Thấy gì từ tranh luận 'làm việc bao nhiêu tiếng mỗi ngày'?
Nhịp sống - Ngày đăng : 18:00, 03/10/2023
Ông Hoàng Nam Tiến, Phó chủ tịch Hội đồng trường Đại học FPT (nguyên Chủ tịch FPT Telecom), có một chia sẻ gây tranh luận trên cộng đồng mạng thời gian gần đây, rằng ông "làm việc 10 - 16 giờ mỗi ngày, không nghỉ thứ Bảy, Chủ Nhật, năm này qua năm khác", vậy mà ông vẫn thấy xấu hổ vì thấy có những bạn trẻ làm việc 20 giờ mỗi ngày.
Theo lẽ thông thường ai nghe ông Tiến nói cũng choáng. Nhiều tranh luận nổ ra, xoay quanh chuyện con người có thể chịu đựng được giới hạn làm việc bao nhiêu tiếng mỗi ngày, và có nên làm việc 16 tiếng mỗi ngày năm này qua năm khác không? Tôi xin chia sẻ suy nghĩ của mình dưới góc độ là một bác sĩ.
Trước hết khi bàn về "làm việc bao nhiêu tiếng mỗi ngày", chúng ta cần lưu ý rằng Bộ Luật lao động đã có quy định về thời giờ làm việc, thời gian nghỉ ngơi rất rõ ràng. Cụ thể như "Thời giờ làm việc bình thường không quá 8 giờ trong một ngày và không quá 48 giờ trong một tuần"; "Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ đối với người lao động"…
Ngoài ra Bộ Luật lao động cũng quy định về việc làm thêm giờ, bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 200 giờ trong một năm, trừ một số trường hợp đặc thù.
Luật pháp đã có quy định nên trong quan hệ lao động thì chúng ta cần tuân thủ và căn cứ vào đó để đảm bảo quyền lợi của các bên, nhất là người lao động làm việc trong nhà máy, công xưởng… Tất nhiên, cuộc sống đa dạng nên nếu chúng ta là chủ doanh nghiệp tư nhân, người khởi nghiệp, bạn trẻ mới đi làm ở các công ty, bác sĩ, kỹ sư, nhà báo… thì việc làm thêm giờ, làm ngoài giờ để đảm bảo tiến độ và chất lượng công việc, hoặc theo sự yêu thích cá nhân là chuyện bình thường.
Công việc của bác sĩ X quang chúng tôi, vì làm việc trong môi trường đặc thù, nên chỉ phải làm việc 7 tiếng mỗi ngày. Buổi sáng đến bệnh viện đọc các kết quả chụp X quang của bệnh nhân, trao đổi với bác sĩ lâm sàng, xem bệnh án; trưa ăn cơm hộp và tra cứu tài liệu những ca bệnh khó. Buổi chiều lặp lại.
Xét về cường độ, bác sĩ X quang phải giải quyết hàng trăm bệnh nhân mỗi ngày, công việc đòi hỏi tốc độ khá cao, trước cửa buồng siêu âm hay buồng chụp bệnh nhân dồn nén không thể chờ đợi, rất ồn ào, ngày nào cũng xảy ra những rắc rối. Phụ nữ không phù hợp với công việc của bác sĩ X quang. Nhiều chị em bị tắt kinh vì áp lực. Bản thân tôi làm việc đến 6 giờ mỗi ngày là thấy "đơ đơ toàn thân". Lương trước 1/7/2023 của bác sĩ thâm niên 25 năm như tôi là 8,7 triệu đồng một tháng, nay được tăng lên 10 triệu đồng.
Công việc thực sự nặng nhọc, nhưng không phải hết giờ làm, rời bệnh viện là tôi hoàn toàn nghỉ ngơi. Đúng là rời bệnh viện sẽ thoải mái hơn về thời gian, nhưng tôi phải thu xếp để kết hợp nghỉ ngơi và tranh thủ thực hiện các dự định cá nhân, hoặc đơn giản là tranh thủ viết lách theo sở thích của mình. Cuối tuần tôi cũng không thoát khỏi những bận rộn mưu sinh hoàn toàn mà kết hợp giữa nghỉ ngơi và làm việc, nhiều khi còn làm việc nặng hơn ngày thường trong tuần.
Cho đến nay chưa có ranh giới rõ ràng giữa lao động trí óc và lao động thể chất, chỉ cần chúng ta làm một công việc được gọi là lao động trí óc lặp đi lặp lại trong thời gian dài với cường độ cao thì sẽ trở thành lao động thể chất. Ví dụ bác sĩ X quang về bản chất là lao động thể chất hơn là trí óc, vì cần rất nhiều sức lực để làm một công việc lặp đi lặp lại. Nói chung, lao động thể chất ở đây là sự kết hợp giữa tay chân và trí tuệ, nhưng chủ yếu vẫn là hoạt động thể chất.
Nhiều nghiên cứu khoa học về "thời gian biểu của bộ não" cho thấy có 4 giờ đồng hồ tốt nhất để giải quyết công việc, từ 7 - 11 giờ sáng. Những khung giờ khác, để làm việc, đòi hỏi chúng ta phải gắng sức. Nhưng nếu chúng ta gắng sức quá mức, sẽ dẫn đến bơ phờ, mệt mỏi, phản ứng chậm chạp, trường hợp nặng có thể dẫn đến đau đầu, ù tai, buồn nôn và nôn.
Đối với lao động thể chất có kết hợp trí óc, làm việc 12 tiếng mỗi ngày là báo động đỏ, công việc quá tải sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, dễ xảy ra tai nạn lao động, bác sĩ dễ mắc những sai sót.
Với lao động trí óc thuần túy, ví dụ nhà lập trình, có thể làm việc đến 10 tiếng, thậm chí một số người làm được 16 tiếng mỗi ngày với điều kiện họ phải ngủ đủ giấc.
Trạng thái làm việc sâu (deep work), làm việc hiệu quả nhất, thời gian tối đa chỉ 6 tiếng mỗi ngày. Khi não làm việc sâu quá 6 tiếng sẽ rất mệt mỏi. Với người bình thường thời gian này chỉ 3 - 4 tiếng. Có người chỉ 2 giờ. Trong thời gian làm việc sâu, não sẽ tiêu tốn rất nhiều năng lượng, nên ai đó làm việc sâu được 6 tiếng quả là phi thường.
Tất nhiên đây là nghiên cứu khoa học phổ thông, nghĩa là nghiên cứu với một nhóm người bình thường trong xã hội, ngoài ra trong xã hội luôn có những người vượt trội hơn về thể chất và tư duy. Người giàu nhất thế giới, tỷ phú Elon Musk từng phát biểu rằng ông làm việc 7 ngày mỗi tuần, khối lượng công việc 120 giờ, trung bình 17 giờ mỗi ngày.
Musk không phải là siêu nhân, nhưng ông ấy vẫn duy trì được khối lượng công việc như vậy vì ông chủ động về thời gian của mình với sự hỗ trợ của bộ máy nhân viên phía sau. Với người bình thường lên mạng xã hội là giải trí, còn với Musk thì lên mạng phát biểu là làm việc.
Nói như vậy để thấy rằng thể chất, tư duy và hoàn cảnh, điều kiện làm việc của mỗi người là khác nhau. Vì vậy chúng ta không nên lấy người này so với người khác để tranh luận mà chỉ nên thống nhất với nhau những nguyên tắc áp dụng với đa số, ví dụ như phải tuân thủ Bộ Luật lao động, phải căn cứ vào khả năng về thể chất và điều kiện của bản thân để xem mình có thể làm việc bao nhiêu tiếng mỗi ngày, mục đích của mình là gì?
Tôi tin tưởng rằng anh Hoàng Nam Tiến nói thực lòng và anh làm đúng như vậy. Tôi cũng tin Elon Musk nói thật. Và tôi cũng tin nhiều bạn trẻ đang làm việc 16 đến 20 tiếng mỗi ngày. Nhưng, nhìn ở chiều ngược lại, chúng ta cũng thấy có những người tuyên bố chỉ làm việc vài ba tiếng mỗi ngày mà vẫn hiệu quả. Đơn cử như kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa - người đã giành nhiều giải thưởng quốc tế, cho hay chỉ làm việc 2 giờ mỗi ngày. Đối với anh, thời gian 2 giờ là đủ và anh có một đội ngũ đủ mạnh để hiện thực hóa cảm hứng thiết kế của mình. Thời gian còn lại, anh Võ Trọng Nghĩa dành cho cuộc sống riêng tư, hay thu thập nguồn cảm hứng.
Đa số chúng ta không thể làm việc 2 giờ mỗi ngày hay 16 giờ mỗi ngày. Vậy nên làm như thế nào? Tiêu chuẩn chung là làm việc 8 tiếng mỗi ngày, trong đó về mặt khoa học thời gian làm việc sâu đạt tối đa 4 đến 6 tiếng, 2 tiếng làm việc kết hợp các quãng nghỉ ngơi ngắn. Đây là tôi nói về làm việc thực sự chứ không đến cơ quan trà nước chuyện phiếm mà vẫn tính là làm việc.
Nhưng, như tôi đã đề cập ở trên, cuộc sống rất đa dạng nên ở ngoài kia luôn có những người làm việc 10 tiếng và hơn nữa mỗi ngày, vì thể chất, tư duy của họ cho phép điều đó, vì họ có mục đích của riêng mình. Các quốc gia phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc… là những nơi nổi tiếng về sự chăm chỉ, chuyên nghiệp của người lao động.
Bạn muốn làm việc mỗi ngày bao nhiêu giờ? Cá nhân tôi mong muốn, mỗi tuần làm việc 4 ngày, mỗi ngày làm việc 6 giờ.
Tác giả: Bác sĩ Trần Văn Phúc là một trong 10 thầy thuốc trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2014. Anh hiện công tác tại bệnh viện Saint Paul, Hà Nội. Ngoài công việc trong ngành Y tế, bác sĩ Trần Văn Phúc còn là một nhạc sĩ với nhiều tác phẩm đã được giới thiệu trên sóng truyền hình quốc gia.