Chính phủ báo cáo tiến độ di dời trụ sở bộ ngành ra khỏi trung tâm Hà Nội
Nhịp sống - Ngày đăng : 11:58, 04/10/2023
Chính phủ vừa có gửi Quốc hội, đại biểu Quốc hội báo cáo việc thực hiện một số Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4, trong lĩnh vực xây dựng.
36 cơ quan thuộc đối tượng quy hoạch di dời
Báo cáo về lộ trình di dời trụ sở các cơ quan ra khỏi nội thành Hà Nội, Chính phủ cho biết Bộ Xây dựng đã rà soát 36 cơ quan Trung ương thuộc đối tượng quy hoạch để xây dựng phương án quy hoạch cụ thể, trong đó gồm 18 bộ, 4 cơ quan ngang bộ, 8 cơ quan thuộc Chính phủ và 6 cơ quan Trung ương các đoàn thể.
Sau khi Bộ Xây dựng đề xuất phương án, Thủ tướng đã đồng ý chủ trương bố trí hệ thống trụ sở bộ ngành tập trung phát triển tại khu Tây Hồ Tây (khoảng 35ha) và một phần tại khu vực Mễ Trì.
Phương án di dời gồm 2 nhóm.
Một là nhóm cơ quan đã xây dựng trụ sở tại vị trí mới và cải tạo chỉnh trang tại chỗ, bao gồm 23 cơ quan, trong đó 8 cơ quan đã được bố trí quỹ đất và thực hiện đầu tư xây mới, và 15 cơ quan thực hiện cải tạo tại chỗ.
Hai là nhóm cơ quan đề xuất di dời gồm, 12-14 cơ quan.
Đồ án Quy hoạch xây dựng hệ thống trụ sở làm việc của các bộ, ngành tại Hà Nội cũng đã được Thủ tướng phê duyệt hồi cuối tháng 4.
Ngoài ra, Chính phủ cho biết thêm, kế hoạch di dời các cơ sở giáo dục đại học, bệnh viện ra khỏi trung tâm thủ đô Hà Nội sẽ do Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế chủ trì đề xuất, trình Thủ tướng. Các cơ quan liên quan và địa phương trong vùng Thủ đô hiện đang tích cực triển khai nhiệm vụ này.
Liên quan tình hình xử lý vi phạm về chất lượng công trình xây dựng, điều chỉnh quy hoạch, Chính phủ cho biết tính đến tháng 9, thanh tra Bộ Xây dựng tiến hành 10 đoàn thanh tra lĩnh vực phát triển đô thị, hoạt động đầu tư xây dựng, phát triển đô thị và kinh doanh bất động sản.
Qua thanh tra, Chính phủ cho biết nhiều sai phạm được phát hiện. Điển hình là việc điều chỉnh quy hoạch, nhất là điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết tại một số dự án còn tùy tiện, có xu hướng tăng tầng cao, mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất.
Trong khi đó, diện tích đất cây xanh công cộng, đất công trình hạ tầng kỹ thuật bị giảm. Thực tế này thường diễn ra tại các thành phố lớn, có sức hấp dẫn và thu hút đầu tư cao.
"Các dự án thường điều chỉnh quy hoạch chi tiết trong thời gian thực hiện, nội dung điều chỉnh chủ yếu là tăng số tầng cao, diện tích sàn, chia nhỏ căn hộ, thay đổi công năng... dẫn tới gia tăng dân số", báo cáo của Chính phủ nêu rõ.
Trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, Chính phủ "điểm danh" sai phạm liên quan việc bán và cho thuê nhà ở hình thành trong tương lai.
105 dự án thuộc đối tượng cho vay của gói 120.000 tỷ
Báo cáo về nhiệm vụ thực hiện Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, Chính phủ cho biết trong giai đoạn 2021-2025, tính đến 30/6, cả nước đã hoàn thành hoàn thành 41 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị với quy mô xây dựng khoảng 19.516 căn; đang tiếp tục triển khai 294 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 288.499 căn.
Tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2023, số lượng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp đã được khởi công là 9 dự án, với tổng số khoảng 18.768 căn.
Trong đó, nhà ở xã hội có 6 dự án với quy mô 7.730 căn (Hải Phòng 4 dự án với 6.707 căn; Hà Nội 1 dự án - 720 căn và Lâm Đồng 1 dự án với 303 căn); nhà ở công nhân 3 dự án có quy mô 11.038 căn (Hải Phòng 1 dự án - 2.538 căn; Bình Định 1 dự án với 1.500 căn; Bắc Giang 1 dự án - 7.000 căn).
Về triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo chung cư cũ, Chính phủ cho biết hiện có khoảng 105 dự án đã được cấp phép xây dựng, đang triển khai đầu tư xây dựng thuộc đối tượng cho vay của gói 120.000 tỷ đồng.
Theo tổng hợp báo cáo, đến nay, 12 Sở Xây dựng đã rà soát hồ sơ, lập danh mục 37 dự án với tổng mức đầu tư khoảng 42.463 tỷ đồng nhu cầu vay vốn khoảng 17.850 tỷ đồng, đủ điều kiện trình UBND cấp tỉnh xem xét công bố danh mục dự án. Các dự án này đang được chính quyền tỉnh xem xét, rà soát để công bố trong thời gian tới.
Ngoài ra, thống kê trong báo cáo của Chính phủ cho thấy đã có 5 UBND tỉnh (Trà Vinh, Tây Ninh, Bình Dương, Hà Tĩnh và Đà Nẵng), công bố danh mục 11 dự án đủ điều kiện vay theo Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng với tổng vốn đầu tư 7.897 tỷ đồng, nhu cầu vay vốn khoảng 2.681 tỷ đồng.