Anh nông dân học hết lớp 7 chế tạo hàng chục loại máy, 'phủ sóng' 15 nước
Nhịp sống - Ngày đăng : 09:46, 04/10/2023
Vài năm gần đây, anh Phạm Văn Hát (SN 1972) là nhân vật nổi tiếng trên các phương tiện truyền thông trong và ngoài nước, bởi anh rất giỏi sáng chế các máy móc, thiết bị phục vụ cho lĩnh vực nông nghiệp.
Được biết, sản phẩm của anh đã có mặt ở 63 tỉnh, thành phố trên cả nước và xuất khẩu đi 15 quốc gia, trong đó có cả những nước có nền khoa học phát triển như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản,…
Một điều đặc biệt, anh Hát mới học hết lớp 7, chưa từng theo học các khóa đào tạo về cơ khí, chế tạo, nhưng vì đam mê nên anh đã thành công.
Một người nổi tiếng, bán được nhiều máy móc, thiết bị nông nghiệp, tôi nghĩ chắc chắn anh là người giàu có, cơ ngơi xưởng sản xuất sẽ rất hoành tráng. Thế nhưng, khi tìm về xã Ngọc Kỳ, huyện Tứ Kỳ (Hải Dương), tôi ngỡ ngàng khi xưởng chế tạo và nhà anh rất "khiêm tốn".
Xưởng chế tạo của anh Hát chỉ rộng vài chục m2, bên trong bày biện lỉnh kỉnh đồ đạc, cùng các máy móc thiết bị cơ khí đã cũ. Cả nhà xưởng và ngôi nhà mà gia đình anh Hát đang ở rộng khoảng 150m2.
Anh tiếp chúng tôi trong bộ đồ thợ cơ khí xanh thẫm còn khá mới, chân đi dép lê. Nói về vụ cháy chung cư mini ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) gây hậu quả thương tâm, anh cho biết mình mới chế tạo thành công thiết bị thoát nạn cho người sống tại các tòa nhà cao tầng.
"Với thiết bị của tôi, người già, trẻ em, phụ nữ đều sử dụng được một cách rất dễ dàng. Tòa nhà cao 100 tầng cũng lắp đặt được, đưa người thoát xuống với tốc độ nhanh như thang máy, cực kỳ an toàn. Tôi cùng cộng sự đã thử nghiệm 10 lần thiết bị này và đều thành công", anh Hát nói.
Anh nói đây là thiết bị "3 không" rất đặc biệt: Không dùng điện, không người vận hành và không phải bảo trì, bảo dưỡng
Nhưng khi chúng tôi đề xuất được xem thực tế thiết bị này thì anh Hát từ chối và giải thích, vì lý do bản quyền nên chưa công bố.
"Tôi đang tìm đối tác để hợp tác làm sản phẩm này. Hiện đã có một đối tác là người Việt Nam sinh sống ở Canada muốn hợp tác với tôi, chúng tôi đang đàm phán", anh Hát chia sẻ.
Nhớ lại giai đoạn đầu khi bắt đầu sáng chế máy nông nghiệp, anh Hát kể, những năm 1989-1990 anh đi làm thuê cho xưởng cơ khí chế tạo sản phẩm thùng xe công nông. Lúc đó anh Hát còn nhỏ nên chủ yếu phụ giúp việc cho các xưởng và xem những người thợ lành nghề làm. Nhưng anh cảm nhận, "lửa cơ khí" đã nhen nhóm trong anh từ giai đoạn đó.
Tiếp đến, anh mở đại lý bia và hàng ngày đi giao bia cho các hàng quán khắp huyện Tứ Kỳ. Do có thời gian nhàn rỗi nên giai đoạn 2007-2010, anh Hát vay mượn tiền để đầu tư làm trang trại sản xuất sản phẩm nông nghiệp an toàn.
Thời điểm đó, anh Hát là người tiên phong ở miền Bắc làm mô hình trang trại nông nghiệp. Trang trại của anh được cả lãnh đạo trung ương về tham quan.
Nhưng khoảng năm 2010, trang trại nông nghiệp của anh Hát thất bại, anh phá sản với số nợ gần 4 tỷ đồng, trong đó có khoảng 800 triệu đồng vay lãi ngày.
Sau thất bại này, tháng 10/2010, anh vay mượn được 200 triệu đồng sang Israel lao động với hy vọng sẽ tìm ra "cái ngu" của mình để có lời giải vì sao làm trang trại nông nghiệp thất bại.
"Tôi có nghe qua đài, báo thì biết Israel là quốc gia có nền khoa học về nông nghiệp rất phát triển. Tôi sang đó để lao động kiếm tiền trả nợ và cũng tìm hiểu xem mình ngu ở chỗ nào mà làm trang trại nông nghiệp lại thất bại", anh Hát chia sẻ.
Sang Israel làm công việc như rải phân, thu hoạch rau, củ… sau một thời gian, anh Hát nhận ra rằng mình thất bại do làm trang trại nông nghiệp sớm quá.
"Sau này tôi mới nhận ra mình làm trang trại nông nghiệp với sản phẩm an toàn sớm quá, sớm chừng 10 năm. Bởi giai đoạn đó, người dân ăn còn chưa no thì họ chưa thể nghĩ tìm đồ ăn ngon để mua, do đó tôi đã thất bại", anh Hát nói.
Anh Hát kể, mặc dù Israel là quốc gia có nền khoa học công nghệ trong nông nghiệp rất phát triển, nhưng việc rải phân vẫn phải làm thủ công. Anh mạnh dạn đề xuất với ông chủ cho cải tiến chiếc máy đang dùng để giải phóng bớt sức lao động khi thực hiện công việc rải phân trên cánh đồng.
Do không biết tiếng Anh nên ông chủ đã phải nhờ Đại sứ quán Việt Nam tại Israel phiên dịch. Người chủ bày tỏ băn khoăn tỷ lệ cải tiến thành công bao nhiêu phần trăm, thay thế được bao nhiêu lao động?
Anh Hát nói sẽ chế tạo thành công chiếc máy thay thế được 8-10 lao động. Ông chủ nhất trí và đi mua thiết bị về cho anh sáng chế. Trong vòng 4 ngày anh đã chế tạo thành công chiếc máy rải phân.
"Tôi nhớ, bước sang ngày thứ 4, lúc đó trời nhá nhem tối, ông chủ vẫn bảo tôi mang máy ra đồng trình diễn. Lúc xem máy hoạt động, bố con ông chủ thích lắm. Nhưng tôi vẫn lắc đầu và ra hiệu vẫn phải cải tiến thêm. Ông chủ bảo giữ nguyên chiếc máy đó, tiếp tục đi mua thiết bị về cho tôi cải tiến chế tạo chiếc máy thứ 2", anh Hát nhớ lại.
Chiếc máy rải phân thứ 2 ra đời, ông chủ thích thú đã mang chiếc máy đặt giữa sân nhà và dùng bình sơn lên máy chữ H, mang ý nghĩa máy do anh Hát chế tạo ra. Nhưng anh Hát vẫn lắc đầu tỏ vẻ chưa ưng ý và nói cần cải tiến thêm.
Ông chủ lại tiếp tục đi mua thiết bị về cho anh Hát cải tiến chế tạo. Chiếc máy rải phân thứ 3 ra đời, theo anh Hát đó là chiếc máy hoàn thiện.
"Khi tôi chế tạo xong chiếc máy rải phân thứ 3, ông chủ mang chiếc máy ra cánh đồng trình diễn trước sự chứng kiến của hàng chục người bạn làm nông nghiệp ở Israel. Ông chủ hỏi những người bạn của ông ấy rằng, chiếc máy này đã ổn chưa, có cần cải tiến gì không. Những người bạn đã xoa đầu tôi và xoa đầu họ rồi nói "same same". Tôi không hiểu tiếng Anh, sau này đại sứ quán của mình ở bên đó mới giải thích, ý họ nói họ thông mình và tôi cũng thông minh giống họ", anh Hát cười kể.
Từ việc chế tạo thành công máy rải phân, anh Hát cảm nhận "lửa sáng chế" đã nhen nhóm trong mình.
Ông chủ người Israel đã bán bản quyền sáng chế chiếc máy rải phân đó, thu về được một số tiền. Anh Hát được ông chủ tăng lương, thưởng, thu nhập lúc đó đã lên tới hơn 50 triệu đồng/tháng.
Với suy nghĩ, làm thuê không thể làm giàu được, có chăng chỉ thoát nghèo, nên anh Hát quyết định từ bỏ mức lương cao để về nước mở xưởng cơ khí chế tạo máy nông nghiệp.
Khi anh đề xuất xin về nước đã bị ông chủ từ chối và nói rằng hợp đồng lao động anh ký là 5 năm, trong khi anh mới làm được hơn 1 năm. Anh Hát đã đưa ra nhiều lý lẽ thuyết phục khiến ông đồng ý cho anh về nước.
Đầu năm 2012, anh Hát về nước với canh cánh nỗi lo về khoản nợ gần 4 tỷ đồng chưa trả được. Vợ con, hàng xóm, ai cũng lo lắng về quyết định của anh.
"Tôi sang Israel lao động được hơn một năm thì mới trả được tiền lãi, còn tiền nợ gốc gần 4 tỷ đồng chưa trả được. Tuy nhiên, tôi suy nghĩ, nếu làm ở Israel cứ cho là đều đặn được 50 triệu đồng/tháng, một năm trừ chi phí may ra để được 500 triệu đồng gửi về nhà, thì cũng phải mất 8 năm mới trả hết nợ, trong khi tiền lãi lại tăng lên.
Chính vì vậy tôi quyết tâm về nước mở xưởng cơ khí lập nghiệp", anh Hát nhớ lại giai đoạn khó khăn.
Khi về nước với quyết tâm mở xưởng cơ khí sáng chế, chế tạo máy nông nghiệp, anh Hát nhận nhiều lời đàm tiếu từ người dân địa phương, cho rằng anh đi Israel "ăn cắp" công nghệ về làm theo, chứ không phải sáng chế.
Bỏ ngoài tai những lời đàm tiếu, xưởng cơ khí của anh dần hình thành bằng số tiền vay mượn của bạn bè, người thân.
Ban đầu anh chế tạo, cải tiến những chiếc lưỡi cày máy. Máy cày nào một lưỡi, anh chế thêm thành 2 lưỡi; máy nào 2 lưỡi, anh chế thêm thành 3 lưỡi. Từ sáng chế này, năng suất của những chiếc máy cày tăng lên rất nhiều và nhiều khách hàng đã tìm đến đặt hàng anh làm.
Từ thành công đó, anh Hát lại nhận được gợi ý của người anh trai làm sao chế tạo ra máy đặt hạt, vì mỗi khi vào vụ người nông dân mất nhiều thời gian cho công việc này, thậm chí còn khó thuê lao động.
"Anh tôi nói, chế được máy đặt hạt mới "ăn tiền". Từ câu nói này đã thôi thúc tôi ngày đêm mày mò nghiên cứu. Cuối cùng, sau 2 năm tôi đã nghiên cứu, sáng chế thành công chiếc máy đặt hạt", anh Hát kể.
"Robot đặt hạt" là sản phẩm nổi tiếng nhất của anh Hát. Gọi là robot nhưng chiếc máy này không hề sử dụng chip, rơ le hay máy nén khí mà chỉ có 1 mô tơ, 1 quạt gió, công suất tiêu thụ điện chỉ 200W.
Sản phẩm này có thể thay thế cho 40 lao động thủ công cùng một thời gian làm việc. Điều này cũng giải thích vì sao "robot đặt hạt" của anh hiện đã có mặt tại 63 tỉnh, thành trên cả nước cùng 15 quốc gia trên thế giới, trong đó có những đất nước có nền khoa học phát triển như Israel, Hàn Quốc, Nhật, Mỹ, Anh, Đức, Hà Lan… Có năm, anh Hát bán được hơn 200 sản phẩm.
Anh mất 2 năm để mày mò nghiên cứu "robot đặt hạt", nhưng hiện nay anh chỉ mất khoảng 2 ngày để sản xuất máy.
Anh Hát khoe vừa chế tạo thành công "robot đặt hạt trên khay" trên cơ sở nâng cấp phiên bản "robot đặt hạt". Đặc điểm của robot này là hoạt động hoàn toàn bằng cơ học trong khi các loại máy đang lưu hành tại thị trường trong nước và trên thế giới phải sử dụng nguồn điện 6.000W, gần 20 con chip, rơ le và máy nén khí.
Kết quả thử nghiệm cho thấy "robot đặt hạt trên khay" chỉ mất 6 giây để gieo xong số hạt giống trên một khay có 84 lỗ, trong khi các loại máy trên thị trường phải mất 12-15 giây. Anh Hát đang đợi cấp bản quyền để công bố sản phẩm mới này.
Từ vỡ nợ, đi xuất khẩu lao động rồi trở về khi đống nợ nần chưa trả được, anh Hát đã "đứng dậy" thành công và vươn lên làm giàu. Anh kể, sau khi về nước anh chỉ mất có hơn 2 năm để trả hết khoản nợ gần 4 tỷ đồng.
Từ năm 2013 đến nay, anh đã sáng chế, chế tạo được hơn 40 loại máy móc, thiết bị phục vụ trong nhiều lĩnh vực. Nhiều tổ chức, cá nhân đã đến với anh đưa đề tài, đặt hàng anh sáng chế, chế tạo rồi mua bản quyền.
Cách đây 3 năm, có một tập đoàn máy nông nghiệp nổi tiếng thế giới đã liên hệ mời anh sang làm việc với mức lương 70.000 USD/tháng nhưng anh từ chối.
Anh tâm sự, anh hạnh phúc khi làm giàu thành công trên chính mảnh đất quê hương.
"Bây giờ có giàu thêm hay kém đi cũng không quan trọng. Tôi thấy hạnh phúc khi sản phẩm của tôi được nhiều người nông dân đón nhận, giúp họ giải phóng sức lao động, không phải bán mặt cho đất, bán lưng cho trời như trước nữa.
Giờ đây, với những sản phẩm đã sáng chế ra, tôi để cho nhân viên làm, còn tôi lại tiếp tục nghiên cứu, sáng chế ra những sản phẩm mới".
"Bà con nông dân dùng sản phẩm của tôi đều có chung nhận xét "ngon, bổ, rẻ" (cười). Tôi luôn tâm niệm, phải chế tạo được ra những sản phẩm người dân cần chứ không bán đi những thứ mình có.
Quan trọng hơn là những sản phẩm ấy phải phù hợp với tất cả các vùng miền, điều kiện khác nhau, dễ sử dụng, giá rẻ nhất có thể. Đây là quan điểm nhất quán xuyên suốt quá trình làm việc của tôi từ khi bắt đầu hoạt động sáng chế cho tới nay", anh Hát nói.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Lương Đình Khiêm, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Kỳ (huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương) nhận xét, anh Hát là người có nghị lực vượt khó vươn lên làm giàu. Từ thất bại khi làm trang trại nông nghiệp, anh Hát không nản lòng mà quyết tâm đi hợp tác lao động ở Israel để trả nợ và thay đổi cuộc sống.
"Khi về nước với dù còn khó khăn, nợ nần nhiều nhưng anh Hát đã vượt qua và thành công như ngày hôm nay. Xưởng của anh đã tạo được việc làm cho lao động địa phương. Anh Hát cũng tự nguyện hiến tặng sản phẩm của mình cho các trường học, cơ quan, xí nghiệp ở địa phương", ông Khiêm cho biết.
Thiết kế: Thủy Tiên
Ảnh: Nguyễn Dương - Tiến Mạnh