Nhiều bất cập tại các trang trại chăn nuôi ở Gia Lai
Nhịp sống - Ngày đăng : 19:37, 03/10/2023
Ngày 3/10, Thường trực HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII (nhiệm kỳ 2021-2026) đã khai mạc phiên chất vấn giữa 2 kỳ họp HĐND tỉnh.
Tại phiên chất vấn, cử tri đã kiến nghị vấn đề về pháp lý xây dựng các cơ sở chăn nuôi và tình trạng ô nhiễm môi trường.
Một số dự án chăn nuôi hoạt động khi chưa có cấp giấy phép môi trường, giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi theo quy định của pháp luật.
Đại biểu Ra Lan Song Linh, Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh, nêu ý kiến tại xã Ia Pior, huyện Chư Prông, 15 dự án chăn nuôi đã tác động không nhỏ đến môi trường, đời sống sinh hoạt của người dân. Cơ quan chức năng đã xử phạt hành chính nhưng tình trạng ô nhiễm vẫn chưa dứt điểm.
Một số trang trại chăn nuôi heo có số lượng hơn 1.000 con tại huyện Ia Grai không có giấy phép xây dựng, xây dựng tại khu vực đầu nguồn nước. Dù đã bị xử phạt, yêu cầu dừng hoạt động nhưng trang trại này vẫn còn tồn tại, gây bức xúc cho người dân.
"Trước thực trạng trên, cơ quan chức năng đã có những giải pháp như thế nào trong việc xử lý các cơ sở chăn nuôi vi phạm gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống người dân?", đại biểu Ra Lan Song Linh chất vấn.
Đại biểu Rah Lan Lâm, Giám đốc Công an tỉnh, đồng ý nhiều dự án chăn nuôi tập trung trên địa bàn một xã đã tác động không nhỏ đến nguồn nước, đất, đời sống của người dân.
Một số dự án đi vào hoạt động nhưng lại cho thuê, không đáp ứng yêu cầu về môi trường. Chính vì vậy, việc thực hiện các dự án chăn nuôi, cần có quy hoạch, định hướng bền vững.
Trả lời về vấn đề này, ông Lưu Trung Nghĩa, Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, cho biết tính đến cuối tháng 9, trên địa bàn tỉnh có 209 dự án đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi. Trong đó có 81 dự án chăn nuôi được UBND tỉnh cấp Quyết định chủ trương đầu tư, 28 dự án chăn nuôi đi vào hoạt động.
Một số trang trại chăn nuôi thực hiện chưa nghiêm theo quy định về cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi và giấy phép môi trường. Công tác phối hợp, kiểm tra, xử lý ở địa phương đối với các trang trại chưa nghiêm, chưa có sự phối hợp đồng bộ.
"Nhiều cơ sở chăn nuôi vi phạm về quy định môi trường nhưng bị xử phạt ở mức thấp, thiếu tính răn đe. Để khắc phục, đơn vị đã có nhiều văn bản tham mưu nhằm sửa đổi về việc xử lý, tăng khoảng cách giữa các khu chăn nuôi với khu dân cư. Tuyên truyền các cơ sở thực hiện nghiêm quy định luật chăn nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật công nghệ cao vào chăn nuôi.", ông Nghĩa trình bày giải pháp.
Ông Phạm Minh Trung, Giám đốc Sở TN&MT, cho biết thêm, vẫn còn tình trạng, các dự án chăn nuôi bị xử phạt nhưng vẫn chưa chấp hành mà hoạt động, gây ô nhiễm môi trường.
Để khắc phục, Sở kiến nghị huyện Chư Prông, nơi có mật độ chăn nuôi lớn, cần đánh giá lại tác động môi trường của các cơ sở chăn nuôi. Đồng thời, phối hợp với chính quyền giám sát xử lý khi có vi phạm.
Phát biểu tại phiên chất vấn, ông Trương Hải Long, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, nhấn mạnh: Mặc dù đảm bảo quy định về thủ tục, pháp lý nhưng cơ quan chức năng cần khảo sát tác động về nước, hướng gió, du lịch trước khi tham mưu phê duyệt các dự án chăn nuôi.
Bên cạnh đó, Sở TN&MT cần xử lý kịch khung về ô nhiễm môi trường đối với các cơ sở chăn nuôi vi phạm. Nếu vi phạm nhiều lần, cần có những biện pháp nặng hơn, cần thiết thì chuyển cơ quan điều tra, tránh tình trạng ô nhiễm môi trường từ các cơ sở chăn nuôi.