Bí ẩn đằng sau thành công của thể thao Triều Tiên tại Asiad 19
Câu chuyện thể thao - Ngày đăng : 18:56, 04/10/2023
Lực lượng vận động viên (VĐV) ít ỏi (chỉ 185 VĐV tham gia thi đấu ở 17 nội dung), ít hơn nhiều so với các đoàn khác. Ví dụ, 185 VĐV của Triều Tiên thua xa 289 VĐV Malaysia và 332 VĐV của đoàn thể thao Việt Nam tại Asiad 19.
Số lượng VĐV này chưa bằng 1/2 so với số lượng VĐV của Philippines (391), Indonesia (414), Singapore (431). Thậm chí, số lượng VĐV của Triều Tiên chỉ bằng 1/5 so với Thái Lan (934).
Thế nhưng, số lượng và chất lượng huy chương của đoàn Triều Tiên bỏ xa rất nhiều đoàn nói trên. Tính cho đến buổi sáng 4/10, đoàn Triều Tiên có tổng cộng 23 huy chương các loại, chỉ kém 40 huy chương tương ứng của đoàn Thái Lan, cao hơn Indonesia (22 huy chương các loại), Singapore (13) và ngang Malaysia (23).
Tuy nhiên, trong số 23 huy chương của Triều Tiên, có đến 7 huy chương vàng (HCV), chỉ kém con số 10 HCV của Thái Lan, cao hơn 6 HCV của Indonesia, bỏ xa số HCV của Singapore (3 HCV), Malaysia (3), Việt Nam (2) và Philippines (1).
Tính trên bảng thành tích toàn đoàn tại Asiad 19, đến sáng 4/10, Triều Tiên xếp hạng 8. Họ chỉ kém các siêu cường về kinh tế cũng như thể thao châu Á, gồm chủ nhà Trung Quốc (161 HCV), Nhật Bản (33 HCV), Hàn Quốc (32), Ấn Độ (15), Uzbekistan (14), Đài Loan (12) và Thái Lan (10).
Thành công của đoàn thể thao Triều Tiên khiến cho hãng thông tấn danh tiếng Reuters phải thốt lên: "Quốc gia Đông Á đầy bí ẩn này lại lọt vào sách kỷ lục Guiness, nơi nhiều vận động viên (VĐV) của họ thi đấu quốc tế lần đầu tiên kể từ sau dịch Covid-19".
Quay về phương Đông, ngay đến quốc gia láng giềng với Triều Tiên và Nhật Bản cũng băn khoăn về cách mà người Triều Tiên thành công tại Asiad 19, sau nhiều năm không tham gia các sự kiện thể thao quốc tế.
Tờ Kyodo News của Nhật Bản bình luận: "Tính từ Asiad 18 năm 2018 tại Palembang (Indonesia), Triều Tiên không tham dự bất kỳ đại hội thể thao. Các VĐV Triều Tiên không ra nước ngoài từ đó đến nay, sau các biện pháp tạm đóng cửa của đất nước họ, nhằm kiểm soát dịch Covid-19".
Không ra nước ngoài thi đấu quốc tế trong suốt nhiều năm, tức là VĐV Triều Tiên hầu như chỉ "tập chay", nhưng họ vẫn thành công, đấy càng là hiện tượng lạ.
Trả lời hãng thông tấn Xinhua của Trung Quốc (hay còn gọi là Tân Hoa Xã), một quan chức thể thao Triều Tiên hé lộ: "Chúng tôi không có bí quyết gì cả, các VĐV của chúng tôi chỉ tập luyện chăm chỉ cho Asiad 19, sau khi bỏ lỡ quá nhiều giải đấu quốc tế".
Các vận động viên Triều Tiên không thi đấu cọ xát quốc tế, không có điều kiện để so sánh thành tích với các quốc gia xung quanh, cũng như thiếu đi động lực để đua tranh, từ đó cải thiện các thông số.
Trong điều kiện thông thường, nhiều VĐV của hầu hết các quốc gia khác sẽ thui chột nếu thiếu đối tượng cọ xát có chất lượng (đây là trường hợp từng xảy ra với nữ kình ngư Ánh Viên của bơi Việt Nam khi tập huấn tại Mỹ, như chính HLV của Ánh Viên ngày đó từng than phiền), nhưng các VĐV Triều Tiên vẫn đầy mạnh mẽ khi trở lại với đấu trường Asiad.
Điển hình là nữ VĐV cử tạ Kim Il Gyong ở hạng 59kg nữ. Cô phá đến 6 kỷ lục ở hạng cân của chính mình, gồm kỷ lục châu Á, kỷ lục trẻ châu Á, kỷ lục thế giới cử giật (111kg), kỷ lục trẻ thế giới cử đẩy (135kg), kỷ lục trẻ châu Á và kỷ lục trẻ thế giới tổng cử (246kg).
Bóng đá Triều Tiên là một ví dụ khác, họ mất cơ hội thi đấu ở nhiều giải từ vòng loại World Cup, vòng loại Olympic, Asiad Cup trong khoảng 5 năm qua, nhưng khi tái xuất tại Asiad 19, đội tuyển bóng đá nữ Triều Tiên đã có mặt tại chung kết, tái khẳng định vị trí cường quốc bóng đá nữ hàng đầu châu lục.
Trang Kyodo News của Nhật Bản nói về tinh thần thể thao, tinh thần dân tộc mạnh mẽ của các VĐV Triều Tiên: "Các VĐV Triều Tiên rơi nước mắt trên bục vinh quang khi chứng kiến lá cờ tổ quốc của họ bay cao trên đầu họ. Riêng các VĐV bắn súng đưa tay chào theo phong cách của những người lính".