Thực hư thông tin Công Phượng có quốc tịch Nhật Bản
Câu chuyện thể thao - Ngày đăng : 18:00, 03/10/2023
Ít ngày qua, xuất hiện thông tin tiền đạo Công Phượng đã có quốc tịch Nhật Bản từ đầu năm 2023. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên Dân trí, đây chỉ là tin đồn, chưa có ai chính thức xác nhận thông tin này, kể cả tiền đạo Công Phượng.
Bản thân một số người bạn thân của Công Phượng cũng bất ngờ với thông tin trên. Theo những người bạn của Công Phượng: "Việc Công Phượng có quốc tịch Nhật Bản gần như không có khả năng".
"Công Phượng cũng chưa hề chia sẻ cho tôi việc này, nên khi nghe tin Công Phượng đã có quốc tịch Nhật, tôi rất bất ngờ", một người bạn của Công Phượng tiết lộ.
Cũng theo phân tích của người này, nếu Công Phượng có quốc tịch Nhật Bản, anh buộc phải bỏ quốc tịch Việt Nam (trừ những trường hợp hết sức đặc biệt, người có quốc tịch Nhật Bản mới được giữ thêm quốc tịch khác). Nếu điều đó xảy ra, Công Phượng không thể khoác áo đội tuyển Việt Nam trong trận gặp Palestine hồi tháng 9 vừa rồi, ghi bàn trong trận đấu này.
Trong khi theo thông tin được một số kênh đăng tải ít ngày qua, Công Phượng có quốc tịch từ đầu năm 2023. Điều này bất hợp lý về mốc thời gian.
Trong khi đó, trao đổi với phía CLB Hoàng Anh Gia Lai, đội bóng cũ của Công Phượng, đồng thời luôn có sự gắn bó thân thiết với cầu thủ này. Đại diện phía Hoàng Anh Gia Lai cho biết: "Chúng tôi chưa hề nghe Công Phượng nói về chuyện cậu ấy có quốc tịch Nhật hoặc muốn làm thủ tục xin quốc tịch Nhật".
Hồi giữa tháng 9, sau trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam và Palestine trên sân Thiên Trường (Nam Định), Công Phượng đã về trung tâm huấn luyện bóng đá Hàm Rồng (Pleiku, Gia Lai) thăm lại đội bóng cũ.
Chuyến thăm này được cựu tiền đạo của Hoàng Anh Gia Lai thực hiện trước khi anh quay lại với đội bóng chủ quản Yokohama FC tại Nhật Bản. Trong chuyến thăm CLB Hoàng Anh Gia Lai nói trên, Công Phượng không hề nói gì về việc anh đã có quốc tịch Nhật Bản.
Hiện tại, tiền đạo của đội tuyển Việt Nam đã quay lại với CLB Yokohama FC ở giải bóng đá nhà nghề Nhật Bản.
Không dễ để người nước ngoài có quốc tịch Nhật Bản
Theo một cựu du học sinh Việt Nam từng có 10 năm học tập và làm việc tại Nhật Bản, việc nhập quốc tịch Nhật Bản đối với người nước ngoài rất khó, bao gồm việc phải đáp ứng nhiều điều kiện cùng lúc.
Ví dụ như phải có gia đình (vợ/chồng) là người Nhật, có con cái học tại Nhật, có thời gian sinh sống nhất định tại xứ sở mặt trời mọc, công việc ổn định, có mức đóng thuế đáng kể cho xã hội Nhật Bản… Hoặc người nước ngoài xin quốc tịch Nhật Bản phải là nhân vật đặc biệt xuất sắc trong một số lĩnh vực cụ thể, đặc biệt cần thiết cho nước Nhật.
Về mặt này, cựu du học sinh Việt Nam từng học tập và làm việc tại Nhật Bản nói trên lên tiếng: "Tôi cho rằng Công Phượng khó đáp ứng các tiêu chí. Công Phượng dù là cầu thủ rất nổi tiếng tại Việt Nam, nhưng so với bóng đá Nhật Bản, cậu ấy chưa phải là nhân vật đặc biệt xuất sắc, đến mức bóng đá Nhật cần phải có cậu ấy, nên việc xin quốc tịch Nhật Bản không hề đơn giản".