Vụ ‘nữ sinh quỳ trước cả lớp’: Người lớn gây tổn thương nhưng lại quên chữa lành

Giáo dục - Đời sống trẻ - Ngày đăng : 17:01, 04/10/2023

Hiệu trưởng trường THPT Đa Phúc, Sóc Sơn, Hà Nội đòi xem xét, kỷ luật học sinh phát tán video nữ sinh quỳ trước lớp đã bị dư luận phản đối quyết liệt. Tổn thương của nữ sinh, người lớn gây ra nhưng lại thiếu trách nhiệm chữa lành.

Những ngày qua, mạng xã hội “dậy sóng” vì vụ nữ sinh quỳ trước lớp. Việc xảy ra tại trường THPT Đa Phúc, Sóc Sơn, Hà Nội, do không mua bánh ở cửa hàng chỉ định, nữ sinh lớp 12 bị cô giáo chủ nhiệm xúc phạm bằng những ngôn từ nặng nề. Thậm chí, cô giáo còn dùng tay va chạm khiến nữ sinh bị kéo lê.

Khi vụ việc bị phát tán trên mạng xã hội, hiệu trưởng trường ông Nguyễn Duy Hiền đã phân trần không có chuyện cô giáo đánh học sinh, mà gọi đây là “hành vi chưa chuẩn mực”. Đồng thời, trả lời trên báo Người Lao Động, hiệu trưởng trường THPT Đa Phúc cho biết “việc phát tán video đã làm ảnh hưởng đến hình ảnh của nhà trường và tâm lý của rất nhiều học sinh”.

ggfh.jpg
Trường THPT Đa Phú, nơi xảy ra vụ việc đau lòng khiến dư luận phẫn nộ

Vì lẽ đó, ông Hiền khẳng định nếu kết luận của cơ quan công an là vi phạm Luật An ninh mạng, nhà trường sẽ “xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”.

Phát biểu của hiệu trưởng Nguyễn Duy Hiền vấp phải phản ứng quyết liệt của cộng đồng mạng. Theo đó, phần đông ý kiến đều cho rằng không có điều khoản nào cấm quay phim, chụp ảnh những hành vi vi phạm pháp luật và đăng lên mạng.

Thứ hai, theo lời tài khoản Facebook đã tham vấn luật sư thì “các hình ảnh được ghi lại và sử dụng để bảo vệ an ninh trật tự, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật, hoặc vì lợi ích chung không bị pháp luật nghiêm cấm, thậm chí còn phải hoan nghênh”.

Như vậy, có thể khẳng định dư luận ủng hộ hành vi quay phim nhằm tố cáo những hành động sai quấy của bất kỳ cá nhân nào, đặc biệt ở đây là phạm vi nhà trường.

Quan trọng hơn, điều đáng nói ở đây là thái độ, cách xử lý vấn đề của hiệu trưởng trường THPT Đa Phúc không thuyết phục đám đông, ngược lại càng khiến dư luận bất bình.

Đông đảo ý kiến đều cho rằng khi sự việc không hay xảy ra, với tư cách người đứng đầu trường học, ông Nguyễn Duy Hiền cần xin lỗi nữ sinh và gia đình vì đã không quản lý chặt chẽ. Đồng thời, hiệu trưởng cần xử lý nghiêm cô giáo chủ nhiệm và xin lỗi cả dư luận, cuối cùng là lời hứa đảm bảo không để sự việc tái diễn.

Văn hóa xin lỗi là điều nên có, nhất là trong môi trường học đường. Nhưng không phải xin lỗi qua loa, hời hợt. Khi sự việc xảy ra, công an vào cuộc, Sở Giáo dục và đào tạo Hà Nội yêu cầu làm rõ, dư luận lên án, thì cách xử lý của hiệu trưởng Nguyễn Duy Hiền chẳng khác nào “đổ dầu vào lửa”.

Nạn nhân ở đây chính là nữ sinh. Có thể câu chuyện rồi sẽ qua đi, nhà trường, cô giáo (cũng đã xin lỗi nhưng đây chưa phải cách giải quyết) rồi sẽ nhận hình thức kỷ luật xác đáng, nhưng tổn thương về tinh thần sẽ còn mãi với em.

Người lớn trong trường hợp này đều tự bào chữa cho bản thân, nhưng quên mất phải chữa lành cho em thế nào khi tất cả đều góp phần làm tổn thương em.

An Nhiên (Tổng hợp MXH)