Bãi chôn lấp rác khổng lồ tại Ninh Bình quá tải sau 10 năm hoạt động

Nhịp sống - Ngày đăng : 15:28, 02/10/2023

Bãi chôn lấp rác thải rắn Ninh Bình đi vào hoạt động năm 2014, dự kiến khoảng 30 năm mới có thể lấp đầy, nhưng thực tế từ nay đến cuối năm 2023 sẽ quá tải, gây ô nhiễm môi trường.

Bãi chôn lấp rác khổng lồ tại tỉnh Ninh Bình quy hoạch 30 năm nhưng chỉ sau 10 năm đã đầy

UBND TP Tam Điệp mới có báo cáo gửi UBND tỉnh Ninh Bình, nội dung về việc hố chôn lấp rác của Nhà máy xử lý chất thải rắn Ninh Bình đã gần đầy. Bãi chôn lấp rác thải của nhà máy dự kiến khoảng 30 năm mới có thể lấp đầy. Nhưng thực tế hiện nay, lượng rác tiếp nhận hằng ngày lớn, dự kiến đến cuối năm 2023, hố chôn lấp sẽ quá tải, không đảm bảo khả năng xử lý rác thải sinh hoạt cho các đơn vị trên địa bàn.

UBND TP Tam Điệp nêu rõ, bình quân mỗi năm Nhà máy xử lý chất thải rắn Ninh Bình thực hiện xử lý rác thải sinh hoạt của các đơn vị trên địa bàn tỉnh khoảng 125.000 tấn. Trong đó, xử lý theo hình thức phân loại sản xuất phân vi sinh 12.000 tấn; xử lý theo hình thức chôn lấp hợp vệ sinh 113.000 tấn.

Lãnh đạo UBND TP Tam Điệp cho biết: "Lượng rác thải sinh hoạt của các huyện, thành phố, các đơn vị trên địa bàn tỉnh hàng năm tăng nhanh, phần lớn rác chưa được phân loại tại nguồn. Trong khi đó, việc xử lý rác thải theo hình thức phân loại sản xuất phân vi sinh của nhà máy chỉ thực hiện được một ca/ngày. Do vậy phần lớn rác thải sinh hoạt phải xử lý bằng hình thức chôn lấp".

Trước thực trạng hố chôn lấp rác của Nhà máy xử lý chất thải rắn Ninh Bình sẽ đầy vào cuối năm 2023, UBND TP Tam Điệp đã có báo cáo UBND tỉnh Ninh Bình, đề nghị xem xét việc mở rộng thêm hố chôn rác hoặc cải tạo hố rác cũ; đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư xây dựng nhà máy điện rác. Đồng thời sớm ban hành giá dịch vụ xử lý chất thải rắn phù hợp để nhà máy xử lý chất thải cân đối được thu chi.

Về vấn đề này, UBND tỉnh Ninh Bình vừa có văn bản yêu cầu sở Tài Chính, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng và UBND TP Tam Điệp về việc giải quyết khó khăn, vướng mắc của Nhà máy xử lý chất thải rắn Ninh Bình (trên địa bàn TP Tam Điệp). Trong đó, sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn Ban quản lý dự án quản lý và xử lý chất thải rắn tỉnh Ninh Bình quyết toán dự án, bàn giao tài sản theo đúng quy định pháp luật. Đồng thời xem xét đề xuất hỗ trợ kinh phí hoạt động cho nhà máy để đảm bảo hoạt động ổn định.

UBND tỉnh Ninh Bình giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, UBND TP Tam Điệp và các đơn vị có liên quan nghiên cứu, tham mưu cho UBND tỉnh phương án ban hành giá xử lý chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với hoạt động của Nhà máy xử lý chất thải rắn Ninh Bình, căn cứ tình hình thực tế xem xét đề nghị mở rộng hố chôn rác hoặc cải tạo hố rác cũ.

Sẽ xây dựng nhà máy điện rác trên địa bàn TP Tam Điệp?

Ghi nhận tại khu chôn lấp rác thải, toàn bộ khu vực là thung lũng, được bao bọc bởi những núi đá vôi cao hơn 100m. Tại đây, bãi chứa rác khổng lồ với các hố chôn lấp rác thải thiết kế theo tiêu chuẩn của Hàn Quốc với sức chứa 350.000 tấn rác, rác thải chất cao như núi.

Ngay cạnh đó là khu chôn lấp rác cũ, được chôn lấp bằng hình thức tự nhiên, không được áp dụng các biện pháp kỹ thuật như gia cố lớp lót đáy và hệ thống thu gom nước rỉ rác nên vào mỗi đợt mưa lớn, nước rỉ rác theo nước mưa chảy ra khu vực dân cư lân cận gây nguy cơ ô nhiễm nguồn nước.

Theo người dân sống cạnh khu vực chôn lấp rác thải của Nhà máy xử lý chất thải rắn Ninh Bình, ngày nắng mùi hôi thối của bãi rác bốc lên nồng nặc, khó chịu...

"Ngày cũng như đêm mọi người sống gần đây đều phải bịt khẩu trang, kể cả trong lúc đi ngủ. Vào những ngày mưa to, nước từ bãi rác rỉ ra chảy tràn lan sang khu đất sản xuất nông nghiệp của người dân gây ô nhiễm nguồn nước nặng nề. Không chỉ đời sống bị ảnh hưởng mà sản xuất cũng thất bát vì bãi rác gây ô nhiễm", một hộ dân bức xúc chia sẻ.

Theo ông Lã Phú Dũng - Giám đốc Nhà máy xử lý chất thải rắn Ninh Bình, bãi chôn lấp rác của nhà máy đưa vào hoạt động từ năm 2014, với lượng rác vận chuyển đến xử lý thời điểm đầu khoảng 150 tấn/ngày. Tuy nhiên, hiện nay đang tiếp nhận xử lý, chôn lấp rác cho 8/8 huyện, thành phố trong tỉnh với lượng rác thải đổ về đây mỗi ngày khoảng 400 tấn.

"Hiện nay lượng rác thải chưa được phân loại tại nguồn vận chuyển đến xử lý bằng phương pháp chôn lấp tăng cao. Khả năng tiếp nhận của khu chôn lấp có thể bị lấp đầy vào cuối năm 2023. Hiện nay nhà máy đang áp dụng đơn giá 90.200 đồng/tấn rác thải. Đơn giá này là quá thấp, nhà máy không bù đắp được chi phí sản xuất, đặc biệt là xử lý rác bằng phương pháp sản xuất phân vi sinh. Do đó, mỗi năm nhà máy đang bị hụt cân đối tài chính hơn 2 tỷ đồng", ông Lã Phú Dũng chia sẻ.

Việc mở rộng thêm hố chôn lấp rác tại khu vực nhà máy được ông Lã Phú Dũng cho là rất cần thiết. Đồng thời, tỉnh Ninh Bình cũng cần đẩy nhanh tiến độ dự án xử lý, cải tạo, phục hồi môi trường bãi rác để hạn chế tối đa lượng nước rỉ rác ngấm vào trong đất gây ô nhiễm nguồn nước khu dân cư lân cận nhà máy. Đồng thời, sớm hỗ trợ kinh phí tái định cư hộ dân sống gần khu vực chôn lấp rác.

Ông Nguyễn Cao Sơn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho biết: "Chủ trương của UBND tỉnh Ninh Bình đang có hướng dùng một quỹ đất ở khu vực khác trên địa bàn TP Tam Điệp để xây dựng nhà máy điện rác. Song song với đó là thực hiện các biện pháp đảm bảo môi trường quanh khu vực xử lý hiện nay...".