại Hạ viện, trong khi cả Nhà Trắng và Thượng viện do đảng Dân chủ kiểm soát. Tuy nhiên, phía thiểu số muốn tỏ thái độ cứng rắn và không thỏa thiệp.
Nhóm đa số ghi nhận ông McCarthy đã cố gắng khôi phục "trật tự". Khi ông McCarthy thỏa hiệp với đảng Dân chủ để đạt thỏa thuận giới hạn trần nợ và thông qua dự thảo chi tiêu tạm thời - đạo luật khiến ông lọt vào tầm ngắm của ông Gaetz, những người ủng hộ cho rằng ông McCarthy đã làm điều đúng đắn.
"Ông ấy đã làm những gì mà một Chủ tịch Hạ viện phải làm", Hạ nghị sĩ Tom Cole thuộc đảng Cộng hòa và là đồng minh của ông McCarthy, cho biết. "Ông ấy cho thấy Hạ viện có thể hoạt động trong thời điểm khủng hoảng. Và cuối cùng, tôi nghĩ ông ấy đã làm điều đúng đắn cho đảng của chúng tôi".
Nhưng Hạ nghị sĩ Gaetz, người dẫn đầu vụ bãi nhiệm, cho rằng nếu đảng Cộng hòa không vạch ra lập trường cứng rắn hơn, họ sẽ không thay đổi được gì và không thể thúc đẩy các ưu tiên chính sách của mình, như yêu cầu cắt giảm mạnh chi tiêu chính phủ và siết an ninh biên giới.
Điều này thể hiện rằng có một nhóm Hạ nghị sĩ Cộng hòa có thể không chịu thỏa hiệp ngay cả khi điều đó đồng nghĩa với các hệ quả nhãn tiền, như việc chính phủ Mỹ đóng cửa.
Hiện vẫn chưa rõ ai có thể giành đủ sự ủng hộ để kế nhiệm ông McCarthy, người đã nói sẽ không tiếp tục tái tranh cử Chủ tịch Hạ viện. Nhưng bất kể đó là ai, họ cũng sẽ phải thừa kế thách thức của ông McCarthy: Kiểm soát được nhóm thiểu số cứng rắn trong đảng.
"Ngày hôm nay một phần là kết quả của việc đảng Cộng hòa cố nhường nhịn một nhóm nhỏ thành viên đảng Cộng hòa MAGA cực đoan, những người sẽ không thỏa mãn với bất kỳ sự thỏa hiệp khả dĩ nào trong bối cảnh chính trị hiện nay", Hạ nghị sĩ Steny H. Hoyer của đảng Dân chủ nói.
Không được lòng đảng Dân chủ
Khi yêu cầu Hạ viện bỏ phiếu bãi nhiệm Chủ tịch Hạ viện vào hôm 2/10, Hạ nghị sĩ Gaetz cũng chuẩn bị tinh thần cho trường hợp đảng viên Dân chủ sẽ cứu ông McCarthy.
"Đó là kết quả có thể xảy ra", ông Gaetz nói với phóng viên trước giờ bỏ phiếu.
Nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại, nguyên nhân là do nhiều đảng viên Dân chủ không còn tín nhiệm ông McCarthy.
"Không ai tin tưởng Kevin McCarthy", Hạ nghị sĩ Pramila Jayapal của đảng Dân chủ, nói với các phóng viên.
Trúng cử vào Hạ viện từ năm 2006, ông McCarthy đã trải qua 12 năm đầu tiên trong sự tín nhiệm của thành viên từ cả hai đảng. Ông thường tập gym tại phòng tập của Hạ viện bên cạnh người từ cả hai phía.
Nhưng các đảng viên Dân chủ lúc này nói rằng họ không còn nhận ra Kevin McCarthy mà họ biết từ khoảng một thập niên trước, sau khi ông đã nhiều lần nhượng bộ nhóm đảng viên Cộng hòa cực hữu. Họ cho rằng ông đã biến thành nhà lãnh đạo vô nguyên tắc, cố bấu víu quyền lực bằng mọi cách.
Một số đảng viên Dân chủ tỏ ra cảm thông với ông McCarthy khi ông phải xoa dịu một nhóm cực đoan cánh hữu. Nhưng họ cũng cho rằng ông đã phải trả giá vì nhiều lần nói lời không giữ lời.
Sau vụ bạo loạn ngày 6/1/2021, ông McCarthy đã đổ lỗi cho Tổng thống Donald Trump và kêu gọi thành lập ủy ban điều tra độc lập. Nhưng sau đó, ông lại làm lành và ủng hộ ông Trump, đồng thời phản đối mở cuộc điều tra vụ bạo loạn.
Một số đảng viên Dân chủ cũng chỉ ra rằng chính ông McCarthy - vì muốn nắm quyền - đã đồng ý nới lỏng quy định bãi nhiệm Chủ tịch Hạ viện, góp phần đưa đến sự bất ổn cho cơ quan này.
"Ông ấy đã mang lại sự hỗn loạn cho Hạ viện và giờ lại nói rằng giúp ông giữ ghế là cách chúng ta có thể giải quyết vấn đề đó? Đó là lập luận không thuyết phục", Hạ nghị sĩ Adam Smith của đảng Dân chủ nói.
Vào tháng 5, ông McCarthy đã đạt thỏa thuận với Tổng thống Joe Biden về vấn đề nợ và ngân sách. Nhưng chỉ vài tuần sau, ông rút khỏi thỏa thuận đó khi phải đối mặt với áp lực từ các đảng viên Cộng hòa cực hữu, những người nói ông từng hứa sẽ giảm chi tiêu sâu hơn.
Đối mặt với 2 lời hứa, ông McCarthy đã chọn phe đảng Cộng hòa và ra lệnh cho Ủy ban Phân bổ Ngân sách của Hạ viện cắt hơn 100 tỷ USD.
Lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ viện, ông Hakeem Jeffries, đánh giá ông McCarthy không khác gì những nhân vật cực đoan nhất của đảng Cộng hòa.
"Do họ không sẵn lòng thoát khỏi chủ nghĩa cực đoan MAGA một cách thực chất và toàn diện, lãnh đạo đảng Dân chủ tại Hạ viện sẽ bỏ phiếu đồng ý với kiến nghị của đảng Cộng hòa về việc bãi nhiệm Chủ tịch", ông Jeffries cho biết chỉ vài phút trước khi cuộc bỏ phiếu bắt đầu.