Dân bất an vì hố sụt lớn xuất hiện tại khu vực nguy cơ sạt lở
Nhịp sống - Ngày đăng : 11:32, 03/10/2023
Ngày 3/10, thông tin từ Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) tỉnh Quảng Bình, đơn vị đã tiến hành khảo sát và xác định nguyên nhân xuất hiện hố sụt lún xảy ra ở khu vực nhà dân tại tổ dân phố 8, thị trấn Quy Đạt, huyện Minh Hóa.
Hố sụt lún được phát hiện tại khu vực nguy cơ sạt lở núi cao, đe dọa sự an toàn của 200 người dân; xuất hiện sau đợt mưa lũ vừa xảy ra trên địa bàn. Tại thời điểm khảo sát, đường kính miệng hố khoảng 3,5m, sâu hơn 1,5m, miệng hố sụt tạo thành hình tròn nằm dưới đường bê tông.
Bên cạnh núi Cây Sường ở tổ dân phố 8 xuất hiện vết nứt lớn, nguy cơ sạt lở cao thì việc xuất hiện hố sụt lún càng khiến người dân thêm bất an, lo lắng.
Sở KH-CN tỉnh Quảng Bình nhận định, đây là sụt lún karst (tổ hợp các quá trình và hiện tượng địa chất xuất hiện trên bề mặt hoặc trong lòng đất chủ yếu là do hòa tan hóa học đất đá, tạo nên các hang rỗng, làm phá hủy và biến đổi cấu trúc, trạng thái đất đá, cơ chế nước ngầm, đặc thù địa hình, cơ chế mạng thủy văn), nền đất khu dân cư đang ở là đất sườn tích, kèm theo một ít là bồi tích và tàn tích, được tạo thành trên nền đá vôi ở phía dưới.
Nền đá vôi phía dưới hố sụt này bị quá trình karst hóa, tạo thành các hố, hang, hốc rỗng nên khi có mưa nhiều, nước từ khe cạn trên núi Cây Sường, thị trấn Quy Đạt chảy qua là một tác nhân hỗ trợ cho các quá trình karst ở dưới tầng đá gốc (đá vôi), là quá trình tạo các hố, hang, hốc rỗng gây sụt lún.
Bên cạnh hố sụt kể trên, ở tổ dân phố 8, thị trấn Quy Đạt còn có một hố sụt khác hình phễu diện rộng, đường kính khoảng 70m, có từ năm 2018 và tiếp tục sụt dần.
Các hố sụt trên gây nên hiện tượng sụt và trượt cục bộ xung quanh. Cũng theo Sở KH-CN tỉnh Quảng Bình, đây là hiện tượng xảy ra khá phổ biến của tự nhiên nên người dân không cần quá lo lắng.
Như Dân trí đã phản ánh, hiện nay trên núi Cây Sường, thuộc tổ dân phố 8, thị trấn Quy Đạt xuất hiện vết nứt và đang ngày càng mở rộng, nguy cơ sạt lở hiện hữu.
Theo ghi nhận, vết nứt trên núi Cây Sường chạy dài ở giữa sườn núi, đất bị sụt lún, trượt xuống ở nhiều đoạn. Theo người dân địa phương, cứ đến mùa mưa bão là họ phải di dời đến trụ sở xã hoặc nhà văn hóa để lánh nạn, mỗi đợt di dời như vậy thường kéo dài cả tuần, rất vất vả, bất tiện vô cùng.
Lãnh đạo chính quyền địa phương cũng cho hay, hiện có 40 hộ dân với 200 nhân khẩu đang nằm trong vùng ảnh hưởng trực tiếp nếu xảy ra sạt lở núi. Để kiểm chứng về mức độ sạt lở, người dân đã đóng nhiều cọc gỗ vào các vị trí đất trượt. Kết quả, khi có mưa lớn kéo dài, một số cọc gỗ đã bị dịch chuyển so với vị trí ban đầu.