Mẹo nhỏ giúp cải thiện suy giảm trí nhớ
Ăn ngon - Sống khỏe - Ngày đăng : 19:46, 02/10/2023
Rối loạn giấc ngủ
Giấc ngủ có vai trò rất quan trọng với sức khỏe, vì đây là thời gian cơ thể nghỉ ngơi, tái tạo lại năng lượng và đào thải độc tố. Cũng trong thời gian này, sóng não sẽ được tạo ra để lưu trữ các thông tin và chuyển thông tin đó đến vỏ não trước trán, lưu giữ ký ức tại đây.
Nếu thiếu ngủ hoặc ngủ không đủ giấc, luồng thông tin về vỏ não trước trán ngưng trệ và làm mất trí nhớ ngắn hạn hoặc mau quên. Mỗi người trưởng thành cần ngủ đủ 7-8 tiếng/ngày. Giấc ngủ phải đủ sâu, để sau ngủ, cơ thể tỉnh táo, không mệt mỏi.
Muốn có một giấc ngủ ngon, cần loại bỏ các áp lực, căng thẳng trong cuộc sống. Bên cạnh đó, cần chế độ dinh dưỡng, vận động khoa học; hạn chế hoặc không sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, cà phê, thuốc lá. Khi đó, não bộ sẽ được phục hồi; căng thẳng cũng được giải tỏa, các nguy cơ tổn thương não, suy giảm trí nhớ cũng được loại bỏ.
Công việc quá tải
Khi cơ thể cùng một lúc phải làm quá nhiều việc, bộ não sẽ quá tải. Đây chính là một trong những nguyên nhân suy giảm trí nhớ ở người trẻ. Tốt nhất, nên tập trung làm tốt một việc ở một thời điểm; sắp xếp công việc hợp lý; tránh việc cùng lúc phải giải quyết nhiều vấn đề để hạn chế nguy có suy giảm trí nhớ.
Chế độ dinh dưỡng
Thiếu hụt một số khoáng chất, nhất là các loại vitamin nhóm B (B1 và B12), cũng gây ảnh hưởng tiêu cực đến trí nhớ. Thiếu máu do thiếu sắt sẽ gây mệt mỏi, chóng mặt, da vẻ xanh xao, cộng hưởng với các áp lực trong cuộc sống cũng có thể dẫn đến tình trạng suy giảm trí nhớ ở người trẻ.
Để cải thiện tình trạng suy giảm trí nhớ, nên ăn cá ít nhất 2 lần/tuần. Lưu ý chọn các loại có ít thủy ngân như cá hồi, cá tuyết, cá ngừ. Nếu là người ăn chay không hoặc không thích ăn cá, có thể bổ sung omega-3 hoặc chọn các nguồn omega-3 trên cạn như hạt lanh, quả bơ và quả óc chó.