Nếu cho huấn luyện viên Troussier thời gian…

Bóng đá Việt Nam - Ngày đăng : 13:52, 03/10/2023

Cứ giả sử người hâm mộ Việt Nam đủ kiên nhẫn để chờ huấn luyện viên Philippe Troussier, quyết định trẻ hóa mạnh mẽ ở đội tuyển quốc gia của ông sẽ đi đến đâu?
Nếu cho huấn luyện viên Troussier thời gian…
Huấn luyện viên Philippe Troussier đang muốn đẩy nhanh việc trẻ hóa đội tuyển quốc gia, nhưng điều đó sẽ tạo áp lực lớn lên các cầu thủ. Ảnh: Minh Dân

Kinh nghiệm từ Nhật Bản

Bắt đầu có nhiều hơn những phân tích về đội hình đội tuyển bóng đá nam quốc gia mà huấn luyện viên Philippe Troussier triệu tập cho đợt FIFA Days tháng 10. Dù có những lý giải về việc đây chỉ là đợt tập trung trong tháng và cơ hội vẫn mở cho các cầu thủ ở những lần tiếp theo, rằng vì tháng 10 không có sự kiện nào cho đội U23 nên ông Troussier sử dụng nhiều cầu thủ trẻ để duy trì sự liền mạch cho họ, nhưng rất nhiều người tin rằng, huấn luyện viên người Pháp đã “chốt” khá nhiều nhân tố. Và đặc biệt, ông đặc biệt tin dùng cầu thủ trẻ giống như khi làm việc với bóng đá Nhật Bản từ hơn 20 năm trước.

Trên thực tế, từ cách làm của ông Troussier vào cuối thập niên 90, bóng đá Nhật Bản đã từng bước đi đến thành công và trở thành nền tảng quan trọng để quốc gia này đang ghi những dấu ấn đặc biệt trên đấu trường quốc tế.

Cũng nên nhớ rằng, khởi đầu của ông Troussier với đội tuyển Nhật Bản là một thất bại - tại Copa America 1999 với tư cách khách mời. Từ thất bại đó, ông đã chuyển hướng và đầu tư vào cầu thủ trẻ.

Tất nhiên, có quan điểm trái ngược về điều đó, nhưng Troussier nhận được sự ủng hộ từ Liên đoàn bóng đá Nhật Bản, trước khi rời đi với vị thế của một người thành công - giúp đội tuyển Nhật Bản lần đầu tiên vượt qua vòng bảng World Cup (năm 2002 trên sân nhà).

Công thức đúng, quy trình sai?

Và từ kinh nghiệm của bản thân, khi đến Việt Nam, huấn luyện viên 68 tuổi đã biết con đường ông cần đi phải. Giới chuyên môn cũng đã phân tích nhiều và coi những gì ông làm ở Nhật Bản là một hình mẫu để áp dụng cho đội tuyển Việt Nam. Ông đã làm, với công thức tương tự, nhưng dường như việc ông đặt niềm tin vào các cầu thủ trẻ ngay lúc này dường như lại quá… đột ngột.

Quá trình trẻ hóa cần có thời gian, quy trình và những bước đi phù hợp. Việc ngay lập tức gạt bỏ những cầu thủ đã thành danh, thậm chí là trụ cột của đội tuyển trong nhiều năm, để thay bằng những ngôi sao trẻ dễ tạo ra sự “hẫng” về trình độ. Đương nhiên, trong tay Troussier vẫn còn nhiều cầu thủ quan trọng khác, nhưng liệu toàn bộ các cầu thủ trẻ đã đáp ứng được yêu cầu chuyên môn khi cần phải thay thế đàn anh?

Qua các giải đấu trong tháng 9 vừa qua, tất cả đã thấy chất lượng cầu thủ trẻ Việt Nam ở mức độ nào. Theo thời gian, việc được trao cơ hội sẽ giúp họ trưởng thành. Nhưng thời gian là bao lâu, khi sự kiên nhẫn trong thế giới bóng đá hiện nay vốn là sự xa xỉ? Người hâm mộ Việt Nam không nằm ngoài điều đó, khi “yêu bóng đá chiến thắng”.

Một trong những lý do giúp Troussier thành công với cầu thủ trẻ Nhật Bản là ông đến ở thời điểm cuộc cách mạng của bóng đá nước này đã tiến hành được gần 10 năm, để hệ thống phát triển cầu thủ trẻ được vận hành rộng khắp, từ cơ sở (bóng đá học đường) đến chuyên nghiệp. Từ đó, trong tay ông có những nhân tố chất lượng.

Chưa kể các yếu tố khác như giải vô địch quốc gia, thể lực, kỹ thuật, tài chính… rõ ràng, Nhật Bản và Việt Nam là 2 hệ quy chiếu khác nhau, dù xét về mặt thể hình, các cầu thủ Việt Nam không phải quá thua kém.

Cứ giả sử người hâm mộ Việt Nam sẽ có sự kiên nhẫn, sẽ dành cho Troussier thời gian, nhưng ông vẫn phải… nhanh chân, ít nhất là trong bản hợp đồng 3 năm rưỡi ký với VFF. Vấn đề ở chỗ, nếu ông đang muốn đẩy nhanh hơn tốc độ trẻ hóa, có thể sẽ mang đến tác dụng ngược - kết quả của đội không tốt mà bản thân các cầu thủ trẻ phải chịu áp lực ngày càng cao dễ dẫn đến đuối sức. Công thức có thể không sai, nhưng quy trình sai sẽ là không tốt cho sự phát triển.

TAM NGUYÊN