Tiến độ xây dựng dự án Bệnh viện 1.500 giường sau hơn 10 năm triển khai

Tin Y tế - Ngày đăng : 20:00, 03/10/2023

Bình Dương - Việc dự án Bệnh viện 1.500 giường (ở phường Định Hòa, thành phố Thủ Dầu Một, Bình Dương) hơn 10 năm triển khai đến nay vẫn chưa xây dựng xong khiến nhiều người sốt ruột. Người dân trong tỉnh thắc mắc đến khi nào thì mới đưa dự án vào hoạt động?
Tiến độ xây dựng dự án Bệnh viện 1.500 giường sau hơn 10 năm triển khai
Dự án Bệnh viện 1.500 giường tại Bình Dương, ảnh chụp ngày 3.10. Ảnh: Đình Trọng

Trễ hẹn rồi lại trễ hẹn

Theo tìm hiểu của phóng viên, dự án có vốn đầu tư khoảng 2.300 tỉ đồng được triển khai từ năm 2012. Dự án được bố trí vốn khởi công xây dựng phần móng từ cuối 2014. Tuy nhiên, công trình sau đó ngưng thi công suốt gần 3 năm.

Đến cuối 2018, dự án mới bắt đầu thi công trở lại và hứa hẹn đến khoảng tháng 6.2020 xong bàn giao cho Sở Y tế. Tuy nhiên, do dịch bệnh và công tác mua sắm trang thiết bị gặp nhiều khó khăn nên đến nay vẫn chưa hoàn thành, trễ hẹn nhiều lần.

Đầu năm 2023, lãnh đạo tỉnh Bình Dương đi khảo sát dự án và chỉ đạo, tháng 11.2023 phải xong, không để kéo dài thêm. Tuy nhiên đến nay, nhiều hạng mục vẫn còn dang dở.

Dự án hình thành từ năm 2012. Ảnh: Đình Trọng
Dự án hình thành từ năm 2012. Ảnh: Đình Trọng

Ngày 3.10, UBND tỉnh Bình Dương cho biết, tỉnh cũng đã có trả lời kiến nghị cử tri về nội dung trên. Theo đó, để đẩy nhanh tiến độ dự án, từ tháng 4.2022, UBND tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động như thành lập Tổ công tác chỉ đạo, theo dõi, thành lập Tổ kiểm tra, giám sát ....

Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án xây dựng tỉnh (chủ đầu tư), công trình bệnh viện 1.500 giường có thể hoàn thành vào đầu năm 2024.

Hiện Dự án mua sắm trang thiết bị y tế khoảng 790 tỉ đồng đang triển khai. Trong quá trình thực hiện, do một số vướng mắc thủ tục phê duyệt. Để thực hiện công tác mua sắm nhằm sớm cung cấp thiết bị ngay sau khi Bệnh viện đa khoa 1.500 giường hoàn thành, Sở Y tế đã có văn bản gửi Bộ Y tế để được hướng dẫn thực hiện nhưng đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi.

Còn nhiều hạng mục chưa thực hiện hoàn tất.Ảnh: Đình Trọng
Còn nhiều hạng mục chưa thực hiện hoàn tất. Ảnh: Đình Trọng

Ngày 4.8.2023, UBND tỉnh đề nghị Bộ Y tế hướng dẫn về tiêu chuẩn, định mức và phương pháp xác định dự toán, tổng mức đầu tư đối với dự án mua sắm trang thiết bị thuộc lĩnh vực y tế để làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo của gói thầu nhưng chưa nhận được hướng dẫn, dẫn đến các gói thầu mua sắm trang thiết bị cho bệnh viện 1.500 giường chưa tiếp tục triển khai như tiến độ.

Doanh nghiệp e ngại tư vấn dự án vận hành

Để chuẩn bị cho công tác vận hành bệnh viện 1.500 giường, Sở Y tế đã tiến hành thuê Công ty M VN tư vấn lập "Đề án vận hành bệnh viện 1.500 giường", nhưng đơn vị tư vấn đã có văn bản không tiếp tục thực hiện công tác này vào tháng 6 năm 2022.

Sở Y tế đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương chấp thuận chủ trương thuê đơn vị tư vấn lập. Tuy nhiên, các đơn vị tư vấn rất e ngại khi nhận tư vấn cho ngành Y tế (hiện chỉ có 2 đơn vị tiếp cận báo giá lập dự toán 2 gói thầu tư vấn nêu trên nhưng Bộ Y tế cũng chưa có hướng dẫn các gói thầu tư vấn không có cấu phần xây dựng).

Kỳ vọng qua năm 2024 mới xây dựng xong. Ảnh: Đình Trọng
Kỳ vọng qua năm 2024 mới xây dựng xong bệnh viện 1.500 giường. Ảnh: Đình Trọng

Theo UBND tỉnh Bình Dương, việc đưa vào vận hành bệnh viện 1.500 giường phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có tiến độ thực hiện các gói thầu xây lắp và trang thiết bị cho bệnh đa khoa 1.500 giường. Còn tiến độ triển khai gói thầu liên quan đến hệ thống xử lý nước thải bệnh viện dự kiến hoàn thành vào quý I năm 2024. Do vậy, việc vận hành bệnh viện đa khoa tỉnh chỉ được thực hiện khi các gói thầu liên quan đến xây lắp, trang thiết bị, hệ thống xử lý nước thải được hoàn thành và bàn giao cho ngành Y tế.

Phát hiện thay đổi nhãn thang máy, yêu cầu đẩy nhanh tiến độ

Qua thanh tra, Thanh tra Chính phủ phát hiện dự án Bệnh viện 1.500 giường thay đổi nhãn hiệu xuất xứ hệ thống thang máy. Việc này tuy không làm tăng giá thiết bị nhưng chưa phù hợp với quy định của Luật đấu thầu.

Phát hiện thang máy thay đổi nhãn hiệu.Ảnh: Đình Trọng
Phát hiện thang máy thay đổi nhãn hiệu. Ảnh: Đình Trọng

Thanh tra Chính phủ yêu cầu chủ đầu tư và nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện hợp đồng. Đồng thời, phải tuân thủ quy định và kết quả lựa chọn nhà thầu. Ngoài ra, Thanh tra Chính Phủ yêu cầu Bình Dương chấm dứt việc bố trí vốn đầu tư công dàn trải, kéo dài. Chỉ đạo các chủ đầu tư chấn chỉnh việc thi công chậm tiến độ, thay đổi nhãn hiệu, xuất xứ thiết bị.

ĐÌNH TRỌNG