Bình Dương muốn Bộ TT&TT làm ‘kiến trúc sư trưởng’ về chuyển đổi số cho tỉnh

Xe - Công nghệ - Ngày đăng : 10:02, 04/10/2023

Trong gần 3 tiếng làm việc với đoàn công tác tỉnh Bình Dương, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã trao đổi, giải đáp trực tiếp để giúp địa phương này tháo gỡ các khó khăn đang gặp phải.

Chiều ngày 3/10, tại Hà Nội, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số Nguyễn Mạnh Hùng và Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương Nguyễn Văn Lợi đã đồng chủ trì buổi làm việc của Bộ TT&TT với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Dương.

Buổi làm việc còn có sự tham gia của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Nguyễn Lộc Hà, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long, lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ TT&TT cùng đại diện cơ quan, đơn vị của tỉnh Bình Dương như Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng UBND tỉnh, Sở TT&TT, Công an tỉnh, Sở KH&CN...

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng và Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi chủ trì buổi làm việc chiều ngày 3/10. (Ảnh: Lê Anh Dũng)

Phần lớn thời gian chương trình làm việc giữa Bộ TT&TT và tỉnh Bình Dương đã được Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng và Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi điều hành theo phương thức trao đổi, tháo gỡ dứt điểm từng nội dung công việc liên quan đến lĩnh vực TT&TT mà Bình Dương đang gặp khó khăn, vướng mắc.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi khẳng định, lãnh đạo tỉnh có đủ quyết tâm, tỉnh cũng có điều kiện về đầu tư hạ tầng. Tỉnh ủy Bình Dương chủ trương thành lập một Ban chỉ đạo chung cho cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, Đề án 06, đô thị thông minh và Bí thư Tỉnh ủy được thường trực phân công trực tiếp lãnh đạo.

Là một tỉnh đang phát triển ở top đầu trong vùng, Bình Dương cũng đã triển khai nhiều nội dung công việc về chuyển đổi số, cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh... Tuy vậy, địa phương vẫn đang lúng túng trong thực hiện các công việc, không biết nên làm việc gì trước, việc gì sau và khớp nối các công việc thế nào cho hiệu quả.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, hướng dẫn chuyển đổi số địa phương sẽ sớm được Bộ ban hành để Bình Dương cũng như các tỉnh khác có thể dựa vào đó thực hiện chuyển đổi số. (Ảnh: Lê Anh Dũng)

Giải đáp nỗi trăn trở của lãnh đạo Bình Dương, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã giới thiệu dự thảo “Kế hoạch hành động chuyển đổi số địa phương giai đoạn 2023 – 2025” do Bộ TT&TT xây dựng. Tài liệu này được viết đơn giản, dễ hiểu, chỉ ra những công việc cụ thể để chuyển đổi số địa phương từ nay đến năm 2025, trong đó hướng dẫn tỉnh phải làm gì, làm như thế nào và bao giờ xong.

Cam kết chậm nhất là ngày 20/10 Bộ TT&TT sẽ ban hành hướng dẫn chuyển đổi số địa phương, người đứng đầu ngành TT&TT cũng cho biết đây là cách làm mới của Bộ, sẽ được áp dụng cho nhiều lĩnh vực khác. “Với hướng dẫn chuyển đổi số địa phương, có khoảng 50 – 60 việc, trong đó khoảng 60 -70% việc tỉnh không phải làm, mà được thực hiện từ trung ương và doanh nghiệp. Địa phương chỉ phải làm khoảng 30%”, Bộ trưởng thông tin.

Trong khuôn khổ buổi làm việc, lãnh đạo Bộ TT&TT và các cơ quan tham mưu cũng thảo luận với các đơn vị của tỉnh để tìm ra hướng tháo gỡ, giải quyết một số vấn đề khác của tỉnh như có nên đầu tư xây dựng Khu CNTT tập trung tại Bình Dương và quy mô của khu này thế nào là phù hợp; việc cấp phép đầu tư mạng 5G dùng riêng cho Becamex IDC phục vụ nhà máy thông minh; cách gỡ khó trong chia sẻ dữ liệu từ cơ sở chuyên ngành của Bộ GD&ĐT cho địa phương; hay khó khăn trong đầu tư Trung tâm giám sát an ninh trật tự và an toàn giao thông của địa phương do thiếu tiêu chuẩn camera...

Theo Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi, hướng dẫn chuyển đổi số địa phương do Bộ TT&TT xây dựng đã giải đáp được băn khoăn của tỉnh về việc phải làm gì, làm thế nào khi chuyển đổi số. (Ảnh: Lê Anh Dũng)

Qua gần 3 tiếng trao đổi, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi cho biết, các đơn vị của tỉnh đã ‘vỡ lẽ’ được nhiều điều. Ông đề nghị các đơn vị thời gian tới kết nối chặt chẽ với các cục, vụ của Bộ TT&TT.

Một lần nữa khẳng định quyết tâm của lãnh đạo tỉnh Bình Dương trong việc xây dựng chính quyền số, nền kinh tế số, xã hội số và hướng tới hình thành thành phố thông minh để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn, ông Nguyễn Văn Lợi bày tỏ mong muốn nhận được sự tham mưu của Bộ TT&TT với vai trò như một ‘kiến trúc sư trưởng’ về CNTT, chuyển đổi số cho tỉnh.

“Buổi làm việc là bài học của chúng ta, cho thấy cần phải gắn kết với Bộ TT&TT. Đặc biệt, các tỉnh đang phát triển như Bình Dương, cần thiết phải có sự giúp sức của Bộ TT&TT”, ông Nguyễn Văn Lợi chia sẻ.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Thứ trưởng Phạm Đức Long và lãnh đạo một số đơn vị của Bộ TT&TT chụp ảnh lưu niệm với đoàn công tác của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Dương. (Ảnh: Lê Anh Dũng)

Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh quan điểm khi có việc thì cần phải giải đến tận cùng. Những buổi làm việc, trao đổi 2 chiều như hôm nay, không chỉ Bộ TT&TT tư vấn, hỗ trợ cho tỉnh giải quyết, tháo gỡ những khó khăn địa phương gặp phải, mà ở chiều ngược lại tỉnh cũng giúp cho các cơ quan, đơn vị của Bộ tốt hơn lên.

“Các cục, vụ của Bộ TT&TT khi trả lời  câu hỏi, vấn đề của địa phương cũng sẽ giỏi lên. Các đơn vị chỉ có thể giỏi lên thông qua những việc cụ thể. Bản chất ở đây là sự giúp đỡ, hỗ trợ 2 chiều”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu quan điểm.

Người đứng đầu ngành TT&TT cũng chia sẻ với tỉnh Bình Dương rằng, những việc thấy khó, nghĩa là không có trong hệ tri thức của mình, vì thế không nên cố nghĩ mà cần nhanh chóng mang đi hỏi ở chỗ có kiến thức hơn. Cùng với đó, trên cơ sở hiểu rõ văn hóa Việt Nam, địa phương nên chú trọng trao đổi qua điện thoại với các cục, vụ để nắm được nhiều thông tin hơn, thay vì chỉ hỏi bằng văn bản.

Nhấn mạnh tinh thần phục vụ, hỗ trợ địa phương của Bộ TT&TT, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị Bình Dương trong quá trình triển khai công việc, khi gặp vướng mắc, muốn có ý kiến tư vấn, thẩm định thì lúc nào cũng có thể hỏi các đơn vị thuộc Bộ.